Đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (tỉnh Quảng Ngãi) hỏi: Giáo dục vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên chưa đạt yêu cầu. Tình trạng dồn ghép các điểm trường một cách cơ học ở một số nơi, dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu chất lượng. Vậy khi đổi mới chương trình, sách giáo khoa sắp tới, với điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ như hiện nay thì sẽ rất khó khăn. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm và giải pháp?
Ảnh minh họa: Đình Tăng
Trả lời câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Chính sách giáo dục miền núi đã được Đảng và Nhà nước rất quan tâm; trong đó đã ưu tiên để xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, ưu tiên về đội ngũ giáo viên và các chính sách liên quan đến chế độ đối với giáo viên, học sinh…
Bộ trưởng cho biết, thực tế mà đại biểu nêu diễn ra ở rất nhiều địa phương. Bộ GD&ĐT đã tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2018/NĐ-CP “Quy định về chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non”. Đối với giáo viên cũng có nhiều chính sách ưu đãi, đơn cử như chính sách phụ cấp thu hút 70% đối với giáo viên dạy học ở vùng đặc biệt khó khăn, chính sách đối với giáo viên dạy tích hợp, liên môn được hỗ trợ trên 400 nghìn đồng/tháng.….
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, so với yêu cầu phát triển giáo dục miền núi thì cơ sở, trang thiết bị vẫn còn khó khăn. Nhiều tỉnh miền núi như: Gia Lai, Hà Giang, Kon Tum..., tỷ lệ trường lớp kiên cố chưa được 50%, nhiều trang thiết bị hầu như không có...
Bộ GD&ĐT cũng đã có các giải pháp, gần đây nhất Bộ đã làm việc với Văn phòng Chính phủ để kiến nghị Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án kiên cố hóa trường lớp khi áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới. Đặc biệt nội dung chương trình này sẽ phục vụ cho vùng khó khăn. Dự án được đề nghị mấy năm nay, hiện các bộ, ngành đang có ý kiến.
Về sách giáo khoa, điều kiện thực hiện chương trình mới không chỉ với đồng bào dân tộc mà đối với rất nhiều địa phương khi thay đổi chương trình từ tiếp cận kiến thức sang phát triển năng lực, giải pháp thực hiện cần sự đồng bộ về giáo viên, cơ sở vật chất.
“Đây là vấn đề khó, chúng tôi cũng đang rà soát. Điều kiện tiếp cận giáo dục của giáo viên, học sinh miền núi có khó khăn. Chúng tôi ghi nhận ý kiến này và tiếp tục làm sao khả thi hơn. Về nguồn lực, chúng tôi sẽ làm việc với các bộ liên quan như Bộ Tài chính trong việc kiên cố hóa trường lớp để đảm bảo điều kiện học tập cho các em”- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ.
Liên quan đến chương trình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, hiện đã có chương trình song ngữ về tiếng Việt và tiếng dân tộc. Đồng thời Bộ GD&ĐT kiến nghị Chính phủ cấp sách giáo khoa cho vùng khó khăn. Đối với biên soạn chương trình, hiện có chương trình giáo dục địa phương, trong đó đặc biệt vấn đề dân tộc.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết thêm, vừa qua, thực hiện Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành trung ương, một số địa phương có tình trạng dồn dịch các điểm trường một cách cơ học, dẫn đến tình trạng một số học sinh ở trường lớp có hiện tượng bỏ học.
Vấn đề này Bộ GD&ĐT đã có ý kiến. Các giải pháp trong thời gian tới: Trước hết là về mạng lưới cơ sở trường lớp, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn các địa phương, dù có tinh giảm các đầu mối nhưng vẫn phải đảm bảo điều kiện dạy và học cho thầy và trò.
Chính phủ đã có quyết định vẫn đảm bảo đủ giáo viên theo cơ số. Hiện nay một số tỉnh giáo viên dành cho mầm non rất ít. Số giáo viên mầm non biên chế cho 1 lớp ở nhiều tỉnh là rất khó khăn và trong 3 năm nay không có sự thay đổi, chẳng hạn như ở Gia Lai. Bộ GD&ĐT cũng đã làm việc với Bộ Nội vụ và xác định trong năm học tới phải kiên quyết bố trí đủ giáo viên để các lớp vận hành./.
Mỹ Anh