Từ nhiệm vụ tuyệt mật
Giữ kỷ lục là “nhà lãnh đạo bị mưu sát nhiều nhất thế giới”, lại đến “thánh địa tử thần” giữa lúc cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam đang hồi ác liệt nhất, thế nên an toàn và bí mật được xem là những yếu tố tiên quyết trong chuyến thăm Việt Nam trung tuần tháng 9/1973 của nhà lãnh đạo Cuba. Từ công tác chuẩn bị, lịch trình, phương tiện đi lại, cả khâu… chụp ảnh cũng được xem là một nhiệm vụ phải tuyệt đối được giữ bí mật. Và một trong những người được vinh dự trao nhiệm vụ tuyệt mật ấy là ông Hồ Sỹ Sô.
Khoảnh khắc trầm tư của Fidel Castro khi nghe về những đau thương, mất mát của nhân dân Việt Nam trong chiến .
Nhớ lại thời điểm lịch sử ấy, ông Hồ Sỹ Sô kể: Vào đầu tháng 9/1973, khoảng 10 ngày trước khi Chủ tịch Fidel Castro đến thăm tỉnh Quảng Trị thì ông - khi đó đang là cán bộ của Ty Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Trị - nhận được một tờ giấy của ty an ninh tỉnh yêu cầu sang gặp Bí thư Tỉnh ủy Hồ Sỹ Thản để nhận nhiệm vụ mới. Sau đó, ông được nói ông Thản cho biết ông sẽ nhận một nhiệm vụ đặc biệt nhưng không nói rõ là nhiệm vụ gì. Mọi công việc được giữ bí mật cho đến phút cuối, ông Thản bảo tôi khi nào tôi cầm mũ thì chú cầm máy lên đường. Từ khi nhận được lệnh trên, ông Sô được chuyển sang ở cùng phòng ông Hồ Sỹ Thản. Tờ mờ sáng ngày 16/9/1973, ông Hồ Sỹ Thản chồm dậy cầm điện thoại nghe được vài chục giây thì bỏ máy xuống rồi chuẩn bị tư trang, tay cầm mũ cối, rồi đứng dậy. Ông Sô cũng nhanh chóng thu xếp đồ nghề cùng ra xe. “Trên đường hướng ra Hiền Lương thấy có nhiều đoàn xe chở theo nhiều người, ai nấy đều mặc gọn gàng nhiều màu sắc đẹp như đi hội. Lúc đó tôi chỉ nghĩ là sắp có một cuộc mít tinh lớn, chứ không hề biết về chuyến thăm của Chủ tịch Fidel”, ông Sô kể. Nhưng sau đó: “Khi đoàn xe sắp dừng trước hàng quân danh dự thì đoàn đón tiếp tiến thẳng đến chiếc xe thứ 3, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Fidel Castro bước xuống, lần lượt bắt tay, ôm hôn các đại diện quân - dân - chính Đảng khu Trị Thiên - Huế. Mọi người xúc động đến như ngừng thở” - ông Sô nhớ lại. Đến tận thời khắc ấy, ông Hồ Sỹ Sô mới thực sự nhận thức được một cách rõ ràng nhất về nhiệm vụ tuyệt mật mà mình được giao phó.
Chủ tịch Fidel bắt tay nữ du kích Gio Linh.
Đến 250 “khoảnh khắc vàng” về nhà cách mạng kiệt xuất
“Trong giây phút đó, tôi rất xúc động vì sự thân thiện của Chủ tịch nhưng cũng rất lo lắng vì sợ mình không hoàn thành tốt nhiệm vụ” - ông Sô nhớ lại. Nhưng vượt qua nỗi lo lắng, ông Sô đã thực sự hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Ống kính của ông đã gần như chớp gọn những hình ảnh đắt giá nhất, những “khoảnh khắc vàng” của chuyến thăm Quảng Trị của nhà lãnh đạo Cuba trong ngày 16/9 ấy.
Đó là hình ảnh ông Lê Hành (Chủ tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng Quảng Trị) đón Fidel tại phía nam cầu Hiền Lương, là hình ảnh Fidel Castro choàng tay ôm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Hồ Sỹ Thản, như cuộc gặp gỡ của những người anh em ruột thịt sau quãng dài thời gian xa cách, là phút giây trò chuyện đầy ấm áp, thân tình của nhà lãnh đạo Cuba với cán bộ, nhân dân Quảng Trị, hình ảnh Chủ tịch Fidel tươi cười lớn khi nhận quà là nông sản của nông dân Quảng Trị, giây phút Fidel dẫm chân trên nòng pháo M107 (175mm) được mệnh danh là “Vua chiến trường” - chiến lợi phẩm của quân giải phóng, Chủ tịch Fidel bắt tay nữ du kích Gio Linh, đi bộ suốt cả quãng đường dài tới “thị sát” tận nơi từng lô cốt nơi có xác xe tăng địch, bắt tay từng chiến sĩ giải phóng, hình ảnh Chủ tịch nhận quà tặng chiến thắng của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Về hình ảnh Chủ tịch Fidel đi bộ, ông Hồ Sỹ Sô kể: Chủ tịch Fidel Castro đã đi bộ 2km giữa Đường 9 thị xã Đông Hà. Chủ tịch đã tỏ rõ sự thú vị khi ghé qua lô cốt do thực dân Pháp xây dựng để án ngự Đường 9 năm 1947, mà ngay lúc đó dưới chân lô cốt là lúc nhúc các loại xe tăng, thiết giáp còn mang nhãn hiệu Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh vẫn đang xảy ra lúc đó. Dọc đường qua thị xã, Fidel Castro đã tận mắt thấy những nỗ lực của cán bộ, nhân dân vùng giải phóng Đông Hà trong khôi phục sản xuất, cải thiện đời sống. “Khi Fidel bước đi, chúng tôi phải chạy mới kịp theo vóc dáng to lớn, oai phong, lẫm liệt của ông” - ông Sô tươi cười nhớ lại.
Giây phút Fidel dẫm chân trên nòng pháo M107 (175mm) được mệnh danh là “Vua chiến trường” - chiến lợi phẩm của quân giải phóng.
Trong số 250 bức ảnh đó, bức ảnh ông Sô tâm đắc nhất chính là bức ảnh ghi lại khoảnh khắc trầm tư của Fidel Castro khi nghe về những đau thương, mất mát của nhân dân Việt Nam trong chiến tranh hay bức ảnh mà ông đặt là “Phong cách Fidel” cũng là hình ảnh mà ông hết sức ưng ý.
Phút giây trò chuyện đầy ấm áp, thân tình của nhà lãnh đạo Cuba với cán bộ, nhân dân Quảng Trị.
Tuy nhiên ấn tượng nhất với ông là việc không một mảnh giấy cầm tay, Fidel đã nói suốt gần 1 tiếng rưỡi đồng hồ về chiến công của quân dân miền Nam đã tập kích chiến lược thắng lợi mùa xuân năm 1968 và nhất là mùa xuân 1972 – giải phóng Quảng Trị, buộc đế quốc Mỹ phải chịu ký Hiệp định Paris 1973. Chủ tịch nói đến cuộc kháng chiến của Việt Nam luôn được sự cổ vũ lớn lao của bạn bè năm châu, đặc biệt, ông nói đến tình cảm của nhân dân, Đảng, Chính phủ Cuba đối với nhân dân Việt Nam nói chung và với nhân dân Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nói riêng. Mỗi lúc ngắt ý của Chủ tịch là mỗi lần pháo tay rầm vang núi đồi Tân Lam – 241, ông Hồ Sỹ Sô xúc động kể lại.
Năm 2013, hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Sỹ Sô đã cho ra mắt cuốn sách ảnh Fidel Castro - Quảng Trị một ngày lịch sử 1973, tập hợp gần 150 bức ảnh tiêu biểu ông đã ghi lại trong chuyến thăm của Fidel Castro. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Sỹ Sô, quê ở tỉnh Quảng Trị, có hơn 40 năm làm báo và chụp ảnh trên khắp các vùng giới tuyến Hiền Lương và khu phi quân sự (DMZ) tỉnh Quảng Trị.
|
Hà Anh