Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và phát triển thị trường BĐS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Xây dựng đang tập trung thực hiện - Ảnh: VGP/Toàn Thắng
Trong kế hoạch, Bộ Xây dựng đã đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả Nghị quyết 01/NQ-CP.
Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ ưu tiên tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng. Thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ, thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2023. Thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án của Bộ Xây dựng năm 2023; trọng tâm là hoàn thiện dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và các văn bản quy định chi tiết bảo đảm tiến độ theo yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội; nghiên cứu, xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn sau khi được Chính phủ thông qua chính sách, Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; hoàn thành hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý và phát triển đô thị, Luật Cấp, thoát nước, trình Chính phủ trước ngày 01/11/2023; tổ chức nghiên cứu Luật điều chỉnh về quản lý không gian ngầm.
Nhiệm vụ thứ hai là đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử. Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của ngành xây dựng. Trong đó, chú trọng triển khai Kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 và tiếp tục thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030.
Thực hiện thống kê, công bố, cập nhật và công khai thủ tục hành chính (TTHC) trên Cổng dịch vụ công quốc gia về TTHC đảm bảo kịp thời, chính xác và niêm yết TTHC tại bộ phận một cửa; rà soát, đánh giá chi phí tuân thủ, đề xuất phương án đơn giản hóa TTHC; đẩy mạnh việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Hoàn thành xây dựng kho dữ liệu dùng chung ngành xây dựng; trục tích hợp chia sẻ dữ liệu Bộ Xây dựng.
Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng; ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong công khai thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên Cổng thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị Việt Nam.
Nhiệm vụ thứ 3 được Bộ Xây dựng nhấn mạnh là việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng và phát triển bền vững đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tổ chức triển khai hiệu quả, bảo đảm tiến độ các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng triển khai Nghị quyết.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tham gia góp ý, xây dựng nội dung và thẩm định các hợp phần quy hoạch thuộc lĩnh vực xây dựng trong quy hoạch vùng theo tiến độ chung và phối hợp với các địa phương trong xây dựng nội dung quy hoạch xây dựng của quy hoạch tỉnh.
Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các quy định về quản lý quy hoạch điều chỉnh, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch phát triển đô thị và kiến trúc.
Một trong những nhiệm vụ được Bộ Xây dựng triển khai trong năm 2023 là tiếp tục tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; trọng tâm là triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, ổn định.
Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang là một trong những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện hiệu quả- Ảnh: VGP/Toàn Thắng
Trong đó, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 và Đề án An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo an sinh xã hội.
Tập trung nghiên cứu đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản, khắc phục lệch pha cung-cầu sản phẩm bất động sản, chú trọng khuyến khích phát triển sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội như: Nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá phù hợp.
Hoàn thiện, duy trì thường xuyên hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản. Thường xuyên bám sát tình hình thị trường bất động sản để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật, thiên tai, tác động của dịch COVID-19 để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Nhiệm vụ và giải pháp thứ năm mà Bộ Xây dựng đặt ra trong Chương trình hành động là nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình. Tập trung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức và giá xây dựng
Đối với lĩnh vực vật liệu xây dựng, Bộ cho biết sẽ chú trọng phát triển vật liệu xây dựng gắn với bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu
Cụ thể, tập trung hoàn thiện "Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" và xây dựng Kế hoạch thực hiện sau khi được phê duyệt. Tiếp tục triển khai Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050; đề án An ninh kinh tế trong lĩnh vực vật liệu xây dựng; chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030 và các Đề án đã được phê duyệt.
Tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, bảo đảm cân đối cung-cầu, bình ổn thị trường, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu; nghiên cứu rà soát, đề xuất các giải pháp quản lý việc đầu tư phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng khi các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực. Tăng cường rà soát, quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã ban hành theo hướng khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Trong Chương trình hành động, Bộ Xây dựng cũng cho biết sẽ tập truung đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực ngành xây dựng gắn với đổi mới nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý tài chính-ngân sách nhà nước. Tổ chức thực hiện kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng thời tập trung thực hiện Kế hoạch sắp xếp lại các doanh nghiệp do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu.
Tăng cường công tác xây dựng Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông. Tiếp tục thực hiện, phối hợp công tác phòng, chống dịch COVID -19.
Trên cơ sở Chương trình hành động, lãnh đạo Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị xây dựng, ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai Chương trình hành động của Bộ, trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ cụ thể thực hiện. Đồng thời có các giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình hành động đã đề ra nhằm góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Toàn Thắng