Ngày 17/9, tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày An toàn người bệnh thế giới lần thứ nhất 17/9/2019” nhằm nâng cao nhận thức về an toàn người bệnh trên toàn cầu.
Ngày an toàn người bệnh năm nay với chủ đề: “An toàn người bệnh là ưu tiên của sức khỏe toàn cầu”, với mục tiêu: “Trước tiên là không gây nguy hại cho người bệnh - first do no harm for patient”, cùng với thông điệp “Hãy nói ra cho sự an toàn người bệnh!” tạo môi trường cởi mở và “không đổ lỗi” để xây dựng văn hóa an toàn người bệnh…
Bệnh viện là một môi trường nguy cơ cao, nơi các sự cố y khoa có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào. (Ảnh: ĐT)
Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay, bệnh viện là một môi trường nguy cơ cao, nơi các sự cố y khoa có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào từ bất kỳ dịch vụ khám chữa bệnh nào.
“Có thể khẳng định rằng ở bất cứ công đoạn nào của mọi quy trình chẩn đoán, chăm sóc, điều trị đều chứa đựng các nguy cơ tiềm tàng cho người bệnh. Hơn thế nữa, bệnh viện là nơi các thầy thuốc thường xuyên bị áp lực công việc do tình trạng quá tải và áp lực về tâm lý, vì vậy, sự cố y khoa không mong muốn là điều khó tránh khỏi và trong nhiều trường hợp ngoài tầm kiểm soát. Khi sự cố không mong muốn xảy ra, cả người bệnh và thầy thuốc đều là nạn nhân, đặc biệt đối với người bệnh phải gánh chịu thêm hậu quả của các sự cố không mong muốn làm ảnh hưởng tới sức khỏe hoặc bị khuyết tật tạm thời hay vĩnh viễn, thậm chí tử vong”- Thứ trưởng Sơn phân tích.
Vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe trước tiên là không gây tổn hại cho người bệnh. Tuy vậy, mỗi ngày trên thế giới đang có hàng nghìn người bệnh chịu tổn thương do các sự cố có thể phòng ngừa được hoặc bị đặt vào tình huống có nguy cơ bị tổn thương trong quá trình chăm sóc sức khỏe.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, ở các nước thu nhập cao, ước tính 10% số lượng người bệnh bị tổn thương khi khám chữa bệnh tại bệnh viện. Các số liệu thống kê thu thập được cho thấy có tới 134 triệu sự cố y khoa xảy ra tại bệnh viện ở các nước thu nhập trung bình và thấp, đây cũng chính là nguyên nhân gây ra 2,6 triệu ca tử vong mỗi năm.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy: Cứ 10 người bệnh thì có 1 người bệnh bị tổn hại trong khi tiếp nhận dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KB, CB), trong đó có tới 50% nguyên nhân là phòng tránh được. Và cứ 10 người bệnh, có tới 4 người bị tổn hại trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và điều trị ngoại trú. Hơn 1 triệu người bệnh tử vong do tai biến phẫu thuật mỗi năm và trở thành 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong và tổn thương hàng đầu trên thế giới.
Cùng với đó, phơi nhiễm với tia phóng xạ là một vấn đề quan tâm của sức khỏe cộng đồng và an toàn người bệnh; nhiễm khuẩn bệnh viện ảnh hưởng tới 10% số người bệnh nhập viện; và chẩn đoán chậm và không chính xác là 1 trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tổn hại cho người bệnh và ảnh hưởng tới hàng triệu người bệnh.
Bộ Y tế tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày An toàn người bệnh thế giới lần thứ nhất nhằm nâng cao nhận thức về An toàn người bệnh trên toàn quốc, cam kết xây dựng văn hóa an toàn người bệnh, chung tay hành động để tạo nên môi trường bệnh viện cởi mở thân thiện và “không đổ lỗi”, nhằm khuyến khích sự trao đổi, học hỏi từ các sự cố và lan tỏa thông điệp của năm 2019 “Cùng nói ra vì sự An toàn của Người bệnh!”
Nhân dịp này, Bộ Y tế đã ban hành Công văn hướng dẫn các bệnh viện Trung ương, Sở Y tế các tỉnh/ thành phố trên toàn quốc và Y tế các Bộ, ngành tổ chức đồng loạt các hoạt động, phong trào hưởng ứng Ngày an toàn người bệnh thế giới lần thứ nhất tại khắp các cơ sở khám, chữa bệnh./.
Đỗ Thoa