Tháng 8/1942, dưới danh nghĩa là đại biểu của “Việt Nam độc lập đồng minh hội” (Việt Minh) và “Quốc tế phản xâm lược Việt Nam phân hội”, Nguyễn Ái Quốc từ PácBó sang Trùng Khánh, Trung Quốc để kêu gọi sự ủng hộ của các nước đồng minh chống phát xít đối với Mặt trận Việt Minh trong công cuộc đánh đuổi thực dân Pháp và phát xít Nhật. Ngày 27/8, trên đường từ Ba Mông, huyện Tĩnh Tây tới huyện lỵ Bình Mã (nay là Điền Đông) để bắt xe đi Trùng Khánh, Hồ Chí Minh bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt ở thị trấn Túc Vinh, huyện Thiên Bảo (nay là Đức Bảo) vì bị tình nghi là gián điệp. Từ đây, Hồ Chí Minh đã trải qua hành trình gian khổ và bị đày đi giam cầm ở 30 nhà lao thuộc 13 huyện khác nhau. Trong suốt 1 năm 12 ngày ở tù (29/8/1942 - 10/9/1943), tuy bị đày ải vô cùng cực khổ, Hồ Chí Minh vẫn giữ phong thái hết sức ung dung tự tại và vẫn làm thơ. Những bài thơ ấy sau này Người tập hợp lại thành tập Nhật kí trong tù.
Nhật ký trong tù là tập thơ được viết bằng chữ Hán, theo thể tứ tuyệt, gồm 134 bài thơ. Bài số 1, không có tựa đề, được coi là bài đề từ cho Nhật ký. Đây không chỉ là tập thơ có ý nghĩa văn chương sâu sắc, Nhật ký trong tù còn là tài sản vô giá trong di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam. Năm 1960, tác phẩm được dịch ra tiếng Việt, phát hành rộng rãi, lan tỏa và thấm sâu vào đời sống xã hội Việt Nam, được các tầng lớp nhân dân cả nước đón đọc và đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Tác phẩm không chỉ được phổ biến sâu rộng ở trong nước, mà còn được đánh giá cao và giới thiệu bằng nhiều thứ tiếng. Đặc biệt, Nhật ký trong tù còn là hiện vật độc bản, một văn bản gốc, là văn bản duy nhất có tại Việt Nam. Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) đã lựa chọn hiện vật gốc cuốn Ngục trung nhật ký (tức Nhật ký trong tù) của Chủ tịch Hồ Chí Minh để đề nghị công nhận bảo vật quốc gia. Và ngày 1/10/2012, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra quyết định công nhận là bảo vật Quốc gia cho tác phẩm Ngục trung Nhật ký. Đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác từ năm 1945 cho đến lúc Bác qua đời (1969), cho biết về việc công bố cuốn Nhật ký trong tù: Những năm tháng sống bên Bác, Người rất giản dị, vài bộ quần áo vải, đôi dép cao su, không hòm rương, tủ mà Bác chỉ đựng đồ đạc trong ba lô như ba lô của chiến sĩ. Thấy Bác có cuốn vở học sinh cũ, chữ viết bằng bút chì, một lần tò mò, đồng chí giở ra xem thì đó là những bài thơ bằng chữ Hán mà Bác đã làm trong thời gian ở nhà tù của Tưởng Giới Thạch. Đồng chí Vũ Kỳ đọc, một số đồng chí khác cũng đọc, thấy tràn đầy ý chí, nghị lực và những bài học về rèn luyện, tu dưỡng, những vần thơ về con người và yêu thương con người, thậm chí có cả những ý tưởng, những định hướng chiến lược cách mạng, văn hóa… Mọi người đề nghị Bác cho in ra để nhiều người đọc. Bác cười bảo rằng: Nhật ký là những tâm sự riêng của Bác, chứ không phải cho mọi người. Sau khi nghe các đồng chí xin nhiều lần, Bác đồng ý cho in, nhưng phải chọn lọc những bài thật cần thiết mới được xuất bản.
Có thể thấy, Nhật ký trong tù là một tập nhật kí bằng thơ mà trong đó Bác đã ghi chép khá tỉ mỉ, chân thực những gì Bác đã chứng kiến, đã trải qua trong thời gian 13 tháng bị giam cầm trong nhà lao của Tưởng Giới Thạch, cũng chính vì vậy mà tập thơ có một giá trị hiện thực rất cao. Tập thơ đã phản ánh khá chân thực bộ mặt xấu xa, đen tối của chế độ nhà tù cũng như của xã hội Trung Quốc thời Tưởng Giới Thạch. Mặt khác, qua tập thơ, chúng ta cũng thấy được những vất vả, gian lao của Bác trong chốn ngục tù. Từ cảnh ăn đói, mặc rét, bệnh tật cho đến những cuộc chuyển lao đầy gian khổ “Răng rụng mất một chiếc/ Tóc bạc thêm mấy phần/Gầy đen như quỷ đói..”. Tuy nhiên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Bác cũng vượt lên với một ý chí nghị lực kiên cường để chiến thắng hoàn cảnh “Thân thể ở trong lao/Tinh thần ở ngoài lao”. Xét về khía cạnh này, có thể xem Nhật kí trong tù như một bức chân dung tự họa của chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện tâm hồn phong phú cao đẹp của một người tử tù vĩ đại. Chân dung Bác Hồ trong Nhật ký trong tù là hình ảnh nhà ái quốc vĩ đại lúc nào cũng nóng lòng sốt ruột hướng về Tổ quốc, khao khát tự do và là chiến sĩ cộng sản kiên cường bất khuất. Dù bị đầy đọa trong lao tù Người vẫn ung dung tự tại, tràn trề tinh thần lạc quan, hướng đến tương lai tươi sáng “Phương đông màu trắng chuyển sang hồng/ Bóng tối đêm tàn, quét sạch không/ Hơi ấm bao la trùm vũ trụ/ Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng”. Chân dung Bác Hồ còn là hình ảnh một bậc đại nhân có tình thương yêu bao la, thấu hiểu cảnh ngộ của mọi kiếp người, nhạy cảm với niềm vui, nỗi đau của con người. Tâm hồn Bác cũng rất nhạy cảm với mọi biến đổi của thiên nhiên cho nên điều dễ hiểu là trong tập thơ Nhật kí trong tù có khá nhiều bài thơ hay của Bác viết về thiên nhiên Mặc dù bị trói chân tay/Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng”. Có thể nói, tập thơ Nhật kí trong tù đã bộc lộ cốt cách của một người chiến sĩ kiên cường, bất khuất, của một thi nhân có tâm hồn rộng mở, một nghệ sĩ lớn. Dù tiếp cận ở những thời khắc khác nhau, song bất cứ ai đọc tác phẩm cũng đều phần nào hình dung được thế giới tâm hồn nhiều cung bậc của Người, thấy được tầm vóc trí tuệ của một chân dung vĩ đại, với khát vọng cao đẹp, lớn lao nhất là "Độc lập cho dân tộc và Tự do cho con người". Nhà văn, nhà nghiên cứu nổi tiếng Trung Quốc Quách Mạt Nhược viết: “Tập thơ ấy tôi đọc đi đọc lại nhiều lần, đó không đơn thuần là thơ mà là một bộ sử thi, là một bức tranh tự họa hoặc một thiên tự truyện bằng thơ của một nhà cách mạng. Hơn 100 bài thơ đó hầu như mỗi bài đều thể hiện rất sống con người Hồ Chí Minh, một vị lão thành cách mạng thông thái, ung dung, chất phác mà kiên nghị”. Gs, Ts Trần Văn Bính thì khẳng định Nhật ký trong tù là một hồn thơ trong một nhân cách văn hóa.
Hôm nay, trong không khí tháng Tám mùa thu lịch sử, cũng là thời điểm tròn 78 năm Bác viết tập thơ Nhật ký trong tù. Một lần nữa, chúng ta cùng nhìn lại và chiêm nghiệm những giá trị lớn lao của bảo vật quốc gia - một bảo vật mà qua thời gian, luôn có sức cuốn hút, lan tỏa kỳ diệu đến tận ngày nay.
Diệu Linh