Giảm bón phân, tăng lợi nhuận
Chiến lược “Nông sản sạch bắt đầu từ trồng lúa hữu cơ” tại Quảng Trị bước đầu thu được những kết quả nhất định.
Lúa chất lượng cao hữu cơ có năng suất ngang bằng với lúa trồng truyền thống nhưng có giá cao hơn. Ảnh: Phương Hồng
Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đang có nhiều mô hình sản xuất nông sản sạch, hiện đại. Nhưng tỉnh xác định việc đầu tiên phải liên kết với doanh nghiệp xây dựng bằng được thương hiệu gạo sạch Quảng Trị hướng đến xuất khẩu gạo đi nước ngoài nhằm nâng cao giá trị hạt lúa quê hương. |
Ông Võ Văn Hưng – Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị cho biết, sản xuất nông nghiệp ở tỉnh còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao, thiếu liên kết giữa người sản xuất với thị trường. Nông dân sản xuất hàng hóa với quy mô chưa đủ lớn, chất lượng sản phẩm thiếu ổn định, chưa có nhiều mô hình sản xuất cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ để tạo ra nông sản sạch, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu. Vì vậy, Sở NNPTNT Quảng Trị đã kêu gọi doanh nghiệp xây dựng mô hình trồng lúa hữu cơ nhằm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp và ổn định kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng trên đơn vị canh tác lúa.
Lúa sạch hữu cơ ở Quảng Trị được 13 hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác trên toàn tỉnh trồng trên diện tích 89,7ha, ở những vùng đất không bị ô nhiễm, có hệ thống kênh mương tưới tiêu tốt, sử dụng giống lúa chất lượng cao RVT.
Từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch, 1ha lúa sạch hữu cơ chỉ bón 1,5 tấn phân bón (75kg/sào). Các HTX, tổ hợp tác sử dụng phương pháp sạ lan với 7kg giống/sào. Cây lúa VRT chống chọi tốt với các bệnh thường gặp như đạo ôn, khô vằn; chất lượng gạo cao, cơm ngon, trắng, mềm, có mùi thơm nhẹ...
Bà Nguyễn Hồng Phương – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Trị cho biết, mặc dù vụ hè – thu năm nay tỉnh chịu nhiều thiên tại, dịch bệnh, đặc biệt là bệnh lùn sọc đen, ốc bươu vàng phá hoại nhưng hầu hết năng suất lúa chất lượng cao trồng theo hướng hữu cơ đều ngang bằng hoặc cao hơn diện tích trồng lúa truyền thống. Đặc biệt, trồng lúa hữu cơ không phun bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nào. Năng suất lúa chất lượng cao hữu cơ đạt 50,21 tạ/ha, bán với giá 7.000 đồng/kg lúa tươi, trong khi lúa trồng truyền thống có năng suất tương đương nhưng chỉ có giá 6.700 đồng/kg lúa khô.
Thương hiệu “gạo sạch Quảng Trị”
Bà Phương cho biết, cái được nhất của trồng lúa hữu cơ là tạo chuyển biến và nâng cao nhận thức về sản xuất lúa an toàn theo hướng hữu cơ cho bà con nông dân. Với quy trình canh tác lúa chỉ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, không sử dụng phân bón vô cơ, hoàn toàn không sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh, đã góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao cho người tiêu dùng.
Thành công của việc trồng lúa hữu cơ là cơ sở để ngành nông nghiệp Quảng Trị tiếp tục nghiên cứu phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Theo bà Phương, dự kiến vụ đông – xuân năm 2018 Quảng Trị sẽ mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao hữu cơ lên 200ha và tăng dần theo từng năm để tiến để xây dựng thương hiệu “Gạo sạch Quảng Trị”.
Ngoài trồng lúa chất lượng cao hữu cơ, nông dân Quảng Trị còn trồng lúa theo nguyên tắc 3 không để xây dựng thương hiệu gạo sạch (không sử dụng phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu và không thuốc diệt cỏ). Những chế phẩm sinh học để chăm sóc lúa được tạo ra từ những cây cối ở chính vùng quê người nông dân đang sống. Ông Nguyễn Văn Đống (xã Triệu Trung, Triệu Phong) cho biết, thân cây chuối, khoai lang, vỏ các loại hoa quả, trái cây, xương động vật, vỏ trứng, cá tạp… được xử lý để trở thành phân bón cho lúa. Chế phẩm trừ sâu bọ được người dân tạo ra từ tỏi, ớt, gừng lên men.
“Ban đầu chưa quen tôi thấy trồng lúa an toàn vất vả, tốn công sức, nhưng làm dần dần quen tay thấy dễ dàng, lại đảm bảo sức khỏe vì tránh tiếp xúc với các chất hóa học độc hại. Vui nhất là giá lúa an toàn cao gần gấp đôi giá lúa thông thường, nông dân có lãi” – ông Đống nói.