Bộ sẽ tổng hợp, báo cáo, tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp chính sách trọng tâm điều hành 6 tháng cuối năm. Đồng thời, khẳng định cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, các bộ ngành, luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN cùng với DN vượt qua khó khăn, tranh thủ cơ hội phát triển.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Đức Trung, MPI) |
Ngày 27/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022.
Hội nghị đã tập trung vào đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh, những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp, ngành hàng về chi phí sản xuất, giá bán, đầu ra, thị trường tiêu thụ, chuỗi cung ứng, lao động, vốn, tín dụng 6 tháng đầu năm đồng thời nhận định, đánh giá về các biệt về việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta trong 6 tháng qua, những khó khăn, vướng mắc về quy định pháp luật, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.
Đáng chú ý là tại Hội nghị, dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ngành hàng, các đại biểu đã cùng nhau đánh giá hiệu quả triển khai các chính sách hỗ trợ thời gian qua như: chính sách giảm thuế VAT(từ 10% xuống 8%), giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, hỗ trợ tiền thuế trả cho người lao động, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội… cũng như đánh giá cơ hội từ tình hình trên thế giới, khu vực để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu, mở rộng đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch chuối cung ứng hàng hóa, nguyên liệu đầu vào theo hướng bền vững, đổi mới mô hình quản trị sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, dự báo về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngành hàng trong 6 tháng cuối năm, các đề xuất, kiến nghị giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, ngành hàng, tập trung vào các giải pháp cụ thể, có khả năng thực hiện ngay, đã ban hành văn bản pháp luật để thực hiện, có thể kéo dài; các nguyện vọng, mong muốn đối với chính phủ, đối với các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các chính sách cần thiết cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn để phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đầu tư.
|
Kinh tế - xã hội 6 tháng qua có bước khởi sắc nhẹ. (Ảnh: HNV) |
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã thông tin khái quát về tình hình kinh tế- chính trị thế giới, khu vực có nhiều biến động và tiềm ẩn rất phức tạp, khó lường cùng những khởi sắc, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn trước những biến động lớn của tình hình khu vực thế giới, khu vực của nước ta 6 tháng đầu năm 2022. Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang đối mặt với không ít khó khăn, ảnh hưởng đến phục hồi sản xuất, kinh doanh. Do đó, nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn lắng nghe dưới góc nhìn của DN, ngành hàng đánh giá về hiệu quả triển khai các chính sách hỗ trợ thời gian đặc biệt các giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội…
Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm rất đáng mừng vì tăng trưởng trở lại, du lịch cũng bắt đầu khởi sắc. Ông Bình cho biết, để phục hồi thị trường du lịch, các DN du lịch đã nỗ lực rất nhiều, nhiều chi phí dịch vụ giảm, trong khi chi phí về vận tải lại tăng mạnh đặc biệt là giá vé máy bay tăng rất là cao, ảnh hưởng tới việc giá tour. Để bán được tour tốt, DN phải cân đối rất nhiều nhưng nếu du lịch và hàng không ngồi lại được với nhau để cùng tính toán mức giá vé phù hợp thì sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc khôi phục lại thị trường du lịch.
Đồng quan điểm với ông Bình, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hàng không Việt Nam cũng cho biết, để hỗ trợ cho ngành hàng không hồi phục, Hiệp hội kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường về 0%. Hiện, giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, ngành hàng không đang gặp khó khăn do đại dịch, cộng với giá xăng dầu tăng mạnh, chi phí tăng nhanh trong khi đó giá vé trần xây dựng hiện nay đang được xây dựng trên mức giá xăng dầu 80USD/ thùng. So với giá quốc tế thì giá của chúng ta vẫn ở mức cạnh tranh, thời điểm du lịch tăng rất nhanh, các chuyến bay tăng tần suất. “Ngành hàng không rất cần sự hỗ trợ để DN hàng không hồi phục, dự kiến thời gian tiếp tục thực hiện hỗ trợ đến tháng 6/2023 hoặc đến cuối năm 2023 khi thị trường hàng không hồi phục trở lại” – ông Nế nói.
Đại diện Hiệp hội Logistic Việt Nam (VLA) cho rằng, giá xăng dầu rất quan trọng. Toàn bộ hàng hoá nội địa bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu, giá vận tải tăng lên và tác động tới toàn bộ giá hàng hoá cung cấp ra thị trường. Điều chỉnh giá, cũng như tính đến phát triển dịch vụ hậu cần, kho bãi tại cảng, trung tâm của các thị trường lớn chủ lực cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam là “những bài toán cần lời giải”.
Năm 2021, chi phí logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa trong khi mức chi phí này trên thế giới hiện chỉ khoảng 10,6%. Có thể thấy, chi phí logistics đã và đang là “gánh nặng” trên vai các doanh nghiệp xuất khẩu và tình trạng này còn có thể nặng nề hơn trong năm nay. Vì lẽ đó, “quan tâm và cải thiện để kéo giảm chi phí này xuống, nếu không kéo giảm được thì chúng ta không cạnh tranh được với các nước. Muốn vậy, cần các giải pháp đồng bộ, có những việc là làm được ngay là chuyển đổi số và các DN có thể hỗ trợ, Bộ KH&ĐT cũng hỗ trợ ngay được” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, Hiệp hội da giày Việt Nam bày tỏ lo lắng về lượng tổng tồn kho. DN trong Hiệp hội mong muốn tới đây, nước ta tiếp tục có các chính sách tốt để thu hút đơn hàng cũng như tạo điều kiện của các địa phương trong triển khai chính sách để thu hút lao động ngay tại địa bàn, tận dụng được dư địa để phát triển.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương kết luận Hội nghị. (Ảnh: Đức Trung, MPI) |
Về phía Hiệp hội Thủy sản Việt Nam, ngành hàng này kiến nghị, nút thắt của xuất khẩu thủy sản nước ta hiện nay nằm ở nguyên liệu cộng với các biến động đất đai làm thu hẹp các vùng nuôi tập trung. Nhiều nhà máy vẫn đang gia công xuất khẩu, đặc biệt vì thiếu nguyên liệu, nên các đơn hàng xuất khẩu của ta hiện nay có tới 70% là nguyên liệu nhập khẩu. Dài hơi hơn, cần phát triển bền vững quy mô kinh tế biển, củng cố hạ tầng nghề cá, chú ý logictics…
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng pháp chế VCCI Việt Nam cho rằng, thách thức đối với đầu tư nước ngoài nằm ở thuế và cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh. Cũng theo vị chuyên gia này, nguy cơ lạm phát lớn trong khi để giảm thuế, phí xăng dầu thì từ nay đến cuối năm vẫn còn để ngỏ.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, cụ thể là với 12 ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội nghị, từ các ý kiến đa chiều tại hội nghị, Bộ KH&ĐT sẽ tổng hợp, báo cáo, tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp chính sách trọng tâm điều hành 6 tháng cuối năm. Đồng thời, khẳng định cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, các bộ ngành, luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN cùng với DN vượt qua khó khăn, tranh thủ cơ hội phát triển./..