|
Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Tại hội thảo “Bảo vệ Blouse trắng” có chủ đề “An toàn vệ sinh lao động – phòng chống bạo hành tại các cơ sở y tế” do Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức ngày 29/10, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, theo khảo sát của Bộ Y tế, những năm gần đây tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước, không tháng nào là không xảy ra các vụ bạo hành y tế. Thậm chí có tháng xảy ra tới 2-3 vụ.
Tình trạng trộm cắp, cò mồi, các đối tượng say rượu, sử dụng ma túy, ngáo đá… phá rối trong bệnh viện cũng thường xuyên xảy ra, gây bức xúc cho các nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Theo thống kê từ năm 2010 đến năm 2017, tại các cơ sở y tế cả nước xảy ra 26 vụ điển hình về an ninh trật tự trong bệnh viện. Trong đó 60% số vụ bạo hành thầy thuốc xảy ra ở bệnh viện tuyến tỉnh, 20% xảy ra tại tuyến Trung ương, 70% đối tượng bị tấn công là bác sĩ, 15% là điều dưỡng.
Mới đây nhất, ngày 26/6, tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã xảy ra vụ một nữ bác sĩ bị đối tượng Nguyễn Công Lâm hành hung rất nghiêm trọng. Đối tượng này đi chăm vợ đẻ, chỉ vì khó chịu với tiếng loa phát thanh của bệnh viện, Lâm đã xông vào phòng cấp cứu của Khoa sản và dùng tay đấm liên tục vào mặt nữ bác sĩ đang trực ở đó.
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, có 3 đơn vị y tế bị tấn công nhiều nhất, gồm: khoa Cấp cứu, khoa Nhi và khoa Tâm thần, chăm sóc người già.
Nguyên nhân cơ bản gây mất an ninh trật tự bệnh viện được chỉ ra là do cơ sở pháp lý, pháp luật hiện hành chưa đủ mạnh. Ngoài ra, do tính chuyên nghiệp của một bộ phận cán bộ, nhân viên trong bệnh viện chưa cao. Một số nhân viên ít kinh nghiệm xử lý các tình huống, cư xử không khéo sẽ dễ bị bạo hành, vì người nhà bệnh nhân luôn có tâm lý nặng nề khi đưa người nhà vào viện. Thêm vào đó, bệnh viện là môi trường có tính đặc thù, nếu cơ sở hạ tầng kém, quá tải bệnh nhân, thiếu nhân lực y tế, xảy ra sự cố y khoa… cũng sẽ dẫn đến mất an ninh trật tự bệnh viện.
Bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cũng cho rằng, môi trường làm việc của cán bộ y tế ở nước ta thuộc diện áp lực nhất vì quá tải, thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị…
Họ phải đối mặt với nhiều rủi ro của những tác hại lây nhiễm và không lây nhiễm. Nguy hiểm hơn là những tác hại không lây nhiễm như hóa chất, nóng, tiếng ồn, bức xạ ion hóa, sóng siêu âm, các tác động đến da, căng thẳng về tâm lý, nguy cơ bị bạo hành cao.
Cùng quan điểm trên, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng, y tế là một ngành nghề vất vả, nguy cơ rủi ro cao và đời sống của cán bộ y tế còn rất khó khăn, đặc biệt ở tuyến cơ sở. Sự hy sinh thầm lặng của họ cần được trân trọng, chia sẻ và cần cả xã hội bảo vệ để họ yên tâm làm tốt công việc của mình.
Để bảo vệ các nhân viên y tế, theo ông Nguyễn Trọng Khoa, các bệnh viện cần phải xây dựng khoa học, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh và xây dựng khu vực chờ cho người nhà bệnh nhân hợp lý, đồng thời rà soát và lắp đặt camera, hệ thống báo động khẩn cấp, lắp đặt cửa tự động, trang bị khóa từ cho khoa Cấp cứu và ưu tiên các khoa có nguy cơ mất an ninh cao.
Đảm bảo nhân viên bảo vệ trực 24/24, đào tạo cấp tốc về nghiệp vụ bảo vệ và phản ứng nhanh cho bảo vệ bệnh viện… Cần có phòng lánh nạn tạm thời cho nhân viên y tế nếu có bạo hành xảy ra.
Các nhân viên y tế cần đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao giao tiếp ứng xử. Đặc biệt cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan để hạn chế tình trạng này.
Hiền Minh