Nhận thức về KHCN phải tới ngưỡng, tới tầm 

(Chinhphu.vn) – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nhiều chính sách nói chung chưa thực sự coi khoa học công nghệ là quốc sách, động lực, chìa khoá quan trọng bậc nhất để Việt Nam có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, phát triển nhanh và bền vững.

Tới dự hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành khoa học và công nghệ (KHCN), sáng 21/1, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận nỗ lực, sáng tạo của đội ngũ những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật ở các đơn vị nghiên cứu, các DN cho đến từng người dân, qua đó góp phần tăng cường tiềm lực khoa học của đất nước. Sự đóng góp không chỉ dừng lại ở các đề tài KHCN mà đã đi sâu vào giải quyết các vấn đề đặt ra trong cuộc sống.

Phó Thủ tướng nêu một vài số liệu cụ thể như năm 2018 Việt Nam có 8.393 công trình công bố khoa học quốc tế so với 6.202 công trình của năm 2010; chỉ số đổi mới sáng tạo tiếp tục tăng điểm từ thứ 47 lên thứ 45 trên thế giới; hơn 50%DN đánh giá công tác kiểm tra chuyên ngành, do Bộ KHCN làm đầu mối, có tiến bộ rõ rệt… “Qua đó có thể thấy rằng kết quả đạt được của ngành KHCN là rõ, thực chất”.

Trách nhiệm đầu tiên của ngành KHCN

Tuy nhiên với những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng nhấn mạnh không được quên Việt Nam vẫn là nước có thu nhập trung bình thấp, vẫn thuộc nhóm quốc gia “non trẻ” gồm 58/100 quốc gia và nền kinh tế, đứng cuối cùng trong 4 nhóm quốc gia và nền kinh tế về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

Đơn cử trong 8 nhóm tiêu chí đánh giá của WEF có 2 nhóm thuộc về hạ tầng sản xuất truyền thống, 6 nhóm còn lại thuộc về động lực cho nền sản xuất tương lai thì có 2 nhóm liên quan đến KHCN và nhân lực trình độ cao, Việt Nam đứng thứ 90.

Để cải thiện thứ hạng của các nhóm tiêu chí này, Phó Thủ tướng cho rằng không chỉ liên quan đến ngành KHCN, công nghệ sản xuất mà cả chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh. Ngay trong nghị quyết 02 của Chính phủ về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ KHCN là đầu mối để hướng dẫn một số tiêu chỉ số về đổi mới sáng tạo, sự sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai…

“Chúng ta nói KHCN là quốc sách, là lực lượng sản xuất trực tiếp nhưng còn nhiều chính sách nói chung chưa thực sự coi KHCN là động lực, chìa khoá quan trọng bậc nhất để Việt Nam có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, phát triển nhanh và bền vững”, Phó Thủ tướng nhận xét và nhấn mạnh ý nghĩa hàng đầu của việc nhận thức sâu sắc về vai trò của KHCN trong giai đoạn phát triển đất nước hiện nay. Đây là trách nhiệm đầu tiên của đội ngũ cán bộ quản lý, những người làm công tác KHCN.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng rất cần chính sách khuyến khích, hỗ trợ các sản phẩm của DN Việt Nam có hàm lượng KHCN tiếp cận thị trường trong nước và thế giới. Ảnh: VGP/Đình Nam

Vai trò trung tâm của DN

Phó Thủ tướng phân tích rõ: Nói nhận thức đúng mà tổ chức thực hiện không đúng thì suy cho cùng là nhận chưa tới ngưỡng, chưa tới tầm. Nhận thức về tầm quan trọng của KHCN không chỉ là tiền, là kinh phí đầu tư mà còn là chính sách để giải quyết triệt để những nhiêu khê về thủ tục hành chính, cơ chế tài chính trong nghiên cứu khoa học, chấp nhận quan niệm ‘khoa học có rủi ro’.

Hay trong môi trường kinh doanh nếu có chính sách để phân bổ nguồn lực thuận lợi, minh bạch cho những DN, cá nhân sử dụng hiệu quả hơn, các cơ chế về thuế, tài chính đủ mạnh thì DN sẽ thực sự là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, chú trọng đầu tư vào KHCN, đào tạo nhân lực.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá việc năm vừa qua có nhiều viện nghiên cứu của DN tư nhân được thành lập là tín hiệu đáng mừng. Tiến tới các nghiên cứu khoa học công bố quốc tế, sở hữu trí tuệ chủ yếu từ khối DN tư nhân; kết nối các viện nghiên cứu của DN tư nhân với các cơ sở nghiên cứu của nhà nước, trong trường ĐH một cách bình đẳng, cùng tham gia vào các chương trình nghiên cứu KHCN.

Cùng với đó, những sản phẩm mang hàm lượng KHCN cao của DN, chứ không chỉ những sản phẩm được nhà nước hỗ trợ, cần được tạo điều kiện thuận lợi thâm nhập thị trường trong nước và quốc tế. Bởi theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, “chúng ta có nhiều chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, đổi mới công nghệ nhưng về cơ bản vẫn chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các sản phẩm của DN Việt Nam có hàm lượng KHCN tiếp cận thị trường trong nước và thế giới”.

Bộ KHCN cần tiếp tục kinh nghiệm những năm trước đây, tăng cường đối thoại với các DN, hiệp hội DN để thống nhất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Làm sao để hoạt động KHCN ở địa phương tốt hơn?

Trăn trở về “hoạt động KHCN chưa đủ thuyết phục” ở các địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đây là một bất cập rất lớn, rất cần khắc phục ngay trong năm 2019.

Trước hết, sở KHCN phải tập trung tham mưu cho lãnh đạo, thông tin đầy đủ đến các sở ngành, chính quyền địa phương về những chỉ số mà ngành KHCN được giao thực hiện, làm đầu mối chủ trì trong Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tránh tình trạng nói chung chung không nắm được cụ thể.

“Các đồng chí không chỉ làm việc của mình mà còn là đầu mối tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền để điều phối với các sở, ngành khác”, Phó Thủ tướng trao đổi với lãnh đạo các sở KHCN tại hội nghị.

Trước thực tế các sở KHCN không nắm được tình hình ứng dụng KHCN, công nghệ thông tin của người dân, DN trên địa bàn các tỉnh, Phó Thủ tướng yêu cầu thiết lập hệ thống thu thập dữ liệu, đánh giá chính thức về vấn đề này.

“Từ trước đến nay ngành KHCN chủ yếu nắm thông tin về phân bổ kinh phí cho hoạt động KHCN chứ chưa nắm được trình độ công nghệ trong các DN trên địa bàn. Làm gì cũng phải có dữ liệu mới đánh giá được tình hình để ra chính sách”, Phó Thủ tướng nói.

Đề cập đến việc triển khai đề án hệ tri thức Việt số hoá và lập bản đồ số của Việt Nam, Phó Thủ tướng lưu ý đây là một nhiệm vụ quan trọng mà các sở KHCN cần tích cực tham gia trong thời gian tới. Đây sẽ là nền tảng cơ sở dữ liệu để triển khai các dự án đô thị thông minh, du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh, cung cấp các dịch vụ về kinh tế, xã hội, văn hoá, giải trí… cho người dân, DN trên địa bàn. “Làm được như vậy sở KHCN sẽ là đầu mối cho cả tỉnh. Vai trò của mình sẽ lên”, Phó Thủ tướng nói.

Ảnh: VGP/Đình Nam

Đề nghị Bộ KHCN tiếp tục phối hợp với các bộ ngành trong những hoạt động KHCN, song Phó Thủ tướng lưu ý năm 2019 Bộ cần bàn kỹ với Bộ GD&ĐT để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, xây dựng xã hội học tập với tư duy khoa học mới, cách làm mới.

Nhắc lại tinh thần “năm 2019 phải làm tốt hơn 2018”, Phó Thủ tướng đề nghị ngành KHCN cần quán triệt và cùng với đó phải bắt tay vào nghiên cứu các định hướng, vấn đề lớn về KHCN để nhiệm kỳ tới tiếp tục có những bước đổi mới mạnh mẽ, căn bản, thực chất.

Đình Nam

311 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1089
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1089
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87124069