Tọa đàm diễn ra tại trụ sở Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Hà Nội. (Ảnh: Thế Dương)

Thời gian qua, kinh tế tư nhân Việt Nam mặc dù phát triển chưa phải là mạnh song cũng đã cho thấy đây là một khu vực chứa đựng nhiều tiềm năng. Vì vậy, cần phải nhất quán với chính sách kinh tế nhiều thành phần, nhất quán với những quan điểm, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân mà Đảng và Nhà nước đã ban hành. Chỉ có như vậy, chính sách kinh tế này mới đi vào cuộc sống và đạt được mục tiêu giải phóng năng lực sản xuất và khai thác các tiềm năng kinh tế của đất nước.

Bước chuyển từ nhận thức đến hành động về phát triển kinh tế tư nhân

PGS.TS Đào Duy Quát phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Thế Dương)

Theo PGS.TS Đào Duy Quát - Nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, Nghị quyết quan trọng này là sản phẩm của thành tựu tư duy lý luận của Đảng ta, phát triển sâu sắc quan điểm về mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên CNXH, xây dựng, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN gắn chặt với tổng kết thực tiễn 30 năm Đổi mới toàn diện đất nước và tiếp thu thành tựu lý luận kinh tế hiện đại. Nghị quyết này khi đi vào cuộc sống sẽ thực sự cổ vũ, động viên mạnh mẽ khoảng 500.000 doanh nghiệp tư nhân tiếp tục phát triển đúng hướng và bền vững, đặc biệt sẽ thổi bùng tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo của hàng triệu lao động có trí tuệ, tâm huyết để đến năm 2030 nước ta có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp và kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng 60-65% GDP cả nước.

PGS.TS Đào Duy Quát nhấn mạnh, công tác tư tưởng với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết đóng vai trò quan trọng, làm sáng tỏ hơn nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng: “Từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ, đã thừa nhận kinh tế tư nhân là một động lực và một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế và đến nay là một động lực quan trọng”.

PGS.TS Vũ Văn Phúc khẳng định vai trò động lực của
kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết. (Ảnh: Thế Dương)

PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương khẳng định, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân có bước chuyển biến quan trọng, điều đó dựa trên sự phát triển thực tiễn của kinh tế tư nhân, những đóng góp của kinh tế tư nhân trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.

TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh cho biết, Hội nghị Trung ương 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) tháng 5 năm 2017 đã xác định mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam có trên 1,5 triệu doanh nghiệp tư nhân và đóng góp 55% GDP của cả nước. Đây không phải là mục tiêu quá lớn so với tốc độ phát triển kinh tế tư nhân bình quân 14 - 15% trong 10 năm qua và cũng không quá lớn so với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP của các nước có thu nhập/đầu người trung bình trong khu vực (65%-75%). Tuy nhiên, TS Lê Xuân Nghĩa cảnh báo, phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam cũng gặp những khó khăn lớn: Ở Việt Nam không có quá trình tích sản lâu đời của tư nhân như ở các nước do trải qua các cuộc cải tạo tư bản tư nhân và cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Do đó, tiềm lực tài chính của doanh nghiệp tư nhân rất yếu, vốn tự có thấp, doanh nghiệp hoạt động chủ yếu bằng vốn vay, kể cả vốn cố định và vốn lưu động. Do tài chính tích lũy rất yếu nên hầu như ít có doanh nghiệp có chi phí thỏa đáng cho nghiên cứu và phát triển, hoặc đầu tư công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam ít có khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại, cả về khía cạnh tài chính và nhân lực. Một số doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để đầu tư công nghệ và nhân lực thì chi phí tài chính cho đầu tư cũng quá lớn và hiệu quả thực tế không còn nhiều, đủ để cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cũng do nền tảng tài chính yếu kém mà các hoạt động phụ trợ cho sản xuất kinh doanh như thiết kế sản phẩm, quảng bá, truyền thông, quảng cáo và triển lãm hàng hóa đều rất hạn chế. Trong đó, truyền thông có vai trò quan trọng của kinh doanh hiện đại lại là điểm yếu cơ bản của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Thêm nữa, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn bị thua thiệt bởi các rào cản về thương mại, kinh doanh và đầu tư, kể cả các rào cản tiếp cận đất đai và các cơ hội kinh doanh. Điều này khiến cho chi phí bằng tiền và bằng thời gian (cũng là tiền) về các thủ tục hành chính và pháp lý vượt trội so với doanh nghiệp nước ngoài. Loại chi phí này chưa được gỡ bỏ thỏa đáng. Các doanh nghiệp Việt Nam còn chịu tác động rất lớn bởi tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, buôn lậu và hoạt động hạn chế cạnh tranh công bằng đến từ nước ngoài và trong nước... 

 

 

TS Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa. (Ảnh: Thế Dương)


TS Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa khẳng định, công cuộc Đổi mới ở Việt Nam bắt đầu từ Đại hội lần thứ 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1986). Quá trình đổi mới và hội nhập của Việt Nam với khu vực và thế giới diễn ra trên nhiều lĩnh vực và ngày càng sâu rộng. Có thể nói, chưa bao giờ Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương và xã hội dành nhiều sự quan tâm đến các doanh nghiệp như hiện nay. Điều đó được thể hiện rất rõ ở Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII); ở việc Quốc hội vừa mới phê duyệt Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; ở việc Chính phủ ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (Như Nghị quyết số 35/NQ-CP, các Nghị quyết số 19/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg...). Nhận thức rằng, đây là cơ hội rất lớn dành cho cộng đồng các doanh nghiệp và cho các tổ chức hội, vấn đề đặt ra hiện nay là các Bộ, ngành, địa phương cần sớm cụ thể hóa để sớm đưa các chủ trương, các chính sách vào thực tiễn, là việc các doanh nghiệp phải chủ động tự khắc phục khó khăn để vươn lên trong sản xuất kinh doanh...

GS.TS Hồ Văn Vĩnh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, qua hơn ba thập kỷ Đổi mới, kinh tế tư nhân nước ta đã phát triển mạnh mẽ, góp phần đưa nền kinh tế nước nhà tăng trưởng khá, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tham gia tích cực hội nghị kinh tế quốc tế. Bức tranh kinh tế tư nhân đã thay đổi khá ngoạn mục, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân và an sinh xã hội. Đó là mặt sáng, mặt ưu điểm của kinh tế tư nhân.

Đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt Nghị quyết trong cuộc sống

PGS.TS Đào Duy Quát cho rằng, để đưa Nghị quyết vào cuộc sống hiệu quả, cần làm sáng tỏ những vướng mắc về lý luận liên quan đến kinh tế tư nhân như: Quan niệm về kinh tế tư nhân có phải là kinh tế phi XHCN hoặc kinh tế tư nhân với kinh tế tư bản tư nhân; Phát triển kinh tế tư nhân với vấn đề bóc lột và bị bóc lột; Vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân; Vấn đề làm giàu bằng phát triển kinh tế tư nhân gắn với công bằng xã hội; Mối quan hệ giữa Nhà nước và kinh tế tư nhân; Kinh tế tư nhân với việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cần làm rõ mô hình CNXH trong điều kiện kinh tế tư nhân không ngừng phát triển, mở rộng phương hướng và hội nhập quốc tế. “Làm rõ những vướng mắc lý luận trên đây sẽ tạo sự nhất trí cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận, thông suốt trong toàn xã hội, tạo niềm tin và sự yên tâm thực sự của 500.000 doanh nghiệp tư nhân hiện nay và hàng triệu doanh nghiệp tư nhân sẽ ra đời và phát triển trong tương lai” – PGS.TS Đào Duy Quát nói.

Tại Tọa đàm, PGS.TS Vũ Văn Phúc cho rằng, để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân; Nhà nước cần có những biện pháp hỗ trợ cho kinh tế tư nhân; Nhà nước phải chủ động trong việc phát triển những mối quan hệ hợp doanh giữa Nhà nước với tư nhân, giữa tư nhân trong nước với tư nhân nước ngoài; hướng kinh tế tư nhân phát triển theo con đường kinh tế tư bản nhà nước; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế tư nhân; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của Nhà nước đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của kinh tế tư nhân.

Trong khi đó, theo GS.TS Hồ Văn Vĩnh, cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển bền vững, đó là: Tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, quan điểm về mối quan hệ giữa thị trường với quản lý nhà nước, giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước; hoàn thiện xây dựng và thực thi pháp luật và chính sách đối với kinh tế tư nhân sao cho phù hợp với đặc điểm phức tạp của kinh tế tư nhân, phù hợp với quy luật thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm chất lượng khoa học, thực thi công bằng, minh bạch, nghiêm minh. Quan trọng hơn cả là tạo lập môi trường thông tin thuận lợi cho kinh tế tư nhân hoạt động. Đặc biệt, xây dựng bộ máy công quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

GS.TS Đỗ Thế Tùng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, phải khẳng định tính tất yếu khách quan của việc phát triển kinh tế tư nhân ở một nước đang trong thời kỳ quá độ từ nền kinh tế tiểu nông lên chủ nghĩa xã hội. Song song là, phải phân biệt kinh tế tư nhân sản xuất hàng hóa nhỏ với kinh tế tư nhân tư bản chủ nghĩa, sản xuất hàng hóa lớn. Kinh tế tư nhân đã có những đóng góp ngày càng lớn vào phát triển kinh tế - xã hội nhưng chưa đáp ứng được vai trò là một động lực của nền kinh tế vì còn nhiều điểm yếu kém. Phương pháp quản lý của Nhà nước đối với kinh tế tư nhân được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường, nhưng hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước còn nhiều hạn chế, bởi vậy cần phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Không nên đặt chỉ tiêu đơn thuần về số lượng doanh nghiệp tư nhân mà phải dặt chỉ tiêu gắn với chất lượng và hiệu quả.

TS Trần Văn, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội kiến nghị, để giải phóng mạnh mẽ và không ngừng phát triển sức sản xuất của nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu như Văn kiện của Đảng đã chỉ rõ, khu vực tư nhân rất cần những chính sách tốt để tạo nên bước ngoặt, mang tính đột phá của nền kinh tế dựa vào phát triển nền kinh tế số. Đó là các chính sách của nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đầu tư vào công nghệ, phát triển tự động hóa trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội để tạo thị trường cho các sản phẩm tự động hóa trong nước; các chính sách để tăng cường hợp tác với các công ty trong nước trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, internet vạn vật, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ. Các chính sách hướng tới tạo lập môi trường thuận lợi để khởi nghiệp (start-up), nghiên cứu, trình bày và thử nghiệm những sáng kiến số, phát triển từ những ý tưởng ban đầu đến lên kế hoạch cho sự chuyển đổi đầu tư, để kinh tế số trở thành mục tiêu hoạch định chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Đặc biệt, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) tiếp cận giải pháp công nghệ mới, các tiến bộ khoa học kỹ thuật... Thêm nữa, tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục để tạo ra nguồn nhân lực sáng tạo cho xã hội, sẵn sàng cho cuộc cách mạng số - cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngày 3/6/2017, Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết: “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Ngày 3/10/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 98/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết Trung ương 5 (Khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

PGS.TS Phạm Thị Thanh Bình, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới cho hay, để đạt được mục tiêu đặt ra cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, cần thực hiện đồng bộ thay đổi nhận thức và tư duy chính trị về kinh tế tư nhân; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Hỗ trợ kinh tế tư nhân tiếp cận, khai thác các cơ hội trong hội nhập quốc tế, mở rộng thị trường, đẩy mạnh đầu tư và thương mại quốc tế. Tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển, nâng cao năng lực từng bước tham gia sâu, vững chắc vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Chuyển giao công nghệ tiên tiến. Bảo đảm thực thi hiệu quả pháp luật về sở hữu trí tuệ. Phát triển các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Áp dụng chính sách thuế, hỗ trợ tài chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phù hợp với hoạt động nghiên cứu, đổi mới, hiện đại hoá công nghệ. Đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng đủ nhu cầu số lượng và chất lượng nhân lực cho phát triển kinh tế tư nhân. Tăng cường hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Phát triển đào tạo theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và thị trường. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ doanh nhân có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng quản lý hiện đại, đạo đức kinh doanh và tinh thần trách nhiệm cao.

Đáng chú ý là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Xây dựng khung pháp lý tạo điều kiện thuận lợi hơn, bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Nâng cao năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả pháp luật, chính sách, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn cho kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, đúng định hướng. Tăng cường hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương các cấp đối với việc chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân. Xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, đơn giản hoá, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, cấp phép, thuế, giải quyết tranh chấp… Tăng cường cơ chế đối thoại có hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước với  doanh nghiệp nhằm nắm bắt và xử lý kịp thời các vướng mắc liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội. Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đối với doanh nghiệp tư nhân, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân phát triển. Mạnh dạn giao cho các doanh nghiệp tư nhân có đầy đủ điều kiện đảm nhiệm các lĩnh vực quan trọng của Nhà nước. Chỉ nên giữ lại các doanh nghiệp nhà nước mang tính chủ đạo. Kinh tế tư nhân không chỉ là quan trọng mà là đầu kéo quan trọng để phát triển kinh tế. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển kinh tế tư nhân. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để cung cấp thông tin, hỗ trợ liên kết, hợp tác kinh doanh, đào tạo kỹ thuật và tư vấn cho doanh nghiệp tư nhân.

Ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF), nguyên Trưởng cơ quan đại diện Thương mại Việt Nam tại WTO cho biết thêm, để nghị quyết này đi vào cuộc sống, trọng tâm là phổ biến Nghị quyết ở cấp cơ sở, tạo sự thay đổi nhận thức của các tập thể và cá nhân. Nhân dịp này, ông Đào Huy Giám cũng đề nghị các cơ quan chức năng liên quan nên có bộ chỉ số DNTN để làm căn cứ thống kê, so sánh giữa các địa phương. Đặc biệt, cần đối xử bình đẳng, công bằng, rõ ràng, minh bạch; tạo điều kiện và khuyến khích DNTN làm ở những lĩnh vực phù hợp, DNNN không làm thay. Có cơ chế giám sát, kiểm tra định kỳ để kịp thời xử phạt vi phạm và biểu dương các hoạt động hiệu quả. TS Lê Xuân Nghĩa cũng kiến nghị, để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, chính bản thân các tổ chức Đảng cũng phải xây dựng chương trình hành động của mình. Theo đó, ở cấp quốc gia, Trung ương Đảng giao các nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, đồng thời định ra thời gian cần hoàn thành và phải hoàn thành…, có quy định rõ ràng về xử phạt cũng như khen thưởng có liên quan./.

Hà Anh