Nhân rộng mô hình "trạm y tế xã điểm" 

(Chinhphu.vn) – Từ 26 trạm y tế xã điểm theo nguyên lý y học gia đình hiện nay, ngành y tế sẽ quyết liệt nhân rộng mô hình này, đặc biệt, trong 10 năm tới sẽ phải hình thành mạng lưới y tế cơ sở phủ khắp toàn quốc.

 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến ghi nhận những nỗ lực của ngành y tế huyện Đơn Dương, đặc biệt trong triển khai việc quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng theo nguyên lý y học gia đình. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Xã điểm đã phát huy hiệu quả ban đầu

Mới đây, đoàn công tác Bộ Y tế đã đi kiểm tra hoạt động y tế cơ sở, trong đó có mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại 2 xã điểm: Đạ Ròn và thị trấn Thạnh Mỹ, thuộc Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Đây là hai trạm y tế xã, thị trấn được đánh giá là mô hình khá hoàn chỉnh.

Bác sĩ Đỗ Phú Nhựt, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương cho biết, huyện có 3 trạm y tế trong số 26 đơn vị y tế cơ sở trong cả nước được Bộ Y tế triển khai thí điểm mô hình trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình nhằm tăng cường năng lực y tế cơ sở.

Hiện tại, 3 trạm y tế này đã hoàn thiện cơ bản về cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo phục vụ công tác khám chữa bệnh ban đầu, riêng nhân lực còn đang trong quá trình đào tạo. Đặc biệt, các trạm y tế này đã thực hiện cung ứng đầy đủ thuốc điều trị các bệnh mãn tính như tiểu đường typ 2, tăng huyết áp, thực hiện quản lý các bệnh không lây nhiễm và lập hồ sơ sức khỏe cho người dân…

Cụ thể, đã có trên 90% người dân huyện Đơn Dương được khám và lập hồ sơ quản lý sức khỏe. Trong đó, trạm y tế xã Thạnh Mỹ đã thực hiện quản lý 383 bệnh nhân tăng huyết áp, 197 bệnh nhân đái tháo đường, 51 bệnh nhân ung thư...; trạm y tế xã Đạ Ròn đang quản lý 233 bệnh nhân tăng huyết áp, 43 bệnh nhân đái tháo đường, 32 bệnh nhân ung thư…

Cả 3 trạm y tế điểm này đều có bác sĩ đa khoa và y sĩ đa khoa. Hiện tại, các bác sĩ, y sĩ đã và đang tham gia tập huấn các lớp đào tạo về các bệnh không lây theo nguyên lý y học gia đình. Riêng tại trạm y tế thị trấn Thạnh Mỹ, các bác sĩ và y sĩ tại đây đã thực hiện được 65/76 danh mục kỹ thuật được thực hiện theo quy định, xã Quảng Lập thực hiện được 68/76 kỹ thuật, xã Đạ Ròn thực hiện được 62/76 kỹ thuật.

Sau khi kiểm tra hoạt động tại các trạm y tế trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của ngành y tế huyện Đơn Dương, đặc biệt trong triển khai việc quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng theo nguyên lý y học gia đình...

“Vừa chăm sóc sức khoẻ ban đầu, vừa giáo dục truyền thông, nâng cao sức khoẻ dự phòng và điều trị, thậm chí có nhiều ca sinh đẻ ngay tại trạm, đây là một mô hình khá hoàn chỉnh”, Bộ trưởng đánh giá.

 

Nhiều bệnh nhân mắc không lây nhiễm đã được quản lý tại trạm y tế xã Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Vẫn khó về nguồn nhân lực

Tuy nhiên, "Tư lệnh" ngành Y tế cũng chỉ ra rằng, cái khó lớn nhất hiện nay đối với các trạm y tế xã điểm triển khai theo nguyên lý y học gia đình là nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực.

Ông Đỗ Phú Nhựt, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Đơn Dương cho biết, mặc dù 3 trạm y tế xã điểm thực hiện theo nguyên lý y học gia đình trên địa bàn huyện Đơn Dương đang triển khai với nhiều thuận lợi và đã có những tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên cả 3 trạm này vẫn đang còn thiếu dược sĩ trung học, điều dưỡng, y sĩ y học cổ truyền…

Đặc biệt là những bất cập liên quan tới việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Cụ thể, khi áp dụng những văn bản liên quan đến chuyên khoa như chuyên khoa về y học cổ truyền, theo quy định y học cổ truyền phải là y sĩ y học cổ truyền chính quy thì mới được thực hiện kỹ thuật về y học cổ truyền và được bảo hiểm y tế thanh toán. Còn nếu là y sĩ đa khoa, đào tạo thêm 3-6 tháng và được cấp chứng chỉ y học cổ truyền vẫn không được chấp nhận, không được khám y học cổ truyền. Điều này đang gây khó khăn trong lĩnh vực khám y học cổ truyền tại các trạm y tế xã hiện nay, ông Đỗ Phú Nhựt chia sẻ.

Để khắc phục tình trạng về nhân lực, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị, ngành y tế địa phương phải thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo cho nhân lực tuyến y tế cơ sở. Chính quyền tỉnh cũng cần có chính sách điều chuyển những bác sĩ có trình độ, đã được đào tạo, thực hành nhiều về địa phương để giúp chẩn đoán và điều trị mọi loại bệnh, chuyển giao công nghệ sử dụng các trang thiết bị y tế hiện đại khi đã được trang bị đầy đủ.

Bộ trưởng cũng khuyến khích các trạm y tế tiến tới tự chủ tài chính, hợp đồng với lao động có chuyên môn cao, tự chi trả lương và phụ cấp ưu đãi nghề bằng nguồn kinh phí tự chủ của đơn vị...

Đối với những khó khăn, kiến nghị của trạm y tế xã điểm, Bộ trưởng nhấn mạnh sẽ sớm làm việc với các đơn vị liên quan để tìm cách tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho y tế cơ sở phát triển, để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân địa phương ngày càng tốt hơn.

“Nhìn chung, cơ sở vật chất tại các trạm y tế xã điểm đến thời điểm này tương đối khang trang, hoàn chỉnh. Từ 26 trạm y tế xã điểm hiện nay trên cả, ngành y tế sẽ quyết liệt nhân rộng mô hình này, đặc biệt, trong 10 năm tới sẽ phải hình thành mạng lưới y tế cơ sở phủ khắp toàn quốc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thúy Hà

 
302 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1435
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1435
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87168393