Nhân rộng mô hình nuôi tôm theo hướng giảm phát thải khí nhà kính 

(ĐCSVN) - Chủ trương phát triển bền vững nghề tôm nước lợ góp phần tái cơ cấu ngành thủy sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đang được quan tâm. Do đó, các yếu tố canh tác trong sản xuất nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh và nhận thức về tác động nguồn phát thải cần được quan tâm để sản xuất nghề tôm bền vững hơn...

Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm phát thải thấp

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, trong đó có 2 nội dung liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp là tiền đề để thực hiện nhanh các cam kết COP26 và hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050 và 2 cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp là: cam kết tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí methan toàn cầu” và cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”.

Thực hiện cam kết này, ngành nông nghiệp đang thúc đẩy các giải pháp để giảm phát thải. Trong đó, ngành thuỷ sản đã và đang nhận được nhiều nguồn lực quốc tế, cả về tài chính và kỹ thuật để chuyển đổi sang sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính.
 

Chị Nguyễn Thị Hạt chia sẻ tại hội thảo "Giảm phát thải khí nhà kính trong nuôi trồng thuỷ sản" (Ảnh: KT)

Điển hình như dự án “Chuyển đổi năng lượng và giảm thiểu biến đối khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long” được tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam phối hợp với Tổ chức Bánh mỳ thế giới (BfdW) xây dựng, triển khai tại 4 xã dự án thuộc huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Dự án đã mang lại nhiều kết quả trong việc giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long; đem lại lợi ích kinh tế cho hộ gia đình nuôi tôm thông qua áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng và các mô hình năng lượng tái tạo và giảm lượng phát thải khí nhà kính từ nuôi trồng thủy sản.

Trong khuôn khổ dự án, đến nay đã có 21 Nhóm năng lượng sạch được thành lập và đi vào hoạt động ổn định với 530 thành viên. Các nhóm Năng lượng sạch hỗ trợ bà con tìm hiểu và thí điểm quy trình nuôi tôm phát thải thấp.

Chị Nguyễn Thị Hạt là một trong những thành viên rất tích cực, tâm huyết với các hoạt động của Nhóm năng lượng sạch tại xã Long Điền, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.

Theo chị, mưa nắng thất thường ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của tôm. Chẳng hạn khi nắng nóng nhiều khiến nhiệt độ môi trường ao nuôi tăng cao, sẽ thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể tôm tăng cao. Theo đó, tôm sử dụng oxi nhiều hơn, lượng thức ăn nhiều hơn, quá trình tiêu hóa cũng nhanh hơn. Nhưng lượng men trong cơ thể tôm có hạn nên sự tiêu hóa thức ăn nhanh, nhiều nhưng lại hấp thu vào cơ thể kém và đào thải ra ngoài môi trường làm ô nhiễm nguồn nước, dễ gây bệnh và chi phí nuôi tăng cao.

Nói về hiệu quả của mô hình nuôi tôm phát thải thấp, chị Hạt cho biết, gia đình chị đã được hỗ trợ nhà kính, hệ thống ao lắng lọc. Vì vậy, có thể chủ động, hạn chế tác động xấu của yếu tố bên ngoài, dễ kiểm soát, chăm sóc quản lý thuận tiện và cho năng suất cao.

“Qua thực tế áp dụng mô hình nuôi tôm giảm phát thải khí nhà kính đã giúp gia đình giảm được chi phí sử dụng năng lượng điện, giúp giảm được lượng khí thải ra môi trường… Ví dụ như nhờ sử dụng năng lượng bioga mà gia đình có thể giảm được khoảng 200.000 đồng/tháng. Số tiền giảm được mình có thêm tiền cho con mình học” - chị Hạt chia sẻ.  

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Lộc - Phó Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ khẳng định, nuôi tôm phát thải thấp sẽ giúp tăng giá trị của con tôm khi xuất khẩu. “Hiện nay các nước như các thị trường lớn như: Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ… khi nhập khẩu thì đều xem xuất xứ của con tôm có được sản xuất theo quy định, quy chuẩn thân thiện môi trường, ít xả thải không. Nếu con tôm sản xuất mà có cam kết giảm phát thải thấp thì giá trị tăng lên nhiều” – ông Lộc nói.

Mặt khác, theo ông Lộc, nuôi trồng thủy sản giảm phát thải cũng góp phần vào thực hiện cam kết của Việt Nam đến năm 2050 là nước có Net Zero và bảo vệ môi trường.

Chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo trong nuôi trồng thủy sản

Bạc Liêu là tỉnh ven biển, thế mạnh lớn nhất là phát triển nuôi tôm với diện tích nuôi trên 134.000 ha (chiếm hơn 50% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh). Với diện tích nuôi tôm và sản lượng tôm thu hoạch hàng năm lớn nhất nhì cả nước, Bạc Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. 
 

 Mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: baobaclieu.vn)

Chia sẻ về giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong nuôi trồng thuỷ sản, ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh cần: Ứng dụng năng lượng tái tạo; Giảm thiểu sử dụng năng lượng hóa thạch; Thiết lập quy trình nuôi trồng không phát thải khí nhà kính có chứng nhận.

Phân tích cụ thể, ông cho biết cần phải quản lý tốt cách cho ăn và sử dụng thức ăn nhằm giảm thiểu hệ số thức ăn. Khuyến cáo các trang trại đều dành diện tích nhất định (từ 50 - 70%) cho mảng xanh cũng như phát triển các hồ nước điều hòa sinh thái; là một khâu quan trọng trong tiến trình giảm phát thải khí nhà kính là hấp thụ carbon và đạt trung hòa carbon.

Hiện nay, chủ trương phát triển bền vững nghề tôm nước lợ góp phần tái cơ cấu ngành thủy sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đang được quan tâm. Do đó, các yếu tố canh tác trong sản xuất nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh và nhận thức về tác động nguồn phát thải cần được quan tâm để sản xuất nghề tôm bền vững hơn. Nhấn mạnh điều này, ông Nguyễn Trung Hiếu cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đề xuất Dự án hỗ trợ hướng dẫn đo lường các chỉ số gây phát thải khí nhà kính trong nuôi tôm thông qua việc thực hiện mô hình trình diễn với các giải pháp cải tiến về kỹ thuật và quản lý trong hoạt động sản xuất nuôi tôm tại tỉnh Bạc Liêu nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Cụ thể hỗ trợ ứng dụng các thiết bị, công nghệ để vận hành hệ thống ao nuôi giảm tiêu thụ năng lượng và chất thải, nước thải. Khuyến khích phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, giảm giá thành sản xuất, thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP, GlobalGAP, ASC,...) để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Cùng với đó, cần duy trì ổn định và mở rộng các mô hình nuôi tôm thân thiện với môi trường, ít phát thải như tôm - rừng, tôm - lúa ở những khu vực đủ điều kiện… 
 
Trong khi đó, từ kết quả nghiên cứu đo mức độ phát thải thấp trên mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và quảng canh, để giảm phát thải khí nhà kính, PGS.TS Lê Anh Tuấn - Đại diện nhóm Nghiên cứu - Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ đề xuất: Chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo trong nuôi trồng thủy sản (biogas, điện mặt trời); Sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm; Quản lý tốt cách cho ăn và quản lý sử dụng thức ăn nhằm giảm thiểu hệ số thức ăn; Áp dụng mô hình nuôi tôm hai giai đoạn trong đó tập trung vào giai đoạn vèo.

“Chúng ta còn nhiều cơ hội để giảm phát thải hơn nữa, vừa đóng góp tăng giá trị ngành tôm vừa góp phần thực hiện cam kết là nước có Net Zero vào năm 2050” - PGS. TS Lê Anh Tuấn khẳng định./.

 
 
Tú Giang
144 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 923
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 923
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87221153