Đề án được triển khai tại tất cả các địa phương trong cả nước với mục tiêu chung nhằm phát huy hiệu quả mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau nhằm duy trì và tiếp tục nhân rộng câu lạc bộ, huy động sự tham gia của người cao tuổi, Hội Người cao tuổi, các cấp các ngành và cộng đồng để nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi; chăm sóc sức khỏe, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ quyền lợi người cao tuổi.
Đồng thời, góp phần thực hiện Chương trình Hành động của Chính phủ theo Nghị quyết số: 137/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi.
Ít nhất 95% các tỉnh/thành phố có câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau
Đề án đặt mục tiêu về số lượng, đến năm 2025 có ít nhất 95% các tỉnh/thành phố trong cả nước có câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; có thêm ít nhất 3.000 câu lạc bộ mới được xây dựng với 150.000 thành viên, trong đó có hơn 100.000 thành viên là người cao tuổi. Chú trọng việc nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đối với các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu sổ, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động và quản lý 100% câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đã xây dựng giai đoạn 2016 - 2020 và các câu lạc bộ mới được xây dựng.
Về chất lượng, các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau phấn đấu bảo đảm chất lượng về cơ cấu, thành phần (mỗi câu lạc bộ có từ 50 - 70 thành viên, trong đó 60% - 70% là phụ nữ, 60% - 70% là người cao tuổi, 30 - 40% là người trẻ tuổi; ưu tiên người có hoàn cảnh khó khăn). Có ít nhất 70% câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau thực hiện đủ các hoạt động và được quản lý tốt để có ít nhất 50% thành viên được vay vốn để sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, mọi thành viên được nâng cao sức khỏe về thể chất, tinh thần, nâng cao nhận thức, kiến thức và bảo vệ quyền lợi.
100% câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau có Quỹ để tăng thu nhập và Quỹ hoạt động do câu lạc bộ tự quản lý theo Quy chế do câu lạc bộ ban hành.
Hoạt động của Đề án bao gồm: Tập huấn kỹ thuật, tài liệu để nâng cao năng lực, hiệu quả thực hiện Đề án; xây dựng, quản lý và triển khai hoạt động câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; truyền thông, nâng cao nhận thức; huy động nguồn lực từ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia nhân rộng và duy trì hoạt động câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; tăng cường hợp tác quốc tế…
Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam chủ trì Đề án, phối hợp với Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan và các tổ chức đoàn thể xây dựng kế hoạch và kinh phí triển khai thực hiện đề án hằng năm; giám sát, đánh giá, sơ, tổng kết thực hiện đề án; huy động nguồn tài chính hợp pháp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện; đề xuất, kiến nghị điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế từng giai đoạn; phối hợp với chính quyền địa phương, hỗ trợ, hướng dẫn Hội Người cao tuổi và các đoàn thể tại địa phương xây dựng Đề án/kế hoạch và huy động nguồn lực thực hiện Đề án theo quy định…
Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam theo dõi, giám sát, đánh giá thực hiện Đề án.
Vũ Phương Nhi