Nhân lực chất lượng cao - một thách thức gay gắt đối với Việt Nam 

(ĐCSVN) - Nhu cầu về nhân lực không ngừng tăng về chất trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất, là xu hướng tất yếu, khách quan.

Cần làm rõ phạm trù nhân lực chất lượng cao

Hiện nay ở nước ta phạm trù “nhân lực chất lượng cao” thường được dùng một cách trừu tượng, không xác định và chưa thống nhất về một số nội dung... Cần phải lưu ý hai điểm sau đây khi xét phạm trù này.

Một là, phải xuất phát từ bối cảnh lịch sử cụ thể. Thí dụ: nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh ứng dụng hệ thống công nghệ cổ điển (cơ khí hóa, điện khí hóa, hóa học hóa…) khác với nhân lực chất lượng cao khi ứng dụng hệ thống công nghệ hiện đại (công nghệ tin học, công nghệ sinh học, công nghệ na-nô, công nghệ tự động hóa…)

Hai là, phải nắm vững xu hướng khách quan biến đổi tính chất của nhân lực trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất. Khi lao động thủ công còn phổ biến thì chất lượng nhân lực thể hiện ở kỹ năng điều khiển công cụ và phụ thuộc vào sự điêu luyện của người công nhân.

Trong đại công nghiệp thì máy móc thay vào một số vị trí công nhân. Hoạt động của công nhân do sự vận động của máy móc quyết định và điều chế một cách toàn diện. Giờ đây, lao động sống được chuyển hóa thành một vật phụ thuộc sống của hệ thống máy móc, thành phương tiện cho sự hoạt động của hệ thống ấy. Sự sản xuất bằng máy móc không phải xuất phát từ công nhân mà xuất phát từ máy móc, nên có thể thay đổi người thường xuyên mà không làm gián đoạn quá trình lao động, nên đòi hỏi phải giáo dục bách khoa. Nó cho phép xóa bỏ sự phân công theo kiểu công trường thủ công bằng cách không ngừng buộc chặt mỗi công nhân vào cùng một công việc.

Trước đây để giảm chi phí đào tạo, chủ nghĩa tư bản đã tái tạo và củng cố lối phân công của công trường thủ công, khiến cho người công nhân từ một nghề chuyên môn suốt đời điều khiển một dụng cụ bộ phận trở thành một nghề chuyên môn suốt đời phục vụ một chiếc máy bộ phận. Nhưng công nhân vẫn phải được đào tạo vì chất lượng nhân lực thể hiện ở trình độ hiểu biết về cơ học, lý học v.v… để vận dụng vào việc điều khiển máy móc. Bởi vậy, pháp chế công xưởng đầu tiên ở nước Anh vẫn phải ghi điều khoản về giáo dục: học vấn sơ đẳng là điều kiện bắt buộc của lao động.

Bên cạnh những thợ trực tiếp đứng máy còn có một bộ phận công nhân cao cấp, với số lượng ít hơn, làm công việc chế tạo máy móc hay kiểm tra toàn bộ máy móc và thường xuyên sửa chữa máy móc, như kỹ sư, thợ máy…

Đúng như dự báo của C.Mác, theo đã phát triển của đại công nghiệp, việc tạo ra của cải thực tế trở nên ít phụ thuộc vào thời gian lao động và vào số lượng lao động đã chi phí hơn là vào sức mạnh của những tác nhân được khơi động trong thời gian lao động và bản thân những tác nhân ấy, đến lượt chúng (hiệu quả to lớn của chúng) tuyệt đối không tương ứng với thời gian lao động trực tiếp cần thiết để sản xuất ra chúng, mà đúng ra chúng phụ thuộc vào trình độ chung của khoa học và vào sự tiến bộ của kỹ thuật hay là phụ thuộc vào việc ứng dụng khoa học ấy vào sản xuất. (Bản thân sự phát triển của khoa học ấy, đặc biệt là khoa học tự nhiên, và cùng với nó là của tất cả những khoa học khác, đến lượt nó lại tương ứng với sự phát triển của sản xuất vật chất).

Toàn bộ quá trình sản xuất thì biểu hiện ra không phải như là một quá trình phụ thuộc vào tài nghệ trực tiếp của công nhân mà với tư cách là sự ứng dụng khoa học trong lĩnh vực công nghệ. Xét về mặt lượng lao động trực tiếp được quy vào một phần nhỏ hơn, còn về mặt chất nó được chuyển hóa thành một yếu tố nào đó, tuy cần thiết, nhưng là thứ yếu đối với lao động khoa học phổ biến, đối với sự ứng dụng khoa học tự nhiên vào công nghệ. Lao động riêng lẻ không còn là lao động sản xuất nữa mà chỉ lao động chung của nhiều người mới là lao động sản xuất. Giờ đây, lao động biểu hiện ra không phải chủ yếu là lao động được nhập vào quá trình sản xuất mà chủ yếu là một loại lao động trong đó con người là người kiểm soát và điều tiết bản thân quá trình sản xuất. Thay vì làm tác nhân chủ yếu của quá trình sản xuất, công nhân lại đứng bên cạnh quá trình ấy.

Thiên nhiên không tạo ra máy móc. Tất cả những cái đó đều là sản phẩm lao động của con người, đều là sức mạnh đã vật hóa của trí thức. Trí thức xã hội phổ biến đã chuyển hóa thành lực lượng sản xuất trực tiếp.

Mặt khác, phát minh trở thành một nghề đặc biệt và đối với nghề đó thì việc vận dụng khoa học vào sản xuất trực tiếp tự nó trở thành một trong những yếu tố có tính chất quyết định và kích thích .

Những dự báo trên phù hợp với kinh tế tri thức và chỉ rõ nhân lực chất lượng cao trong kinh tế trí thức là lao động khoa học và công nghệ, là lao động phát minh, thường được gọi chung là công nhân tri thức (Knowledge workers) đứng bên cạnh để giảm sát và điều tiết quá trình sản xuất.

Như vậy là chất lượng cao của nhân lực trong kỹ thuật thủ công biểu hiện ở tài điêu luyện của công nhân, trong công nghiệp cơ khí hóa biểu hiện ở trình độ nhận thức và vận dụng hệ thống công nghệ cổ điển vào quá trình sản xuất, còn trong kinh tế trí thức thì biểu hiện ở sự vận dụng hệ thống công nghệ hiện đại để giám sát và điều tiết quá trình sản xuất.

Nhân lực chất lượng cao không ngừng tăng lên nhưng phải đáp ứng đáp ứng cầu

Điểm nổi bật trong nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước trong 5 năm tới mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng ta đề ra là phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển kinh tế trí thức, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ của các ngành, lĩnh vực, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Để thực hiện nhiệm vụ tổng quát này phải lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu, phát triển có chọn lọc một số ngành công nghiệp chế tạo, chế biến, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch…; xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao… đẩy mạnh phát triển khu vực dịch vụ theo hướng hiện đại…

Những nhiệm vụ cụ thể nói trên đều đòi hỏi phải có nhân lực chất lượng cao và công nghệ cao. Trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức thì phải đáp ứng yêu cầu về nhân lực cho việc ứng dụng cả 2 hệ thống công nghệ: cổ điển và hiện đại.

Nhưng theo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII thì năm 2015 tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở nước ta mới đạt 51,6% (có tài liệu lại nói rằng nếu không tính đào tạo ngắn hạn thì tỷ lệ trên chỉ khoảng trên 20%). Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội tuy có giảm nhưng vẫn còn 44,3% (có tài liệu dẫn ra số liệu cao hơn, trên 60%). Phần lớn lao động nông nghiệp ở nước ta hiện nay là lao động giản đơn và đứng tuổi. Ở những nước có nền nông nghiệp hiện đại thì tỷ lệ này chỉ trên dưới 3%, còn nhìn chung ở một nước công nghiệp tỷ lệ này chỉ trên, dưới 10%. Vậy là nước ta đang thừa quá nhiều lao động giản đơn, và rất thiếu lao động lành nghề cho cả hai hệ thống công nghệ.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đã nhắc lại chủ trương “phát huy vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước”. Nhưng, mặc dù việc phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ đạt được những kết quả tích cực, chủ trương trên vẫn chưa thành hiện thực.

Đại hội nhận định: Chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục đại học, đào tạo nghề cải thiện còn chậm, thiếu lao động chất lượng cao. Tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo khắc phục còn chậm, công tác đào tạo chưa gắn chặt chẽ với nhu cầu xã hội. Khoa học, công nghệ chưa thật sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, Chưa có giải pháp đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp và thu hút đầu tư tư nhân cho nghiên cứu, đổi mới và ứng dụng khoa học, công nghệ. Đầu tư cho khóa học, công nghệ hiệu quả chưa cao. Tiềm lực khoa học, công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu. Thị trường khoa học, công nghệ phát triển còn chậm, nhất là việc chuyển giao công nghệ. Năm 2015 đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ đạt khoảng 2% tổng chi ngân sách nhà nước, đầu tư xã hội cho khoa học, công nghệ ước đạt 1,3% GDP. Nhưng việc sử dụng nguồn đầu tư ít ỏi này còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Năng lực đội ngũ khoa học, công nghệ còn hạn chế, thiếu các nhà khoa học đầu ngành. Số lượng sáng chế, công trình khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín còn ít.

Như vậy, hai mũi chủ công là giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ của quốc sách hàng đầu đều yếu kém, chưa đủ sức đối phó với thách thức thừa lao động giản đơn, thiếu nhân lực chất lượng cao.

Trong bài “Nói về công tác huấn luyện và học tập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Huấn luyện phải nhằm đúng nhu cầu”, “Các ngành công tác như là người tiêu thụ hàng. Ban huấn luyện như là người làm ra hàng. Làm ra hàng phải đúng với nhu cầu của người tiêu thụ. Nếu người ta cần nhiều xe mà mình làm ra nhiều bình tích thì hàng ế”. Song đây lại là điểm yếu nhất hiện nay ở nước ta, đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu cả về chất lượng cơ cấu trình độ, ngành nghề, nên tuy thiếu nhân lực chất lượng cao, nhưng theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố trên Bản tin thị trường lao động quý 3-2015, có đến 117.300 người có trình độ caođẳng chuyên nghiệp và 225.500 người có trình độ Đại học trở lên thất nghiệp, tổng cộng là 342.800 người. Báo Tiền Phong số 86 ngày 27/3/2017, còn phát hiện tình trạng liên thông ngược: ở trường Cao đẳng Y dược Pasteur Hà Nội, trong số 1.000 học viên của trường có tới 50% học viên đã có bằng đại học, cao đẳng, thậm chí hơn.

Như vậy, trong thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan, nhất là giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê, để điều tra nhu cầu về nhân lực nhằm đào tạo đáp ứng nhu cầu đó.

Nếu không ưu tiên đầu tư thích đáng sức người, sức của để thực hiện chủ trương “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực” và “phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ” thì vấn đề “lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực” sẽ chỉ là mơ ước. Đồng thời chỉ tiêu “phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”, và “đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN, đến năm 2030 có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới” sẽ không thể đạt được.

 

GS.TS Đỗ Thế Tùng

501 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 508
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 508
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86626125