Nhận diện và phê phán các quan điểm sai trái, thù địch cho rằng “Việt Nam không có bình đẳng dân tộc” 

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược, lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Nội dung chính sách dân tộc được thực hiện theo nguyên tắc: bình đẳng, đoàn kết, tương trợ trên tinh thần tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển, hướng đến mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy nhiên, hiện nay các thế lực thù địch, phản động vẫn cố tình tung ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận vấn đề này.

1. Nhận diện một số quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận bình đẳng dân tộc ở Việt Nam

          Hiện nay, để chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch không ngừng đưa ra những luận điệu nhằm xuyên tạc và phủ nhận những thành quả cách mạng mà Đảng và Nhân dân Việt Nam đã nỗ lực để có được. Trong đó, có rất nhiều các luận điệu tập trung xuyên tạc, bóp méo quan điểm, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta nói chung và vấn đề bình đẳng dân tộc nói riêng. Tận dụng sự phát triển của khoa học công nghệ mà cụ thể là internet, sử dụng các website, thông qua các mạng xã hội, các ứng dụng chạy trên nền tảng điện thoại thông minh … để phát tán, tuyên truyền những quan điểm sai trái, xấu độc một cách rộng khắp đến các lực lượng, thành phần trong xã hội Việt Nam nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Có thể nhận diện các quan điểm, luận điệu sai trái xuyên tạc, phủ nhận về chính sách dân tộc qua các nhóm vấn đề sau:

          Thứ nhất, các thế lực thù địch cho rằng, ở Việt Nam quyền bình đẳng dân tộc không được thực thi. Chúng cho rằng, trong xã hội Việt Nam luôn có sự bất đồng và mâu thuẫn giữa cộng đồng người, các dân tộc với nhau, đặc biệt là mâu thuẫn giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số, giữa người Công giáo và phần còn lại của dân tộc… Điểm chung của các bài viết kiểu này là để đi đến những kết luận, những nhận định hồ đồ, phiến diện rằng: “vấn đề bình đẳng giữa các dân tộc vẫn còn nhức nhối”, “Bình đẳng giữa các dân tộc và hòa hợp dân tộc vẫn chưa thực hiện được tại Việt Nam”… Tiếp đó là hô hào, đòi hỏi cho những bình đẳng giữa người Công giáo và phàn còn lại của dân tộc, nhát là với Phật giáo; bình đảng cho cộng đồng người Việt hải ngoại; bình đẳng cho đồng bào các dân tộc thiểu số…”

          Thứ hai, các thế lực chống đối cho rằng, bình đẳng dân tộc ở Việt Nam hiện nay là “con đường nửa vời”; Đảng và Nhà nước Việt Nam không có thiện chí trong quá trình thực hiện bình đẳng dân tộc. Họ đưa ra những bài viết cực đoan để phủ nhận chính sách, pháp luật bình đẳng dân tộc cũng như luôn nghi ngờ về thiện chí của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Ngụy biện hơn, họ rêu rao rằng: “đa số người dân cả trong và ngoài nước đều cho rằng không thể có bình đẳng dân tộc với chính sách hiện nay của chính phủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản…”.

          Thứ ba, các thế lực thù địch luôn nhấn mạnh là “người đại diện” cho “nguyện vọng của đa số”. Để cổ súy cho luận điệu này, trên một số website hải ngoại, các thế lực chống đối, thù địch luôn cho rằng, chỉ có họ mới có thể đưa ra cách hiểu đúng cho sự bình đẳng dân tộc. Những người này cũng tự huyễn hoặc cho mình cái quyền “đại diện” để đề ra “phương cách song phương và đơn phương” để tiến hành bình đẳng hòa hợp dân tộc.

          Nhìn chung, dù được diễn đạt dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng tựu chung lại, các quan điểm sai trái trên đều nhằm cùng mục đích: cố tình xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta nói chung và về dân tộc nói riêng, qua đó hòng kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc để thay đổi và phá hoại sự ổn định chính trị - xã hội và cuối cùng là đòi đa nguyên đa đảng.

          2. Phê phán các quan điểm sai trái, thù địch cho rằng Việt Nam không có bình đẳng dân tộc

          Qua nhận diện các quan điểm, luận điệu sai trái, xuyên tạc cho rằng Việt Nam không có bình đẳng dân tộc, chúng ta sẽ làm rõ các nội dung sau:

          Thứ nhất, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tổng kết: “Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình, kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”1.

          Chúng ta có thể khẳng định rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ thống lý luận khoa học mở. Trên cơ sở các điều kiện cụ thể, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Những chính sách nhân văn và ưu việt đều vì mục tiêu chung là: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do Nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”2.

          Thứ hai, sai lầm khi cho rằng ở Việt Nam không bình đẳng dân tộc thực sự.

          Chính sách dân tộc và bình đẳng dân tộc được Đảng và Nhà nước ta cụ thể hóa trong các văn kiện Đại hội Đảng qua các kỳ đại hội. Nếu các văn kiện Đại hội Đảng từ lần thứ II đến lần thứ V đều nhấn mạnh nguyên tắc “Đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc”, thì từ lần thứ VI đến lần thứ XI, nguyên tắc này tiếp tục được khẳng định và bổ sung là: “Đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau (Đại hội VI, VII), “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ” (Đại hội VIII), “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển” (Đại hội IX), “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ” (Đại hội X); “Bình đẳng, đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ” (Đại hội XI), “Bình đẳng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển” (Đại hội XII). Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược của chính sách đoàn kết các dân tộc trên cơ sở “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”.

          Chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc từ thời ký đổi mới đất nước đến nay được thể hiện thông qua các văn kiện đại hội và các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề của Đảng, được ban hành cụ thể trong từng nhiệm kỳ, từng giai đoạn với nội dung cơ bản thống nhất đó là: “Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển, cùng thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu chia rẽ dân tộc. Phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh – quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách dân tộc; quan tâm bồi dưỡng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất”3. Với những nội dung trên, chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc đã thể rõ tính toàn diện, bao trùm trên các lĩnh vực và luôn được sửa đổi, bổ sung theo từng giai đoạn nhằm phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc và miền núi cùng với sự phát triển chung của đất nước. Theo đó, chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc trong thời kỳ đổi mới đã được thể chế hóa trong nhiều bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư… của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do có chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên trong những năm qua, công tác dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

          Để đẩy mạnh phát triển bền vững toàn diện vùng dân tộc miền núi cùng với sự nghiệp phát triển chung của đất nước, chủ trương, đường lối về công tác dân tộc trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, nêu rõ: “Đảm bảo các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, giúp nhâu cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đông bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc” 4. Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục khẳng định các nguyên tắc trong quan hệ dân tộc Việt Nam, đó là “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”5. Đồng thời cùng chỉ rõ: “Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù chăm lo giáo dục, đào tạo, y tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới. Triển khai các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn”6.

          Trong xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm đẩy mạnh phát triển các vùng, văn kiện đã nêu ra những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, như: Với vùng trung du và miền núi phía Bắc cần “Phát huy các lợi thế về tài nguyên rừng, khoáng sản, các cửa khẩu, văn hóa dân tộc đặc sắc, đa dạng và tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ…”7; Đối với vùng tây Nguyên, bên cạnh phát triển các thế mạnh của vùng can đẩy mạnh “phát triển nguồn nhân lực, ổn định dân cư, ưu tiên bảo tồn và khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của các dân tộc vùng Tây Nguyên”8.

          Thứ ba, trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo, ở Việt Nam không có sự xung đột dân tộc và bất đồng, mâu thuẫn giữa các dân tộc người với nhau, đặc biệt là giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số.

          Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng chung sống lâu đời, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14 triệu người (chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước)9. Mặc dù người Kinh là dân tộc chiếm đa số, nhưng thực tế cho thấy dưới sự lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước, vai trò và tham gia vào bộ máy chính quyền cũng như những đóng góp vào đời sống xã hội của người dân tộc thiểu số ngày càng được đảm bảo. Đơn cử như trong Quốc hội là người dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã tăng dần theo các khóa: Khóa I: 10,2%, khóa XIII: 15,6%, khóa XIV: 17,3%, khóa XV: 17,84%.

          Trong quan hệ tôn giáo, Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo và ở Việt Nam các tôn giáo chung sống hài hòa, không có sự mâu thuẫn hoặc xung đột giữa các tôn giáo, tín ngưỡng; các tôn giáo ở Việt Nam luôn được tôn trọng, bình đẳng, không bị phân biệt đối xử. Nhà nước bảo hộ và quản lý hoạt động bằng pháp luật, người dân được thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Trong Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế - Việt Nam 2018 của Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã khẳng định “Hiến pháp (của Việt Nam) quy định mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bao gồm cả quyền tự do không theo một tôn giáo nào. (…) Hiến pháp quy định tất cả các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật và nhà nước phải tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Hiến pháp cấm công dân vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật” và “Việt Nam là thành viên của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị”10.

          Thứ tư, thật sai lầm khi khi các thế lực phản động luôn tự nhận mình là “người đại diện” cho “nguyện vọng đa số” để tuyên truyền kích động Nhân dân.

          Xét ở góc độ luật pháp “đại diện” là việc một người, một cơ quan, tổ chức nhân danh người, cơ quan, tổ chức khác xác lập, thực hiện hành vi pháp lí trong phạm vi thẩm quyền đại diện. Quyền đại diện ở đây được xác lập theo sự ủy quyền, theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật. Khi không có những cơ sở như vậy thì sự đại diện cũng chỉ là viễn vông. Đây thực chất là âm mưu của các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá, kích động quần chúng nhân dân và mục đích chính là phủ nhận tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, cuối cùng là đòi đa nguyên đa đảng tại Việt Nam.

          Như vậy, với tư cách là một quốc gia có độc lập chủ quyền, có luật pháp và có vị thế quan trọng trên chính trường quốc tế, Việt Nam đã và đang làm tốt công atcs hòa hợp dân tộc, góp phàn củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Từ sự phân tích trên đây cho thấy, các quan điểm sai trái, thù địch cho rằng, Việt Nam không có bình đẳng dân tộc về thực chất đó là sự phủ nhận độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, đó là sự xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, xuyên tạc đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam./. Phan Văn Lãn

-----------------------------------

          1. Xem Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, tạp chí Cộng sản điện tử, congsan.org.vn

            2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật H2011.tr70.

            3. Ban Tư tưởng -Văn hóa Trung ương, tài liệu nghiên cứu các nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Tlđd, tr 77.

            4, 5, 6 7, 8: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

            9. Cổng thông tin điện tử Ủy ban dân tộc, http://www.cema.gov.vn/tintuc

            10. http://vn.usembassy.gov/vi/irfreport2018/.

 

 

644 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 984
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 984
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87037764