Trong cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch thì việc nhận diện các loại quan điểm xuyên tạc, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là đặc biệt quan trọng. Các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng thời gian qua chủ yếu là một bộ phận nhỏ người Việt Nam sống ở nước ngoài và một số đối tượng ở trong nước, thậm chí có trong đội ngũ cán bộ, đảng viên có biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Theo thống kê, hiện có khoảng 400 tổ chức, hội, nhóm hoạt động ở nước ngoài nhằm mục đích chống phá cách mạng Việt Nam như: “Đảng Việt Tân”, “Ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam”, “Tập hợp dân chủ đa nguyên”, “Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế cho Việt Nam”, “Hội chuyên gia Việt Nam”, “Phong trào yểm trợ tự do và dân chủ cho Việt Nam”, “Đảng Dân chủ Việt Nam thế kỷ XXI”... Các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng khá phức tạp, có sự đan xen nhiều khía cạnh, song có thể khái quát thành một số vấn đề như:
Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng về tư tưởng, chúng xuyên tạc cho rằng Đảng thiếu dân chủ, áp đặt tư tưởng, tước đoạt tự do. Chúng phê phán Đảng Cộng sản Việt Nam không chịu đổi mới về chính trị, “không chịu thực hiện đa nguyên chính trị, giữ độc quyền lãnh đạo”; rằng ở Việt Nam “không có đa nguyên, đa đảng thì không bao giờ có dân chủ”. Các thế lực thù địch cho rằng, chế độ và thể chế chính trị một đảng duy nhất cầm quyền là mảnh đất tốt cho sự nảy sinh, dung dưỡng và phát triển tư tưởng, hành vi chuyên quyền, độc đoán, từ đó dẫn đến sự lộng hành quyền lực của bản thân đảng cầm quyền, gây mất dân chủ, làm rối loạn chính trị, bế tắc kinh tế, cản trở quá trình phát triển xã hội. Chúng quy kết “Độc tài, Đảng trị là cái gốc sai chính của nhà cầm quyền Việt Nam hiện tại” và “khuyên” “Đảng chỉ nên giữ vai trò lãnh đạo chính trị, không nên và không thể lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối”. Các thế lực thù địch đòi Việt Nam phải sửa đổi Hiến pháp, xoá bỏ Điều 4, hiến định về Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo toàn xã hội. Chúng khuyến khích “xã hội dân sự”, hỗ trợ thành lập các hội, nhóm đòi “dân chủ”, “tự do” cực đoan, thân phương Tây.
Hiện nay, lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch đã đưa ra những thông tin xấu, độc nhằm kích thích sự nghi ngờ, phủ định sạch trơn những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với những luận điệu xuyên tạc như: chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã lạc hậu, lỗi thời không còn phù hợp với thời đại hiện nay nữa và một đảng lấy tư tưởng, lý luận đã “lạc hậu, lỗi thời” thì không thể có cơ sở để lãnh đạo đất nước phát triển khi thực tế khách quan đã thay đổi. Chúng sử dụng các tin, bài viết chủ yếu tác động vào mặt tâm lý, kích động những nhóm đối tượng thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết chưa đầy đủ để tạo sức mạnh chống phá. Chúng còn tập trung móc nối, lôi kéo mọi giai tầng xã hội, nhất là số thanh niên, cán bộ, đảng viên có dấu hiệu “tự chuyển hóa” và gần đây chúng có xu hướng móc nối vào số đối tượng có tiền án, nghiện hút, giang hồ mạng... để truyền bá "lối sống phương Tây", công kích, xuyên tạc về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Xuyên tạc, “hạ bệ” lãnh tụ Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thêu dệt sai sự thật các yếu tố đời tư, thế sự nhằm gây hoang mang dư luận. “Tô vẽ” sai phạm của các cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, tham nhũng… để hủy hoại niềm tin đối với Đảng và Nhà nước; Cổ súy lối sống vị kỷ, thực dụng, hưởng lạc, phản nhân văn; tô đen cái ác, cái xấu nhằm gieo rắc sự mất niềm tin, mất phương hướng và lý tưởng sống…
Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã và đang triển khai nhiều giải pháp đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Để nâng cao hiệu quả đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, cần chú trọng một số giải pháp cơ bản:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân về công tác đấu tranh. Chúng ta cần tuyên truyền, quán triệt để tất cả mọi công dân Việt Nam đều có hiểu biết, nhận thức được vấn đề này, mà trước hết là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy đảng, đặc biệt là người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương phải quán triệt sâu sắc phương hướng, triển khai cụ thể nhiệm vụ, xây dựng lực lượng đấu tranh. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, trí thức, văn nghệ sĩ phải nhận nhiệm vụ kép: Vừa đấu tranh phản bác, vừa tuyên truyền, thuyết phục Nhân dân.
Thứ hai, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về công tác đấu tranh phòng, chống âm mưu ‘diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đảng và Nhà nước phải nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý để đáp ứng yêu cầu, phù hợp thực tiễn trên lĩnh vực tư tưởng. Hiện nay, nhìn chung pháp luật, cơ chế, chế tài cơ bản đã đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn, đã tương đối đầy đủ và toàn diện. Đó là cơ sở thuận lợi cho công tác đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, sự xâm nhập của các ấn phẩm độc hại, thù địch. Các “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, “Tội phản bội Tổ quốc”, “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”… đã được Bộ luật Hình sự hiện hành quy định khá chi tiết. Các văn bản pháp quy liên quan như Luật xử lý vi phạm hành chính (Luật năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2017), Luật Xuất bản (năm 2012), Luật Báo chí (năm 2016), Luật Tiếp cận thông tin (năm 2016), Luật An ninh mạng (năm 2018)… và các Nghị định, Thông tư, Quy định, Quy tắc… của các cơ quan chức năng quy định khá đầy đủ, cụ thể. Đó là những căn cứ pháp lý quan trọng, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, nhất là đối với các cán bộ, đảng viên hoạt động trong lĩnh vực báo chí và mạng xã hội.
Thứ ba, xây dựng, phối hợp, phát triển lực lượng thực thi nhiệm vụ. Đã có chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhưng lực lượng để thực thi nhiệm vụ đấu tranh, ngăn chặn là hết sức quan trọng, là yếu tố bảo đảm thành công. Vì vậy, cần có sự phối hợp một cách đồng bộ cả theo chiều ngang và chiều dọc. Tức là các bộ, ban, ngành ở cấp Trung ương cần có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất và cùng chỉ đạo, phối hợp với các cấp ủy, chính quyền ở địa phương, và cả theo ngành dọc từ trên xuống. Có như vậy mới tạo được cơ chế thống nhất nhằm phát huy sức mạnh định hướng dư luận một cách đồng bộ. Trong đó, các cơ quan trực tiếp liên quan đến công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa như Ban Tuyên giáo, hệ thống trường Đảng, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật, ngành văn hóa, thông tin, cơ quan xuất bản, cơ sở nghiên cứu, cơ quan công an, quân đội, cơ quan báo chí… các cấp cần có sự phân công lực lượng thường trực để thực hiện công tác đấu tranh. Cần bảo đảm điều kiện làm việc, có chế độ đãi ngộ phù hợp, nhất là đối với những vị trí kiêm nhiệm vai trò thường trực trong công tác này.
Thứ tư, bảo đảm nhân lực, cơ sở vật chất, công nghệ trong công tác đấu tranh. Các cơ quan chức năng liên quan cần bảo đảm nhân lực, cơ sở vật chất, công nghệ để thực hiện công tác đấu tranh một cách hiệu quả. Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ thông tin, Internet, các trang mạng xã hội,… có tầm phổ rộng trong toàn xã hội đối với người dân, thì vấn đề quản lý trong lĩnh vực này là hết sức khó khăn và phức tạp. Cần thực thi nghiêm các căn cứ pháp lý nhằm đấu tranh, ngăn chặn quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, nhất là trên môi trường mạng hiện nay. Cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, công nghệ đủ mạnh, bảo đảm cơ sở vật chất để có thể thực thi, tác chiến, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin sai trái, thù địch trên không gian mạng. Phan Ngân