Nhận diện thủ đoạn để đấu tranh chống buôn lậu hiệu quả hơn 

(Chinhphu.vn) – Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Vì vậy, cơ quan điều phối cần nhận định rõ các thủ đoạn, thực hiện công tác đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn.
Ảnh minh họa

Tại cuộc họp báo thường kỳ về kết quả công tác 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) cho biết, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 88.564 vụ việc vi phạm (bằng 93,71% so với cùng kỳ năm 2016); thu nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) từ tiền xử phạt vi phạm hành chính (VPHC), bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt 7.949 tỷ 667 triệu đồng (tăng 40,44% so với cùng kỳ), khởi tố 1.189 vụ đối với 1.372 đối tượng.

Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo 389 cũng nhận định, kết quả công tác chưa tương xứng với tình hình thực tế khi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang diễn ra hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó lường ở khắp các tuyến biên giới, cửa khẩu và cả trong nội địa.

Tại các khu vực đường mòn, lối mở, kênh, rạch, sông, suối, khu vực các cửa khẩu đường bộ thường xuyên xảy ra các hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.

Hàng hóa vi phạm tập trung nhiều vào nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng có thuế suất cao, mặt hàng yêu cầu phải có giấy phép quản lý chuyên ngành, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng cấm.

Các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng địa hình đường biên kéo dài, hiểm trở, nhiều khu vực xa xôi, hẻo lánh khó tiếp cận, quản lý để tổ chức tập kết hàng hóa, sau đó tìm thời cơ thuận lợi chia nhỏ hàng, vận chuyển lén lút vào nội địa.

Thực tế, hầu hết các đối tượng buôn lậu đều có sự phối hợp, bố trí người theo dõi hoạt động quản lý của các cơ quan chức năng, nên nhiều cuộc kiểm tra, vây bắt hàng lậu thiếu tính bất ngờ, chưa đạt hiệu quả cao.

Còn tại các cửa khẩu cảng biển, cảng sông quốc tế, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng, dầu vẫn còn khá phức tạp, trọng điểm là tại vùng biển các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang...

Đối tượng đầu nậu trong nước cấu kết với người nước ngoài sử dụng tàu, thuyền không treo cờ quốc tịch hoặc tàu cá đã hoán cải các khoang, hầm, téc bí mật để chứa xăng dầu lậu, sau đó bán trực tiếp cho các tàu cá của ngư dân đánh bắt xa bờ hoặc vận chuyển vào nội địa tiêu thụ...

Đối với các mặt hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị, máy móc phụ tùng đã qua sử dụng, nguyên phụ liệu công nghiệp, các mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, phải đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, động vật hoang dã quý hiếm... thủ đoạn vi phạm của các đối tượng chủ yếu là khai báo sai tên, số lượng, chủng loại, xuất xứ, trị giá hàng hóa; giả mạo hồ sơ nhập khẩu, hủy tờ khai nhập khẩu bị phân luồng đỏ; lợi dụng loại hình tạm nhập tái xuất, quá cảnh, trung chuyển...

Tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế, các đối tượng buôn lậu “ưa chuộng” các mặt hàng cấm, hàng gọn nhẹ, có giá trị kinh tế lớn và dễ cất giấu (ma tuý, ngoại tệ, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, thuốc lá điếu ngoại, xì gà...)

Điển hình là vụ bắt giữ 17.000 điếu xì gà và vụ 100 kg sừng tê giác tại Sân bay quốc tế Nội Bài, TP. Hà Nội; vụ bắt giữ gần 5 kg sừng tê giác của 2 đối tượng từ châu Phi về Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TPHCM.

Thủ đoạn phổ biến của đối tượng buôn lậu thường là cất giấu hàng hoá trong người hoặc tư trang; chia nhỏ số lượng hàng, gửi về nhiều địa chỉ khác nhau nhưng thực chất chỉ có một người nhận; lợi dụng định mức miễn thuế, hàng quà biếu, quà tặng để hợp thức hàng lậu, hàng cấm...

Không chỉ xảy ra ở khu vực biên giới, cửa khẩu, tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng giả; vi phạm về niêm yết giá bán hàng, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn xảy ra tại nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM…

Đáng chú ý, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở trong nước mua nguyên, phụ liệu giá rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc và bao bì, nhãn mác nhái các thương hiệu nổi tiếng, sau đó tổ chức sản xuất, đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, pha trộn, dán nhãn và cung cấp hàng giả, hàng nhái ra thị trường...

Những tồn tại này gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đe dọa sức khỏe cộng đồng, trật tự an toàn xã hội và tiềm ẩn nguy cơ xâm hại an ninh quốc gia... Vì vậy, Ban Chỉ đạo 389 đã xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần phải được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, thực chất và hiệu quả hơn.

Với tinh thần đó, Ban Chỉ đạo 389 từ Trung ương đến địa phương đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, kế hoạch, để chỉ đạo các lực lượng chức năng làm tốt công tác nắm tình hình, nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng trên cơ sở đó triển khai các kế hoạch, biện pháp kiểm tra, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, lĩnh vực, phụ trách. 

Anh Minh

345 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 675
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 675
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76868284