Nhận diện thông tin tích cực và thông tin xấu, độc – một số vấn đề cần lưu ý 

Lâu nay chúng ta hay nói tới việc “lan tỏa thông tin tích cực”, “tăng tin tốt, át tin xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực”… nhưng như thế nào mới là thông tin tích cực thì không phải ai cũng hiểu rõ và nhận diện đúng.

Thông tin tích cực, hiểu một cách đơn giản và phổ biến, là những thông tin đảm bảo tính đúng đắn, chính xác, có ý nghĩa về một sự việc, một nhân vật, một vấn đề xã hội.

Có thể nhận diện thông tin tích cực thông qua một số dấu hiệu sau:

Thứ nhất, đó là những thông tin có thể gieo cho người đọc những nhận thức, tình cảm tốt đẹp; thúc đẩy người tiếp nhận có suy nghĩ, hành động tích cực như: Gương cá nhân, tập thể điển hình trong làm theo lời Bác; gương người tốt, việc tốt, giúp nhau trong hoạn nạn; gương học sinh đạt thành tích cao trong học tập; những tấm gương anh hùng trong chiến đấu, những tấm gương cán bộ, chiến sĩ hi sinh giữa thời bình…

Thứ hai, thông tin đó có thể cung cấp cho người đọc những kiến thức, nhận định đúng đắn, phù hợp về một vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm (Ví dụ: thông tin từ Bộ Y tế về tình hình dịch Covid-19, dịch sốt xuất huyết).

Thứ ba, đó là những thông tin mang tính định hướng chính xác về một vấn đề đang có nhiều ý kiến khác nhau hoặc bác bỏ một thông tin sai trái đang được lan truyền (thông tin bác bỏ những hình ảnh xuyên tạc về sách giáo khoa hiện nay); hay có thể giải đáp được thắc mắc, nghi vấn của nhiều người về một vấn đề nào đó.

Thứ tư, những thông tin này thường được đăng tải trên hệ thống phát thanh, truyền hình của Trung ương, địa phương, các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội chính thức của cơ quan Đảng, Nhà nước theo quy định của pháp luật về Luật Báo chí và sở hữu trí tuệ.

Thứ năm, thông tin tích cực được thể hiện bằng ngôn ngữ phổ thông dễ hiểu, bố cục rõ ràng, ít khi mắc lỗi chính tả, sử dụng hình ảnh có ghi chú cụ thể, không bị cắt ghép, không gây phản cảm; tiêu đề không mang tính “giật gân”, “câu view”, “câu like”…

Bên cạnh thông tin tích cực thì hiện nay, lợi dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật, đặc biệt là sự bùng nổ của công nghệ, trước “cơn bão” thông tin trên mạng xã hội, một số lượng không nhỏ thông tin xấu, độc do các thế lực phản động, các phần tử chống đối cơ hội chính trị và cả những cá nhân thiếu hiểu biết tung ra đã làm mất trật tự an toàn xã hội, gây hoang mang dư luận, làm giảm sút lòng tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Do vậy, nhận diện thông tin xấu, độc để có cách phòng, chống nó là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Về nội dung và bản chất, có thể nhận diện thông tin xấu, độc tán phát trên môi trường mạng Internet và mạng xã hội là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen”, làm lẫn lộn đúng sai, thật giả hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu thù địch.

Đó là các dạng thông tin có nội dung phản cảm, không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam, kích động bạo lực, bôi nhọ đời tư, vu khống, công kích, miệt thị, hoặc đưa những thông tin nhảm nhí, rùng rợn…; những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức. Một số thông tin có những ngôn từ thô tục, nội dung phản cảm, thậm chí soi mói, bình phẩm chủ quan chuyện đời tư của người khác, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều cá nhân, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

 Đó còn là những thông tin cổ vũ, lôi kéo tham gia vào các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, lô đề, cờ bạc, cá độ, vay lãi nặng, tham gia vào các hội kín, nhóm kín trên mạng xã hội dẫn đến vi phạm pháp luật; thông tin sai trái, độc hại có tính chất tội phạm công nghệ cao như: Lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, phát tán virus…

Bên cạnh đó là thông tin sai trái, độc hại có tính chất chính trị như: Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới, bịa đặt, vu cáo, nói xấu các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước;  gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, tìm mọi cách thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta trên mọi lĩnh vực...

Về hình thức, thông tin xấu, độc thường được đăng phát trên các phương tiện truyền thông của các tổ chức, cá nhân chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; thông tin giật gân, gây sốc, thu hút sự chú ý của đông đảo dân cư mạng, nhưng nguồn là duy nhất; bài viết có định dạng, phông chữ lạ; không có sự thống nhất giữa tiêu đề và nội dung, hình ảnh minh họa, thời gian đăng tin và thời gian xảy ra sự kiện được phản ánh; đăng tải trên trang giả mạo hoặc gây hiểu lầm là các trang thông tin chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Có thể nói, thông qua thủ đoạn “dối trá, xuyên tạc”,“3 phần thực, 7 phần hư cấu”, các đối tượng lấy hình ảnh hoạt động từ báo chí chính thống rồi cắt ghép, “xào nấu”, thêm thắt, xuyên tạc, bịa đặt, cài cắm thêm nhiều tin giả hoặc bắt đầu từ một thông tin có thật rồi thêm vào những tình tiết không xác thực nhưng liền mạch khiến cho cán bộ, đảng viên và người dân dễ bị lầm tưởng, sau đó, dùng các tài khoản mạo danh lãnh đạo cấp cao hoặc các cơ quan ban, ngành, cơ quan báo chí của nước ta và các tài khoản chính danh của Tổ chức phản động ở nước ngoài như: Việt Tân, RFA…để phát tán thông tin xấu, độc. Nguy hiểm và tinh vi hơn, gần đây, nhiều trang Facebook phản động đang giả dạng là những trang tin “tử tế” để tiếp cận người dùng, tăng số lượng người đăng ký theo dõi thường xuyên. Các trang này thường đưa những nội dung “câu view” nhằm “đánh lạc hướng” rồi đan cài những nội dung phục vụ ý đồ xấu của chúng. Người dùng phải thật hiểu biết mới phân biệt được thông tin xấu, độc này. Trong khi thông tin xấu, độc ngày càng nhiều và tinh vi, khó nhận biết thì không ít cán bộ, đảng viên lại chủ quan, mất cảnh giác dễ bị rơi vào “bẫy” của những kẻ cơ hội, phản động. Trên facebook của một số cán bộ, đảng viên cũng đã có hiện tượng viết, chia sẻ những thông tin xấu, độc. Đặc biệt, chúng còn sử dụng thơ ca làm công cụ tuyên truyền, chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Các đối tượng phản động là nhà văn, nhà báo, ca sĩ… đã cố tình chuyển hóa các bài viết có sẵn thành thể thơ hoặc bài hát mang tính chất chống phá với giai điệu hiện đại, theo phong cách thị trường rồi phát tán, đăng tải trên các kênh âm nhạc trực tuyến, mạng xã hội; đặt máy chủ ở nước ngoài để vượt qua các cơ chế kiểm duyệt bài viết của Bộ Thông tin và Truyền thông…

Trước vô vàn thông tin xấu, độc, bịa đặt lan truyền trên internet, mạng xã hội làm cho cán bộ, đảng viên, người dân dần dần hoài nghi vào những thông tin thật, chính thống được hệ thống chính trị, cơ quan báo chí truyền thông đưa ra; làm suy giảm niềm tin của Nhân dân vào chế độ, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước các cấp. Từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy khác: Nguy cơ mất phương hướng trong lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin, đạo đức, nhân cách của cá nhân và cộng đồng xã hội, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc; ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, con người, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam; ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng.

Do vậy, mỗi một người, đặc biệt là cán bộ đảng viên khi tham gia mạng xã hội cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, luôn nâng cao ý thức nhận diện thông tin tích cực và thông tin xấu độc bằng cách xem xét các vấn đề như: Thông tin được đăng trên trang nào, có đáng tin cậy không? Thông tin đưa ra có logic không, có mắc nhiều lỗi chính tả không? Hình ảnh có chú thích rõ ràng không, có bị cắt ghép, chỉnh sửa không? Tiêu đề có mang tính “giật gân”, “câu view”, “câu like” không?…

Thứ hai, cần cẩn trọng trong việc nhấn like, chia sẻ hay bình luận khi tiếp cận một thông tin nào đó, nhất là những thông tin xuất phát từ những trang không chính thống mà xuất hiện trên các trang cá nhân, tránh trường hợp vô tình tiếp tay cho việc lan tỏa những thông tin giả.

Thứ ba, mỗi cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm trong việc chia sẻ thông tin tích cực, cả ở khía cạnh phải chọn thông tin phù hợp và thường xuyên thực hiện việc lan tỏa các thông tin đó. Mỗi người, trước khi chia sẻ thông tin phải hình thành cho mình tư duy phản biện, có sự thẩm định, đánh giá, phân tích, đối chiếu, so sánh…thông tin. Không phải thông tin nào được lan truyền rộng rãi, được nhiều người đọc và chia sẻ cũng là thông tin chính xác, đúng đắn. Do đó, cần thiết phải tìm cách khẳng định tính xác thực của thông tin chứ không dễ dàng tin theo và làm lan tỏa thông tin đó khi chưa biết rõ mức độ tin cậy của thông tin. Đồng thời, phải luôn ý thức rằng thông tin của mình sẽ có người đọc và ít nhiều chịu tác động, nên chọn thông tin tốt nhất, hay nhất, ý nghĩa nhất, tránh chia sẻ những thông tin mà mình còn đang phân vân, chưa chắc chắn về độ chính xác của nó hay những thông tin mà mình nghĩ rằng sẽ gây ra nhiều cách hiểu khác nhau (trong đó có cách hiểu sai lệch).

Thứ tư, trong các bài viết đấu tranh, phải bác, chúng ta cần có ý thức sử dụng hệ thống dẫn chứng xác đáng, ngôn ngữ sắc bén, đặc biệt là phải có cái nhìn bao quát, nhiều chiều của vấn đề, tránh việc nhìn nhận, đánh giá, phán xét một cách phiến diện để rồi trở thành mục tiêu công kích trở lại của các thế phản động, thù địch.

Thứ năm, trên trang mạng xã hội của mình, mỗi cán bộ, đảng viên nên tích cực tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các hình ảnh, thông tin tốt, có ích về cơ quan, đơn vị, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, quê hương, đất nước, gương người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến, các câu chuyện có giá trị nhân văn… góp phần lan tỏa những thông tin tốt; đồng thời đăng tải, chia sẻ những bài viết giúp người dân biết cách nhận diện những thông tin xấu độc, những bài viết đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, xuyên tạc. Cùng với đó, cần nêu cao tính gương mẫu, chuẩn mực khi phát ngôn, đăng tải hình ảnh, chia sẻ thông tin… trên mạng internet và mạng xã hội. Bởi trách nhiệm của chúng ta là đồng thời phải tăng cường lan tỏa thông tin tích cực và tìm cách hạn chế, đẩy lùi các thông tin tiêu cực, thông tin xấu độc. Minh Huyền

 

 

772 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 547
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 548
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87649748