Nhận diện, phản bác, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch về nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng hiện nay 

Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt độngcủa Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện nay, trước bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và những khó khăn trong nước, kiên quyết bảo vệ và giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng là vấn đề có tính chất sống còn, ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Tư tưởng về xây dựng một đảng vô sản trên cơ sở của nguyên tắc tập trung dân chủ đã được C.Mác và Ph.Ăng ghen đưa vào Điều lệ Liên đoàn những người cộng sản năm 1847. V.I.Lênin đã phát triển tư tưởng đó của C.Mác và Ph.Ăng trong xây dựng và hoạt động của Đảng Công nhân dân chủ-xã hội Nga. Năm 1905, tại Hội nghị Tammécpho của những người bônsêvích Nga, nguyên tắc tập trung dân chủ được thừa nhận hoàn toàn. Năm 1906, nguyên tắc tập trung dân chủ được ghi Điều lệ của Đảng Công nhân dân chủ -xã hội Nga. Sau đó các đảng trong Quóc tế Cộng sản thừa nhận nguyên tắc này và quy định điều kiện gia nhập Quốc tế Cộng sản là các đảng công nhân phải được xây dựng theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

 Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của đảng cộng sản.Tinh thần chủ yếu của nguyên tắc này là bảo đảm cho sự thống nhất về tư tưởng và chính trị của đảng cộng sản được củng cố bằng sự thống nhất về tổ chức. Nó làm cho đảng cộng sản được xây dựng thành một đội ngũ có kỷ luật chặt chẽ, có sức chiến đấu cao, phát huy được cao độ tính chủ động, năng động và sáng tạo của đông đảo cán bộ, đảng viên. Nó làm cho đảng cộng sản luôn là là một tổ chức chiến đấu, một tổ chức lãnh đạo, một tổ chức hành động mà không phải là một câu lạc bộ chỉ bàn cãi suông. Nó quy định mối quan hệ của đảng viên với tổ chức đảng, giữa các tổ chức đảng từ dưới lên trên, giữa một cấp uỷ đảng với đại biểu hay đại hội đảng viên của cấp đó.

Tập trung dân chủ là sự thống nhất biện chứng giữa hai thành tố tập trung và dân chủ. Hai thành tố đó không mâu thuẫn với nhau mà luôn thống nhất, tác động bổ sung cho nhau. Tập trung trên cơ sở dân chủ, dân chủ có sự lãnh đạo, được sự bảo đảm của tập trung. Có giữ vững tập trung mới có thể thực hiện và mở rộng dân chủ. Phát triển và mở rộng dân chủ luôn gắn liền với giữ vững và tăng cường tập trung, trên cơ sở đó dân chủ càng phát triển thì tập trung càng vững chắc.

Quan điểm sai trái, thù địch:

 Hiện nay chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch tìm mọi cách, dùng mọi thủ đoạn “công phá” vào Đảng Cộng sản Việt Nam cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đặc biệt là các luận điệu sai trái về nguyên tắc tập trung dân chủ nhằm từng bước hạ thấp vị thế, uy tín, âm mưu của chúng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguyên tắc tập trung dân chủ nay đã lỗi thời bởi nguyên tắc này chỉ phù hợp với hoạt động của Đảng khi chưa giành được chính quyền, trong hoạt động bí mật hoặc khi đất nước có chiến tranh. Còn trong điều kiện hoà bình, Đảng cầm quyền, lãnh đạo xây dựng đất nước, đòi hỏi phải mở rộng dân chủ, phát huy tối đa sáng tạo cá nhân nhưng hiện nay, nguyên tăc tập trung dân chủ đã lỗi thời, không còn phù hợp.

Các thế lực thù địch cho rằng “tập trung” và “dân chủ” là hai mặt đối lập, luôn có xu hướng phủ định, triệt tiêu nhau. Nếu thực hiện tập trung sẽ tất yếu dẫn đến thu hẹp dân chủ, triệt tiêu dân chủ; ngược lại, nếu muốn thực hiện dân chủ thì phải từ bỏ tập trung. Từ lập luận đó, họ xuyên tạc rằng, tập trung dân chủ là “nguyên tắc không có thật”, “dân chủ” không thể đi đôi với “tập trung”.

Các thế lực thù địch cho rằng, nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ đúng trên lý thuyết, còn trong thực tế không được thực hiện. Các thế lực thù địch lợi dụng những hiện tượng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong thực tế, có những trường hợp vi phạm nghiêm trọng gây hậu quả tai hại, những sai lầm về quan liêu độc đoán, về việc mất dân chủ của một số cán bộ, đảng viên trong bộ máy của Đảng, nhà nước và kêu gọi, yêu cầu Đảng phải từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ. Họ cố tình lẫn lộn giữa hiện tượng vi phạm nguyên tắc với bản chất của nguyên tắc.

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch cho rằng cần bỏ chế độ thiểu số phục tùng đa số, cho phép đảng viên được nói và làm khác với nghị quyết của Đảng mới thực sự có dân chủ. Các thế lực thù địch cho rằng, tập trung dân chủ chỉ là một biểu hiện của chế độ tập quyền, độc đoán bảo thủ, kìm hãm tư duy sáng tạo. Họ tán dương thực hiện dân chủ tự do, dân chủ cực đoan.

Các luận cứ đấu tranh phản bác:

Một là, tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ là vấn đề thuộc về bản chất của Đảng Cộng sản, do đó, xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ là xa rời bản chất của Đảng. Thực tiễn cho thấy, trong điều kiện nào cũng phải phát huy dân chủ, đồng thời phải dưới sự tập trung thống nhất.

Hai là, việc đem dân chủ đối lập với tập trung là không hiểu đúng nguyên tắc, cố tình bóp méo nguyên tắc tập trung dân chủ, bởi trong nguyên tắc này, hai mặt tập trung và dân chủ không tách rời nhau mà quy định lẫn nhau, quan hệ biện chứng với nhau. Tập trung trên cơ sở dân chủ nhưng dân chủ phải dưới sự lãnh đạo để bảo đảm tập trung, không phải tập trung quan liêu, chuyên quyền, độc đoán, cũng không phải dân chủ tự do, vô tổ chức, vô kỷ luật.

Ba là, thực tiễn 93 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam là một tổ chức thống nhất ý chí và hành động, không gì chia rẽ được. Đảng không dung thứ cho sự tồn tại của các phe nhóm, bè phái, “lợi ích nhóm”. Đảng lấy tự phê bình và phê bình là nguyên tắc sinh hoạt đảng, là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng.

Bốn là, trong nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số là quy định bắt buộc, một trong những nội dung cốt lõi, đặc trưng của tập trung trong Đảng, thể hiện ý chí, sức mạnh tập thể, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Một số giải pháp:

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực hiện nay, trước sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, để bảo vệ, giữ vững nguyên tắc Tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nguyên tắc tập trung dân chủ, làm rõ nội dung, yêu cầu của nguyên tắc tập trung dân chủ trong tình hình mới, đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ.

 Hai là, tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hoá, quy chế hoá nguyên tắc tập trung dân chủ cho từng lĩnh vực, từng mặt công tác xây dựng Đảng. Mở rộng dân chủ đi đôi với củng cố, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Xây dựng các thiết chế, cơ chế cho phép phát huy thật sự mạnh mẽ dân chủ, trước hết là bảo đảm thực hiện các quyền của đảng viên, nhất là quyền được chất vấn, thảo luận, phê bình, thông tin, bảo lưu ý kiến. Đồng thời với mở rộng dân chủ phải củng cố, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Mọi tổ chức đảng và đảng viên phải thực hiện nhiệm vụ chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nói và làm theo nghị quyết của Đảng.

Ba là, tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận, chính trị, tư tưởng, trước hết là cho đội ngũ những người làm công tác lý luận, các cơ quan chức năng, đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp nhạy bén phát hiện, đấu tranh chống lại những quan điểm, tư tưởng thù địch của các thế lực thù địch, đồng thời đấu tranh khắc phục những quan điểm mơ hồ, sai lầm, lệch lạc, bảo vệ Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc tổ chức của Đảng, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng theo Nghị quyết số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Khắc phục nhận thức mơ hồ, nói và làm không đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Bốn là, thực hiện nghiêm túc chế độ tập thể lãnh đạo đi đôi với cá nhân phụ trách. Thể chế hoá thành các quy chế, quy định cụ thể về tổ chức, lề lối làm việc, trách nhiệm của tập thể, cá nhân để vừa giữ vững chế độ lãnh đạo tập thể, vừa tăng cường mạnh mẽ trách nhiệm cá nhân. Tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Xử lý nghiêm minh, kịp thời những đảng viên, tổ chức đảng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Tóm lại, tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản, là nguyên tắc chỉ đạo mọi hoạt động xây dựng tổ chức, sinh hoạt và lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, nghiên cứu, quán triệt, thực hiện nghiêm nguyên tắc này là cơ sở đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới hiện nay nhằm góp phần quan trọng vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Xuân Ngọc

530 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 891
    • Thành viên Thành viên 2
    • Tổng Tổng 893
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87034503