|
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: VGP/Thúy Hà |
Nhận diện muỗi truyền sốt xuất huyết
Tại buổi cung cấp thông tin ngày 26/7, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết hiện nay không phải tập trung vào trẻ nhỏ hoặc người già mà hơn 50% ca mắc hiện nay là người đang trong độ tuổi lao động. Vì vậy, người dân cần được biết các đặc điểm nhận diện rõ ràng về loại muỗi truyền bệnh, cách lây bệnh và các týp sốt xuất huyết để có cách chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh chủ quan.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra với 4 týp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng týp nên một người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2, 3, 4 với những týp virus khác nhau. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do muỗi Aedes aegypti.
Các chuyên gia y tế cho biết, muỗi lây bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn cái, đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa.... Đây là loại muỗi không đẻ ở ao tù, cống rãnh. Đặc biệt, muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình trên 20ºC.
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết mọi năm chủ yếu ở thể D1 và D4, nhưng năm nay có sự gia tăng số ca mắc ở thể D2. Hiện, các týp virus này chưa có sự biến đổi về độc lực và cũng chưa có biến đổi gene.
Tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 58.888 trường hợp mắc bệnh, 17 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng gần 10%. Số mắc chủ yếu ở khu vực miền Nam, riêng miền Bắc gần đây có gia tăng số ca mắc tại Hà Nội rất cao. Hiện Hà Nội đứng thứ 3 cả nước về số mắc tuyệt đối.
Để phòng chống dịch bệnh bùng phát, lan rộng và kéo dài trước diễn biến phức tạp trên, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ cộng đồng thực hiện những hành động đơn giản như đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng, tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Nếu bị sốt cao sau 2-3 ngày tại thời điểm dịch bệnh như hiện nay thì nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Vai trò của người dân
Nhấn mạnh vai trò của người dân trong việc phối hợp phòng, chống dịch sốt xuất huyết, ông Trần Như Dương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ, phun thuốc muỗi phòng chống dịch là quan trọng nhưng chỉ có tính nhất thời. Cái gốc vấn đề và lâu dài là phải diệt loăng quăng, bọ gậy thường xuyên, liên tục tại từng gia đình và khu dân cư. Có như vậy, việc phòng chống dịch mới mang tính triệt để.
Về điều trị bệnh, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, các cơ sở y tế tuyến dưới hoàn toàn có thể điều trị khỏi bệnh, chính vì vậy, Bộ Y tế đã được thực hiện phân tuyến rất cụ thể.
Hiện nay, có 3 loại sốt xuất huyết là sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng. Theo đó, tuyến xã sẽ chẩn đoán, điều trị, theo dõi, chăm sóc các trường hợp sốt xuất huyết Dengue. Tuyến huyện chẩn đoán, điều trị, theo dõi, chăm sóc các trường hợp sốt xuất huyết Dengue và sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo.
Đối với các tỉnh khu vực phía nam, do tuyến huyện có số lượng người bệnh lớn và cán bộ y tế cũng đã được đào tạo, tập huấn và có kinh nghiệm điều trị sốt xuất huyết Dengue nên có thể điều trị một số trường hợp sốt xuất huyết Dengue nặng, khi cần có thể hội chẩn tuyến trên.
Tại tuyến tỉnh, sẽ chẩn đoán, điều trị, theo dõi, chăm sóc các trường hợp sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng. Tuyến cuối ở Trung ương sẽ điều trị, chăm sóc các ca mắc sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo, sốt xuất huyết Dengue nặng và các trường hợp nặng vượt quá khả năng điều trị của tuyến dưới.
Đối với 3 ca bệnh tử vong tại Hà Nội do bệnh sốt xuất huyết từ đầu năm tới nay, đại diện Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, cả 3 ca bệnh này đều mắc sốt xuất huyết trên nền bệnh phối hợp khác như nhiễm khuẩn, cao huyết áp...
Thúy Hà