Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến (Ảnh: BT)

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến vừa có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí về những giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản trong thời gian tới.

Phóng viên (PV): Thứ trưởng cho biết những khó khăn mà ngành thủy sản đang gặp phải và hướng đi để tháo gỡ trong năm 2021?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Năm 2020, chúng ta đã đạt được sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ hải sản là 8,45 triệu tấn, trong đó khai thác là đạt 3,85 triệu tấn, còn lại là nuôi trồng. Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu đạt 8,5 tỷ USD.

Năm 2020 là năm rất nhiều khó khăn, ngoài ảnh hưởng của COVID-19, ngành thủy sản còn chịu ảnh hưởng bởi lũ chồng lũ, bão chồng bão, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, mưa lũ, dông lốc ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất thủy sản, tuy nhiên, các mục tiêu đề ra chúng ta đã đạt được.

Bước sang 2021 chúng ta đã có Quyết định 339 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đến 2030 đạt sản lượng là 9,8 triệu tấn, trong đó khai thác đạt 2,8 triệu tấn, nuôi trồng 7  triệu tấn, xuất khẩu thủy sản đạt từ 14 – 16 tỷ USD.

Mục tiêu này đang đứng trước khó khăn: Thứ nhất, về khai thác, Việt Nam bị EU rút thẻ vàng từ ngày 23/10/2017 đến nay đã gần 4 năm. Cũng trong thời gian này có 21 quốc gia bị rút thẻ vàng, đã có 14 quốc gia gỡ được còn lại 7 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Có 6 quốc gia bị rút thẻ đỏ, trong đó có 3 quốc gia gỡ được thẻ và còn 3 quốc gia.

Đây là những khó khăn, thách thức của Việt Nam bởi thẻ vàng ảnh hưởng đến tín chỉ, các thủ tục hành chính, kiểm soát thủy sản vào EU và các thị trường khác.

Trong nhiều năm qua, việc tổ chức khai thác hải sản trên biển theo hướng phong trào lên tới 110 nghìn tàu, sau khi cơ cấu lại, xuống còn 96 nghìn tàu, và hiện tại chính xác là 94.572 tàu. Cường lực khai thác quá lớn so với trữ lượng của Việt Nam. Sắp tới đây, thực hiện Luật Thủy sản 2017, sẽ tiếp tục rà soát và giao hạn ngạch, giảm cả công suất, số lượng, đặc biệt là vùng lộng và bờ.

Thứ nữa là về hạ tầng thủy sản, trong rất nhiều năm với một ngành hàng trong 1 năm xuất khẩu kim ngạch xuất khẩu gần 9 tỷ USD, khai thác lên đến gần 3,9 triệu tấn nhưng không được đầu tư đúng mức và thỏa đáng. Do đó, hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, bến cá, hậu cần nghề cá xuống cấp nghiêm trọng. Đây là việc rất khó cho việc quản lý đội tàu, không để tàu vi phạm. Bên cạnh đó, chúng ta phải truy xuất được nguồn gốc mà muốn truy xuất được nguồn gốc thì khi tàu khai thác về cá phải được lên cảng để phân loại nhằm giảm thất thoát sau thu hoạch. Hiện nay, thất thoát sau khai thác của chúng ta từ 15- 35%. Nếu không truy xuất được nguồn gốc, không quản lý được đội tàu, không thực thi pháp luật tốt thì sẽ rất khó có thể gỡ được thẻ vàng.

Về vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ vào bảo quản thủy sản khai thác còn rất nhiều yếu kém. Tàu nhỏ, khoang cũng nhỏ mà chỉ bảo quản bằng đá lạnh dẫn đến thất thoát sau thu hoạch lớn, chất lượng không đảm bảo và việc truy xuất gặp khó khăn.

Về nguồn nhân lực, một tỷ lệ rất lớn người làm nghề khai thác theo hình thức “cha truyền con nối”, ít được đào tạo, trong khi Luật Thủy sản 2017 quy định các tiêu chí, tiêu chuẩn của máy trưởng như thế nào, thuyền trưởng ra sao, tuy nhiên, chúng ta mới tập huấn được trong thời gian ngắn.

Cùng với đó, Luật Thủy sản 2017 hướng tới ngành thủy sản có trách nhiệm, nhưng thời gian triển khai Luật còn có giới hạn. Việc thông tin tuyên truyền dù tích cực, nhưng nhận thức, hiểu biết chấp hành pháp luật còn hạn chế.

Đối với phần nuôi trồng thủy sản trong nội đồng, ở Việt Nam vẫn nhỏ lẻ. Tại đồng bằng sông Cửu Long, mô hình nuôi công nghiệp còn hạn chế và tỷ trọng còn rất nhỏ, hạ tầng yếu, việc đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học khó khăn,…

Như vậy, chúng ta thấy khai thác, nuôi trồng, chế biến nuôi biển đều phải triển khai đồng bộ, bên cạnh đó cần làm tốt công tác bảo tồn. Nếu chúng ta không đảm bảo được phần bảo tồn thì sẽ không đảm bảo được việc khai thác, mang lại giá trị gia tăng. Cùng với đó, phải gắn với công tác chế biến thì mới đạt được mục tiêu đặt ra.

PV: Như Thứ trưởng vừa đề cập đến những hạn chế về hạ tầng của nghề cá, vậy để khắc phục tình trạng này, vấn đề về nguồn lực cũng như Bộ đã có kế hoạch chuẩn bị như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Khóa trước, Bộ đã có nghị quyết của Ban cán sự Đảng về nâng cao đầu tư công cho hạ tầng thủy sản giai đoạn 2021- 2025. Về vấn đề này, Bộ đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Quốc hội khóa XV, đồng thời đề xuất với Chính phủ những dự án vay vốn cho hạ tầng thủy sản.

Riêng thực hiện kế hoạch của ngành tôm đã có Quyết định số 79 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, đang bàn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư vay vốn của ADB. Như vậy các nguồn vốn nếu được thực thi thì hạ tầng thủy sản Việt Nam sẽ có bước thay đổi.

PV: Thứ trưởng cho biết thêm về các giải pháp để phát triển ngành tôm và cá tra tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực được thiên nhiên uu đãi, đặc biệt là cá tra, chỉ trong hơn 10 năm đã thành ngành hàng có tỉ trọng tương đối lớn. Năm 2018 sản lượng đạt 1,72 triệu tấn, xuất khẩu đạt 2,26 tỷ USD. Trong chiến lược chúng ta không tăng diện tích mà tăng sản lượng bằng cách áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất.

Về cá tra, hiện Bộ và các tỉnh thành đã xây dựng hệ thống cá tra 3 cấp, giao cho Viện Thủy sản 2 nghiên cứu 2 dòng: cá tra tăng trưởng và kháng bệnh. Hai dòng này đã và đang phát huy trong sản xuất. Tuy đề tài chưa kết thúc nhưng kết quả có thể ứng dụng với nhu cầu giống là 4,5 tỷ con giống ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Đối với tôm, với diện tích 740 nghìn ha, sản lượng 940 nghìn tấn, tôm đã hình thành hệ thống giống. Tuy nhiên với giống tôm, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp có thời gian đầu tư chưa dài. Do đó, nhu cầu 130 tỷ con tôm bột vẫn đang từng bước thực hiện.

Về cơ bản chúng ta vẫn đang phải nhập giống bố mẹ từ nước ngoài. Và đã có doanh nghiệp nghiên cứu tôm bố mẹ. Tới đây, với chương trình sản phẩm quốc gia về khoa học công nghệ, Bộ sẽ cùng với các doanh nghiệp triển khai quyết liệt hơn vấn đề này. Kết quả sản xuất giống tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tốt hơn và hạn chế việc nhập khẩu mỗi năm hơn 200 nghìn cặp bố mẹ ở các nước.

PV: Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu thủy sản rất khả quan, vậy từ nay đến cuối năm, theo Thứ trưởng, các doanh nghiệp cần triển khai những giải pháp gì để đạt được mục tiêu xuất khẩu?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trong thời gian ảnh hưởng của COVID-19, chuỗi sản xuất bị đứt gãy, các nước cạnh tranh thủy sản với Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn trong khi chúng ta phòng chống dịch đạt nhiều kết quả tốt. Đây chính là cơ hội cho Việt Nam tổ chức sản xuất để xuất khẩu vào các thị trường lớn.

Khi các chuỗi sản xuất lương thực, thực phẩm của thế giới bị đứt gãy, và trong lúc chúng ta phòng, chống dịch COVID-19 đạt được nhiều kết quả thì đây là yếu tố để chúng ta phát huy và tăng tốc sản xuất và chuẩn bị cho các thị trường sắp tới phục hồi.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng !

 
BT (ghi)