Nhận diện điểm nghẽn phát triển thị trường vốn và trái phiếu 

(Chinhphu.vn) – Danh mục nợ trái phiếu Chính phủ nói riêng và danh mục nợ công nói chung ngày càng được cải thiện theo hướng bền vững hơn. Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân quy mô thị trường vẫn còn khá nhỏ so với kênh tín dụng ngân hàng và thị trường các nước trong khu vực.

Bà Phan Thị Thu Hiền – Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính, trả lời về các nội dung liên quan đến vấn đề phát triển thị trường vốn và trái phiếu.

Phạm Thị Thu Hiền-Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính. Ảnh: VGP/Huy Thắng.

Được biết trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều biện pháp phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ gắn với tái cơ cấu nợ công. Xin bà cho biết cụ thể về vấn đề này?

 

Bà Phan Thị Thu Hiền: Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính thực hiện các giải pháp tái cơ cấu thị trường gắn với tái cơ cấu nợ công nhằm mục đích kéo dài kỳ hạn danh mục nợ trái phiếu Chính phủ, đa dạng hóa nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu Chính phủ.

 

Kết quả đạt được đến nay là khả quan khi kỳ hạn trái phiếu Chính phủ (TPCP) được kéo dài, các sản phẩm trái phiếu phát hành trên thị trường với nhiều loại kỳ hạn, cơ sở nhà đầu tư ngày càng đa dạng. Cụ thể, cơ sở nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu Chính phủ có sự thay đổi căn bản theo hướng mở rộng, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, giảm mạnh tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại. Tính đến cuối tháng 7/2018, tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại (NHTM) là 51,1% (giảm mạnh so với mức khoảng 79,7% năm 2014)… Các sản phẩm đa dạng hơn giúp quy mô giao dịch trên thị trường thứ cấp tăng lên mức khoảng 9.000 tỷ đồng/phiên trong năm 2017, tăng mạnh so với mức khoảng 1.000 – 2.000 tỷ đồng/phiên trong giai đoạn từ 2011 – 2013. Trong 7 tháng đầu năm 2018, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 10,4  nghìn tỷ đồng/phiên.

 

Như vậy có thể thấy, trái phiếu Chính phủ ngày càng trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của nền kinh tế. Việc cơ cấu lại thị trường về cơ sở nhà đầu tư, về kỳ hạn của danh mục nợ thông qua tập trung phát hành các trái phiếu dài hạn từ 5 năm đến 30 năm, sử dụng các nghiệp vụ tái cơ cấu, mua lại, hoán đổi đã làm cho danh mục nợ trái phiếu Chính phủ nói riêng và danh mục nợ công nói chung ngày càng được cải thiện theo hướng bền vững hơn.

 

Có ý kiến cho rằng cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường TPCP vẫn chưa thật sự đa dạng, hơn nữa nếu các ngân hàng quá tập trung mua TPCP thì họ sẽ không muốn cho vay đối với doanh nghiệp. Bà bình luận về vấn đề này như thế nào? 

 

Bà Phan Thị Thu Hiền: Về cơ cấu nhà đầu tư, như vừa nói ở trên, thời gian qua có sự thay đổi căn bản theo hướng giảm tỷ lệ nắm giữ của các NHTM, tăng tỷ lệ nắm giữ của BHXH, các công ty chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư. Nếu nhìn lại năm 2014, tỷ lệ nắm giữ TPCP của NHTM là 79,7% thì đến nay đã giảm xuống còn 51,1%; nếu so với Trung Quốc, Thái Lan thì còn thấp hơn (lần lượt là 68% và 60%). Đặc biệt từ năm 2018 đến nay, chúng tôi còn đẩy mạnh sự tham gia của BHXH mua bán trên thị trường TPCP theo nguyên tắc thị trường giống như một thành viên thị trường, làm cho thị trường ngày càng đa dạng hơn về hệ thống nhà đầu tư. 

 

Đồng thời, với chủ trương đa dạng hóa hệ thống các nhà đầu tư trên thị trường, Bộ Tài chính cũng đã tập trung xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý làm cơ sở cho việc hình thành và phát triển các nhà đầu tư dài hạn, tạo cầu bền vững cho thị trường, bao gồm: Quỹ hưu trí tự nguyện; quỹ bảo hiểm liên kết; khuyến khích hoạt động đầu tư vào trái phiếu của các công ty bảo hiểm, Bảo hiểm Tiền gửi, nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, có thể nhận xét rằng thị trường TPCP hiện nay không còn lệ thuộc vào các ngân hàng. 

 

Về việc ngân hàng mua TPCP, tôi khẳng định việc mua TPCP của các NHTM không ảnh hưởng đến đến hoạt động cho vay của các ngân hàng.

 

Bởi, NHTM nắm giữ TPCP với 2 mục tiêu, mua và nắm giữ trái phiếu để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn và sinh lời và mua để kinh doanh trái phiếu khi có nguồn vốn nhàn rỗi nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Việc nắm giữ TPCP của các NHTM vừa đáp ứng nhu cầu đảm bảo an toàn vốn trong kinh doanh vừa tối đa hoá hiệu quả sử dụng vốn nhàn rỗi trong phạm vi an toàn của NHNN. Bên cạnh đó, TPCP cũng là công cụ hỗ trợ để NHNN điều hành chính sách tiền tệ như thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, cho vay tái cấp vốn. 

 

Hơn nữa, tại thời điểm cuối năm 2017, tỷ lệ đầu tư TPCP chiếm 7,28% tổng tài sản hệ thống ngân hàng, chiếm tỷ trọng nhỏ trong khi dư nợ tín dụng chiếm 65% tổng tài sản (tương đương 130% GDP). 

 

Theo bà, nếu so với các nước trong khu vực thì thị trường TPCP Việt Nam đang đứng ở đâu?

 

Bà Phan Thị Thu Hiền: Mặc dù thị trường TPCP Việt Nam có sự phát triển nhanh trong thời gian qua, tuy nhiên, so với tiềm năng của nền kinh tế và các nước trong khu vực, quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn còn nhỏ. Tính đến thời điểm tháng 7/2018, dư nợ thị trường trái phiếu Việt Nam là 39,9% GDP năm 2017 trong đó dư nợ thị trường TPCP là 29,2% GDP năm 2017. Trong khi đó, tại thời điểm hiện tại, quy mô thị trường trái phiếu của Malaysia là 95% GDP (thị trường TPCP chiếm 49,7% GDP); Singapore là 81,1% GDP (thị trường TPCP chiếm 49,6% GDP), Thái Lan là 73% GDP (thị trường TPCP chiếm 53% GDP), Hàn Quốc là 124,6% GDP (thị trường TPCP chiếm 73,6% GDP), Trung Quốc là 68,8% GDP (thị trường TPCP chiếm 49,8% GDP).

 

Về thanh khoản của thị trường, tính chung 7 tháng đầu năm 2018, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 10,4  nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 15% so với bình quân năm 2017. So với các quốc gia trong khu vực, giá trị giao dịch trên thị trường thứ cấp TPCP Việt Nam tương đương với giá trị giao dịch bình quân phiên của Thái Lan (khoảng 550 triệu USD/phiên - tương đương 12,6 nghìn tỷ đồng/phiên); tuy nhiên vẫn thấp hơn một số quốc gia như: Hàn Quốc và Singapore (giá trị giao dịch bình quân vào khoảng 1,4 tỷ USD/phiên - tương đương khoảng 32 nghìn tỷ đồng/phiên).

 

Nguyên nhân chủ yếu của việc quy mô thị trường TPCP Việt Nam vẫn còn nhỏ so với một số các quốc gia trong khu vực như trên là do sự phát triển của nền kinh tế còn ở mức độ thấp nên nguồn vốn tiết kiệm dài hạn từ các công ty bảo hiểm, các quỹ hưu trí bắt buộc còn hạn chế, trong khi hệ thống các quỹ hưu trí tự nguyện đang bắt đầu hình thành. Hoạt động của nhà tạo lập thị trường chủ yếu tập trung trên thị trường sơ cấp, vai trò trên thị trường thứ cấp còn hạn chế. Hạ tầng kỹ thuật còn chưa theo kịp với tốc độ phát triển của thị trường thời gian qua.

 

Như bà đã đề cập, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhỏ so với kênh tín dụng ngân hàng và so với quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của các nước trong khu vực. Đâu là nguyên nhân của việc thị trường chưa trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn lớn cho nền kinh tế?

 

Bà Phan Thị Thu Hiền: Theo thống kê, tính đến thời điểm cuối năm 2017, dư nợ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tương đương 6,19% GDP, tăng so với quy mô của năm 2011 (3,31% GDP). Khối lượng phát hành bình quân giai đoạn 2011 - 2017 khoảng 49 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó khối lượng phát hành năm 2017 gấp hơn 10 lần so với năm 2011.
 
Mặc dù quy mô thị trường TPDN có sự tăng trưởng trong thời gian gần đây nhưng còn nhỏ so với quy mô của kênh tín dụng ngân hàng (tương đương 130% GDP). Dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam thấp hơn nhiều so với  mức bình quân khoảng 20%-50% GDP của các nước trong khu vực và chưa tương xứng với tiềm năng của nền kinh tế. Theo tôi, có một số nguyên nhân bao gồm cả yếu tố khách quan và chủ quan.

 

Trước tiên, xuất phát từ yếu tố lịch sử, hệ thống ngân hàng đã có quá trình phát triển khoảng gần 70 năm, trong khi đó thị trường TPDN thực sự bắt đầu hình thành từ năm 2000 trở lại đây. Đa phần các doanh nghiệp chưa nhận thức rõ ràng về thị trường vốn nên khi có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp sẽ nghĩ ngay đến kênh tín dụng ngân hàng.

 

Về cơ chế chính sách, chưa thực sự cân bằng giữa chính sách huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu và kênh tín dụng ngân hàng. Đối với chính sách phát hành TPDN, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện chặt chẽ và tuân thủ quy trình thủ tục theo chuẩn mực thị trường để đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư.

 

Về tổ chức phát hành, các doanh nghiệp có tâm lý e ngại khi huy động vốn trái phiếu, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nguyên nhân là do thói quen và nhận thức của doanh nghiệp, cùng với việc quy trình, thủ tục vay vốn ngân hàng đơn giản hơn, chi phí có thể thấp hơn và đặc biệt là không phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin đối với nhà đầu tư mua trái phiếu.

 

Về nhà đầu tư, cơ sở nhà đầu tư trên thị trường TPDN chưa đa dạng, thiếu vắng các nhà đầu tư dài hạn, các nhà đầu tư có tổ chức, các quỹ đầu tư mục tiêu, quỹ hưu trí nên nhu cầu đầu tư trên thị trường thiếu bền vững.

 

Về cơ sở hạ tầng, chưa có hệ thống thông tin tập trung về TPDN để các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận và chưa hình thành thị trường thứ cấp để tăng tính thanh khoản cho TPDN. Ngoài ra, sự thiếu vắng vai trò và hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã hạn chế việc tiếp cận kênh đánh giá để ra quyết định đầu tư của các nhà đầu tư TPDN.

 

Do đó, trong thời gian tới, cần giải pháp đồng bộ để thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, định hướng phát triển thị trường trái phiếu để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, từng bước giảm phụ thuộc vào ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu.

 

Huy Thắng

449 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 523
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 523
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77091047