Nhận diện, đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng - những vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay 

Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một trong những thủ đoạn tinh vi của nghĩa đế quốc và các phần tử phản động, là “xương sống” trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Bản chất của thủ đoạn này là tạo ra “khoảng trống” về tư tưởng, chính trị; sự “hoài nghi”, “xét lại” trong Nhân dân về vai trò lãnh đạo của Đảng, tiến tới chia rẽ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, loại bỏ Đảng trong đời sống chính trị của đất nước, xóa bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta đã và đang dày công xây đắp.

             Vì sao chủ nghĩa đế quốc tập trung tấn công xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng?

Thứ nhất, đối với Nhân dân, dân tộc Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam vô cùng thiêng liêng, trong sáng, cao đẹp. Đảng là “hiện thân” của chính nghĩa, đức hy sinh, Đảng là “đạo đức”, “văn minh”. Đảng sinh ra từ nhân dân, được nhân dân nuôi dưỡng, che chở, và không ngừng trưởng thành. Đảng chiến đấu vì mục tiêu cao đẹp: độc lập tự do của dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân. Đảng với dân như “cá với nước”. Đảng luôn luôn có vị trí vững chắc trong lòng Nhân dân và dân tộc. Vai trò lãnh đạo của Đảng đã được khẳng định và chứng minh qua thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng Nhân dân khỏi lầm than, nô lệ, cũng như lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước mà không một lực lượng chính trị nào khác ngoài Đảng có thể làm được hoặc làm thay.

Các thế lực thù địch thấy được điều này nên luôn tìm mọi cách hạ thấp vị thế, uy tín, vai trò của Đảng; làm xấu hình ảnh của Đảng trong Nhân dân, tạo sự “hoài nghi”, “xét lại”, làm nhân dân xa Đảng, bỏ Đảng. Một khi Đảng không còn được Nhân dân tin theo thì tự khắc đánh mất vai trò, sứ mệnh của mình.

Thứ hai, ở Việt Nam, Đảng là người lãnh đạo duy nhất đối với Nhà nước và xã hội. Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 khẳng đinh: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Marx - LeninTư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội[1]. Chống phá, xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng chính là tấn công vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của đất nước, là “con đường ngắn nhất”, “nhanh nhất” để tiến tới xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Thứ ba, qua thực tiễn hơn 93 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Đảng ta đã đào tạo, bồi dưỡng nên các thế hệ cán bộ, đảng viên, một lòng “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, tô thắm thêm truyền thống vẻ mang của Đảng. Tuy vậy, thời gian gần đây, trong Đảng xuất hiện “Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm[2]. Đây chính là vấn đề nhức nhối của Đảng ta, là “căn bệnh nguy hiểm”, thứ “giặc nội xâm” vô cùng nguy hại đối với sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước. Những tồn tại, hạn chế đó đã tạo “cơ hội” để các thế lực thù địch khai thác, tấn công vào Đảng, hạ thấp uy tín của Đảng trong quần chúng nhân dân.

          Nhận diện âm mưu, thủ đoạn tinh vi của các thế lực thù địch trong phủ nhận, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng

Để đạt được mục tiêu chống phá, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, các thế lực thù địch sử dụng nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt, trong đó có thể nhận diện một số thủ đoạn phổ biến như sau:

Thứ nhất, sử dụng chiêu bài “xét lại lịch sử”, cố tình ngụy tạo dẫn chứng, lập luận xuyên tạc, phủ nhận vai trò của Đảng trong tiến trình lịch sử dân tộc, như: cho rằng: “Cách mạng tháng Tám 1945 là cuộc cách mạng ăn may”, “Không có Đảng Cộng sản Việt Nam thì dân tộc ta không phải tiến hành cuộc chiến tranh lâu dài, đau thương, tổn hại xương máu”, “Nếu không giải phóng miền Nam, Sài Gòn sẽ phát triển như Hàn Quốc bây giờ”… Gần đây nhất, chúng đồng loạt tuyên truyền luận điệu “Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ khả năng lãnh đạo đất nước”.

Thứ hai, ra sức xuyên tạc, phủ nhận quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng. Trên các diễn đàn, mạng xã hội, các thế lực thù địch thỏa sức tuyên truyền luận điệu: Chủ nghĩa Mác - Lênin đã “lỗi thời”, “không còn phù hợp” với thực tiễn hiện nay. Chúng cho rằng, Đảng ban hành các văn kiện là thể hiện sự “chuyên quyền”, “độc đoán”.  Đồng thời, dùng những lý lẽ vô căn cứ, thiếu cơ sở khoa học để xuyên tạc, phủ nhận con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Xuyên tạc chủ trương của Đảng về vấn đề dân tộc, dân chủ, tôn giáo, nhân quyền… Thực chất của thủ đoạn này là tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo sự hoài nghi, khủng hoảng về chính trị tư tưởng, gây mất niềm tin trong quần chúng nhân dân vào mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Thứ ba, lợi dụng việc một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ cấp cao bị kỷ luật do vi phạm các nguyên tắc của Ðảng, các trang mạng phản động sản xuất số lượng lớn tin, bài tuyên truyền, dẫn dắt dư luận theo hướng “những cuộc thanh trừng nội bộ trong Đảng”, “tranh giành quyền lực”, “cuộc chiến phe cánh[3]… Chúng cố tình cắt ghép hình ảnh, biên tập lời bình, tán phát các thông tin thất thiệt, bịa đặt nhằm chia rẽ các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, đảng viên giữa các vùng, miền, địa phương; thổi phồng một số hạn chế, bất cập về mô hình tổng thể tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị chưa được hoàn thiện để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng.

Thứ tư, dưới vỏ bọc “đứng về phía nhân dân”, các thế lực thù địch lợi dụng những tiêu cực nảy sinh trong đời sống xã hội, để gây “nhiễu” dư luận, xuyên tạc bản chất của chế độ; hô hào, quy chụp nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực là do sự yếu kém của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo, ra sức kêu gọi cái gọi là “Đa nguyên chính trị”, “Đa đảng đối lập”, xây dựng mô hình “xã hội dân chủ” ở Việt Nam. Chúng cho rằng: “Chế độ một Đảng lãnh đạo, độc quyền là trái với nguyên tắc nhà nước pháp quyền”, “Hiến pháp của Việt Nam là không chính danh, chỉ là Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam độc tài, toàn trị”…

          Giải pháp đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng

Trước hết, về mặt nhận thức, quan điểm, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn kiên định lập trường tư tưởng, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Kiên định lập trường Đảng là lực lượng lãnh đạo duy nhất đối với đất nước và xã hội; là người mở đường và truyền cảm hứng cho khát vọng vươn lên của toàn dân tộc, tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Thấy được công lao to lớn của Đảng đối với dân tộc, đất nước và Nhân dân trong chặng đường hơn 93 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác[4]. Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta cũng có lúc mắc phải những hạn chế, khuyết điểm khó tránh khỏi, nhưng Đảng luôn nghiêm khắc “tự phê bình và phê bình”, thường xuyên “tự soi, tự sửa”, luôn tôn trọng, lắng nghe và tiếp thu ý kiến xây dựng của quần chúng nhân dân để tự hoàn thiện mình. Tuy vẫn còn “một bộ phận cán bộ, đảng viên” suy thoái, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và giảm sút niềm tin của Nhân dân nhưng đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, là “ung nhọt trong cơ thể” mà Đảng đã và đang kiên quyết, kiên trì, quyết tâm loại bỏ để làm trong sạch tổ chức.

 Thứ hai, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự trang bị cho mình kiến thức, hiểu biết để nhận diện rõ những âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá tinh vi của các thế lực thù địch. Đặc biệt, nâng cao trách nhiệm cá nhân khi tham gia mạng xã hội. Tuyệt đối không theo dõi, bình luận, tương tác vào các trang mạng phản động, không chia sẻ các thông tin xấu, độc, các thông tin “lề trái” dưới mọi hình thức. Thường xuyên kiểm tra, “dọn dẹp” tài khoản cá nhân, không để kẻ xấu lợi dụng để bình luận, tương tác các thông tin chống phá, vu khống, bịa đặt. Tích cực chia sẻ, lan tỏa các tin tốt, tích cực. Nghiên cứu, viết bài, chủ động đăng tải các bài viết phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; những bài viết mang “tính chiến đấu” cao, đập tan những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, kích động, thù địch, đi đôi với bảo vệ giá trị khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ Đảng, nhà nước và chế độ.

Thứ ba, nhận diện, kịp thời và kiên quyết đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn đòi đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam, có giải pháp xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân tuyên truyền, kích động, cổ xúy đòi đa nguyên, đa đảng. Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấy rõ hô hào đòi “đa nguyên, đa đảng” chính là đi ngược lại mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà nhân dân, dân tộc Việt Nam hướng đến; là một âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm, tinh vi trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, tiến tới phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước, xã hội. Từ đó, tích cực, chủ động đấu tranh với tinh thần:“Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, nhất là cấp chiến lược; tích cực đấu tranh, phản bác có hiệu quả quan điểm sai trái của các thế lực thù địch”[5]. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, Nhân dân ở khu dân cư nói riêng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân nói chung nhận thức, vạch trần các âm mưu, thủ đoạn chống phá để không bị kẻ xấu lợi dụng, kích động.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kịp thời sàng lọc, phát hiện và đưa ra khỏi Đảng những đảng viên thoái hóa, biến chất. Quán triệt phương châm “Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt”. Chú trọng xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Gắn công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bác Hồ từng căn dặn Đảng ta: “Đảng mạnh là do có nhiều chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”, bởi vậy, trong dây dựng, chỉnh đốn Đảng phải đặc biệt chú trọng việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, xem đây là “nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, liên tục”. Đặc biệt, kịp thời rà soát, sàng lọc đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không đủ tư cách, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh, góp phần củng cố, nâng cao vị thế, uy tín, niềm tin của Đảng trong quần chúng nhân dân.

Thứ năm, kiên trì, quyết tâm thực hiện hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng, chế độ. Nhất quán phương châm “Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc”, cùng với “chống” là “xây”, cùng với đấu tranh là ngăn chặn. Phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải thực hiện “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, tranh thủ sư đồng tình, ủng hộ của nhân dân, sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Mặt khác, xem đây là công việc đầy chông gai, khắc nghiệt; “tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, không được bằng lòng với những kết quả đã đạt được, mà phải kiên trì đẩy mạnh, tiếp tục làm với một quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới[6]. Thiết nghĩ, đánh bại thứ “giặc nội xâm” cực kỳ nguy hiễm này chính là sự phản bác đánh thép nhất đối với những luận điệu chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, các thế lực thù địch đã và đang điên cuồng tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng ta bằng những thủ đoạn vô cùng tình vi, xảo quyệt. Sự chống phá ngày càng đa dạng, tần suất lớn và mức độ “lây lan” chóng mặt trong điều kiện phát triển của internet và mạng xã hội. Nếu không kịp thời nhận diện, ngăn chặn, đấu tranh làm phá sản mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá sẽ ảnh hưởng khó lường đến vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Thiết nghĩ, các cấp ủy, tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cùng với nhận diện, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch phải quyết tâm, “hiến kế” xây dựng Đảng trong sạch vững manh, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của quần chúng nhân dân. Xem đây là việc làm cấp bách, thường xuyên; không chỉ là trách nhiệm mà còn là lương tâm, tình cảm thiêng liêng của những người Cộng sản chân chính./. Nguyễn Ngọc Tuấn

 

[1] Hiến Pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013, Điều 4.

[2] Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Nghị quyết số 26, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, ngày 19/5/2018 về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

[3] Cổng TTĐT Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: Trong Đảng Cộng sản Việt Nam không có “thanh trừng nội bộ”, số ra ngày 18/01/2023.

[4] Cổng TTĐT Quân đội nhân dân Việt Nam: Lời Bác dạy ngày này năm xưa, số ra ngày 21/8/2018.

[5] Cổng TTĐT Đảng ủy khối Cơ quan Trung ương: Không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với giai cấp và xã hội, số ra ngày 17/01/2018.

[6] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023.

 

751 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 440
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 440
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87884774