Xóm làng bất ngờ, thầy cô thất vọng, mẹ cha khóc ròng...
Về làng Bích La Đông, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) những ngày này, câu chuyện về thiếu niên Phạm Xuân Thái, kẻ cầm đầu băng nhóm lừa đảo hơn 10 tỷ đồng qua mạng xã hội vẫn còn là chủ đề được bàn tán ở khắp mọi nơi.
Sẽ rất lâu nữa người dân ở đây mới thấy lại hình ảnh cậu học trò, dáng người cao, gầy gò chạy chiếc xe đạp điện đến lớp.
“Nghe nó bị bắt vì lừa đảo, ai cũng bất ngờ. Nó hằng ngày trông ngoan hiền, ít nói, chỉ thấy ăn rồi học mà lại cầm đầu một băng lừa đảo đến 10 tỷ đồng thì không thể tưởng tượng nổi”, một người hàng xóm sống cạnh nhà Thái nói.
Ông Lê Cảnh Tân, công an viên làng Bích La Đông không giấu nổi sự bất ngờ, lắc đầu, đúng là không thể đánh giá người ta bằng vẻ bề ngoài.
“Hôm ấy, tôi đang đi đám thì nhận được thông báo của công an xã báo về phối hợp để công an ngoài Bắc vào khám nhà anh Lực (bố của Phạm Xuân Thái-PV). Nhà ai bị khám chứ nhà Lực bị khám vì phạm tội khiến tôi không khỏi sốc”, anh Tân nói.
Trò chuyện với PV về sự lầm đường lạc lối của con trai, chị Nguyễn Thị Bé (SN 1976), mẹ của Thái nước mắt không ngừng rơi.
|
Đối tượng Phạm Xuân Thái (bên trái, đang là học sinh giởi lớp 12)
|
“Vợ chồng đang đi xây lăng cho người ta ở ngoài huyện Vĩnh Linh thì nhận được điện thoại của cô Hiệu trưởng bảo nó (Thái –PV) bị công an về bắt mà chân tay rụng rời. Nhà có 4 đứa con, đứa chị đang học đại học ở Đà Nẵng. Vì hoàn cảnh nên vợ chồng tôi phải đi làm thợ nề ở xa, giao phó các con lại cho bà nội và chị chồng. Nhưng khó khăn đến mấy, vợ chồng tôi cũng cố gắng để con cái được ăn học đầy đủ, bằng bạn bằng bè. Dù làm ăn xa nhưng tối nào vợ chồng tôi cũng gọi điện hỏi thăm, động viên, đốc thúc các con học hành”, chị Bé nói trong nước mắt.
“Mấy ngày qua, tôi chẳng dám ra đường. Chỉ ngồi ở nhà, chẳng buồn ăn uống, một phần trách con dại dột nhưng cũng rất thương con. Cứ ngồi nghĩ về đứa con bồng bột mà nước mắt cứ chảy”, anh Phạm Văn Lực (SN 1974), bố của Phạm Xuân Thái giọng buồn chia sẻ.
Tìm về trường THPT TX. Quảng Trị, bạn bè, thầy cô từng dạy Thái ai cũng tiếc nuối cho cậu học trò ấy. Thông tin từ nhiều thầy cô, Thái học rất giỏi môn Toán và đặc biệt môn Vật lý. Giai đoạn này, học sinh khối 12 đang làm hồ sơ để thi tuyển Đại học, ý định của Thái ban đầu là thi vào trường quân sự nhưng do không đủ cân nặng nên chuyển hướng sang dự thi ngành liên quan đến kỹ thuật ô tô.
Khi hoài bão đang chớm nở thì bất ngờ chứng kiến cảnh Thái bị bắt khiến thầy cô, bè bạn không chỉ thất vọng mà còn tiếc nuối cho tương lai của cậu học trò nghèo học giỏi.
Tiếng chuông cảnh tỉnh
Như Tạp chí Đời sống & Pháp luật đã đưa, Công an tỉnh Bắc Ninh vừa phối hợp với cục Cảnh sát Hình sự (bộ Công an) bắt giữ được 3 đối tượng cuối cùng trong băng nhóm lừa đảo, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng qua mạng xã hội Facebook và tài khoản ngân hàng.
Trong đó, đối tượng cầm đầu là Phạm Xuân Thái; Lê Viết Quý (SN 1994, ở số 17 Nguyễn Trãi, KP 8, phường 1, TP. Đông Hà, Quảng Trị); Nguyễn Văn Điền (SN 1997, ở tổ 6, phường Hương Văn, TX.Hương Trà, Thừa Thiên - Huế).
Trước đó, ngày 14/5, phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh Bắc Ninh) phối hợp với phòng Trọng án (cục Cảnh sát Hình sự) và Công an các địa phương bắt giữ 4 người cũng nằm trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng xã hội Facebook và tài khoản ngân hàng này gồm: Cao Đăng Nhu (SN 1995, ở Trà Liên Tây, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, Quảng Trị); Lê Hữu Quý (SN 1993, ở khu Giáp Nhất, xã Hương Văn, TX. Hương Trà, Thừa Thiên- Huế) và 2 anh em ruột là Trịnh Hà Sơn Bình (SN 1986) cùng Trịnh Minh Vương (SN 1990, đều ở tổ 7, phường Tứ Hạ, TX. Hương Trà, Thừa Thiên - Huế).
Tại cơ quan công an, Phạm Xuân Thái bước đầu thừa nhận là kẻ đứng đầu đường dây lừa đảo. Thái thường xuyên lên mạng internet chơi game ăn tiền, học hỏi mánh khóe của bạn bè trên mạng để hack và chiếm quyền sử dụng tài khoản Facebook, sau đó yêu cầu Lê Viết Quý cung cấp tài khoản ngân hàng ảo để nhắn tin chiếm đoạt tiền của các nạn nhân.
Chia sẻ với báo chí, Đại tá Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh cho rằng, đây là ổ nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động liên tỉnh, kẻ cầm đầu đang ở độ tuổi vị thành niên và trong giai đoạn đến trường có am hiểu kiến thức về công nghệ thông tin.
Phương thức thủ đoạn rất tinh vi, chuyên nghiệp, gây khó khăn cho công tác điều tra. Địa bàn hoạt động trong không gian mạng internet trên phạm vi cả nước. Tổng số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn, tỉ lệ điều tra khám phá còn hạn chế, gây tâm lý hoang mang cho quần chúng nhân dân trong thời gian dài.
Qua chuyên án này, Đại tá Phạm Văn Lương nhấn mạnh các tổ chức, đoàn thể cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi thủ đoạn phạm tội của băng nhóm này nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của nhân dân. Bên cạnh đó, nhà trường và các bậc phụ huynh cần tăng cường các biện pháp quản lý, giáo dục con em đang độ tuổi đến trường để phòng ngừa, ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng của các hoạt động tội phạm. Các lực lượng chức năng đang tiếp tục mở rộng chuyên án điều tra làm rõ.
“Con dại cái mang. Hôm vợ chồng được báo tin con bị bắt liền chạy về nhưng không kịp gặp con vì đã bị các anh Công an đưa ra ngoài Bắc Ninh để điều tra. Trách nó nhiều nhưng cũng hơn 2 tháng chưa gặp nó nên rất thương và nhớ. Vợ chồng tôi đang làm đơn xin để gặp, thăm nó một lần. Gặp để nói nó tiền con chiếm đoạt để ở đâu thì gửi trả lại cho người ta, rồi thành khẩn khai báo mà nhận sự khoan hồng của pháp luật...”, anh Phạm Văn Lực mắt ngấn lệ, nhìn xa xăm chia sẻ. |
Lê Công Thành
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 4 (101)