NHÂN DÂN QUẢNG TRỊ ĐẤU TRANH ĐÒI ĐỊCH THI HÀNH HIỆP ĐỊNH PARI 

Gần tròn nửa thế kỷ về trước, ngày 27-1-1973, tại thủ đô Pari nước Cộng hòa Pháp “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết. Đây một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; mở ra giai đoạn mới tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tuy nhiên, vấn đề lớn đặt ra đối với chúng ta là liệu Mỹ và chính quyền Sài Gòn có nghiêm chỉnh thực hiện ngừng bắn, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, thành lập chính phủ liên hiệp như Hiệp định Pari đã ký hay không? Phía Mỹ có cam kết “không tiếp tục dính líu đến quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam” hay là vẫn ngoan cố tiếp tục can thiệp bằng những cách khác? Đây là những vấn đề đặc biệt quan trọng và có tính cấp thiết đặt ra đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, kể cả nhân dân Mỹ, đều mong muốn sớm chấm dứt cuộc chiến tranh lâu dài, đã gây ra nhiều đau khổ, tổn thất, hy sinh cho cả hai bên. Tuy nhiên, thực tế diễn ra không đúng như vậy. Tổng thống Mỹ Níchxơn tiếp tục khẳng định quan điểm của Mỹ là sẽ không ủng hộ cuộc Tổng tuyển cử tự do ở miền Nam Việt Nam và sẽ làm những gì có thể để bảo vệ cho sự tồn tại của chính quyền Sài Gòn.

Được Mỹ tăng cường và khuyến khích, chính quyền, quân đội Sài Gòn, ngay từ đầu đã ngang nhiên vi phạm những điều khoản của Hiệp định Pari, đẩy mạnh các hoạt động quân sự, nhằm cải thiện tình hình, mở rộng các vùng chiếm đóng. Tại Quảng Trị, đúng vào đêm ký kết Hiệp định Pari, ngày 27-1-1973, lợi dụng thời tiết xấu, thủy triều rút, quân đội Sài Gòn sử dụng 4 chi đoàn thiết giáp và 3 đại đội bộ binh luồn lách, bất ngờ tiến công vào các khu vực phòng ngự của Sư đoàn 320B. Phát hiện địch đột nhập, Trung đoàn 101 (đơn vị phòng ngự hướng chính) liên tục phản kích buộc địch phảo co cụm đội hình. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt. Mặc dù được tăng cường lực lượng nhưng các đợt phản kích của Trung đoàn 101 trên hướng tấn công chính không mang lại kết quả, không đẩy được địch ra khỏi trận địa. Trước tình hình đó, Tư lệnh Sư đoàn 320 B hạ quyết tâm tập trung mọi lực lượng, bố trí lại địa hình chiến đấu, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa các đơn vị nhằm đánh bật địch ra khỏi trận địa. Từ đêm ngày 29, ta dùng cả xung lực và hoả lực liên tục đánh vào địa hình đối phương, không cho chúng có thời gian củng cố; đồng thời, đưa lực lượng chủ lực vào triển khai chiếm lĩnh các vị trí đã định, hình thành thế bao vây, chia cắt, chặn đánh quân đối phương. Đối phương tiếp tục đưa lực lượng phía sau lên tăng cường cho các lực lượng phía trước nhưng đã bị Trung đoàn 64 của ta chặn đánh. Tàu chiến của đối phương áp vào khu vực gần bờ, chi viện hỏa lực, cũng bị hỏa lực bờ đối biển của ta đánh trả mãnh liệt; một chiếc bị bắn cháy, số còn lại buộc phải lùi ra xa. Đúng 6g30 ngày 31-1-1973, các đơn vị thuộc Sư đoàn 320B và các đơn vị tăng cường được hỏa lực pháo, cối chi viện đồng loạt nổ súng tiến công lần lượt tiêu diệt các cụm quân đối phương. Đến 10g30 phút cùng ngày, quân ta cơ bản khôi phục lại toàn bộ khu vực phòng ngự Cửa Việt, địch bị thiết hại nặng nề, những tên sống sót vội vàng tháo chạy thúc mạng về Long Quang. Ta đã tiêu diệt hơn 1500 tên địch, bắt sống 160 tên, bắn rơi 5 máy bay, bắn cháy 3 tàu chiến và phá huỷ 10 khẩu pháo lớn.

Chiến thắng Cửa Việt là đòn trừng trị trích đáng hành động lấn chiếm của địch, từng bước đánh bại kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” của Mỹ-Nguỵ. Với chiến thắng này, vùng giải phóng Quảng Trị được giữ vững, lòng tin của quần chúng nhân dân đối với cách mạng được củng cố.

Sau khi Hiệp định Pari có hiệu lực, tỉnh Quảng Trị hình thành 2 vùng. Vùng giải phóng chiếm 85% đất đai và 13 vạn dân và vùng tạm bị chiếm gồm địa bàn Hải Lăng, thị xã Quảng Trị và 5 xã phía Nam huyện Triệu Phong, chiếm 15 đất đai còn lại và hơn 17 vạn dân.

Với vị trí đặc điểm đó, trong giai đoạn mới, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị phải tiếp tục đấu tranh trong vùng địch tạm chiếm, xây dựng vùng giải phóng và căn cứ địa vững mạnh. Hai nhiệm vụ đó có mối quan hệ khăng khích, hỗ trợ nhau và cùng phục vụ mục đích chung là giải phóng phần đất, phần dân còn lại, góp phần cùng toàn miền và cả nước hoàn thành cuộc Cách mạng Dân tộc Dân chủ nhân dân.

Ở vùng tạm bị chiếm. Sau thất bại Cửa Việt, Mỹ-ngụy tập trung lực lượng phản kích xóa “thế da báo” ở vùng đồng bằng Triệu - Hải. Tại các khu vực chiếm đóng, Mỹ-ngụy nhanh chóng đưa lực lượng và phương tiện đến hình thành tuyến phòng ngự kiên cố theo địa hình cánh cung ôm lấy vùng kiểm soát của chúng. Chúng thực hiện phân tuyến, phân vùng, dàn mỏng, chốt dày, trước mạnh, sau cơ động nhanh, âm mưu xóa sạch cơ sở ta. Hệ thống phòng thủ của địch hình thành ba tuyến: bắc, tây và tây nam  nhằm ngăn chặn và đề phòng ta tấn công từ hướng bắc, hướng tây xuống đồng bằng Trị Thiên và thành phố Huế. Tuyến phía Bắc dài 60km từ Thạnh Hội (vùng biển Triệu Phong) quan Thành Cổ Quảng Trị đến động ông Do, cao điểm 367 (Hải Lăng).

Để phát động phong trào cách mạng trong vùng địch tạm chiếm, tháng 4-1973, Tỉnh ủy họp ra Nghị quyết với những nội dung quan trọng: Động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong tỉnh phát huy cao độ thắng lợi to lớn và oanh liệt vừa qua, dấy lên cao trào đấu tranh chính trị ở tất cả các vùng bị địch kiểm soát, với khẩu hiệu “Hòa bình, độc lập, dân chủ, cải thiện dân sinh, hòa hợp dân tộc”, đòi đối phương thi hành Hiệp định Pari, đẩy lùi và đánh  bại từng bước âm mưu thủ đoạn phát xít của địch; làm tan rã, sụp đổ ngụy quân, ngụy quyền, tiến lên chiếm lĩnh toàn bộ nông thôn, theo dõi sát tình hình thị xã Quảng Trị và chuẩn bị mọi mặt để hoạt động trong thời gian tới.

Trong lúc địch cho máy bay đánh phá, đưa bộ binh lấn dần lên mé rừng, ta chủ trương đưa cán bộ, chiến sĩ xuống các vùng đồng bằng móc nối, xây dựng cơ sở ở một số thôn thuộc các xã Hải Lộc, Hải Tân, Hải Hòa...; tiếp xúc với binh lính địch ở 22 chốt từ Khe Trái vào điểm cao 367, Mỹ Chánh; đưa một số bộ phận cán bộ vào hoạt động ở các khu tập trung dân trên đất Thừa Thiên, phát động nhân dân đấu tranh với địch, đòi về làng cũ, đòi được tự do đi lại làm ăn. Đến cuối năm 1973, đầu năm 1974, tuy địch kiểm soát gắt gao, các đội biệt động cùng với các cán bộ huyện, xã vẫn tiếp tục thay nhau bám cơ sở ở vùng sâu hoạt động nên đã móc nối được cơ sở ở 23/58 thôn, của 14/19 xã. Ở giáp ranh, lực lượng vũ trang của ta bắt đầu hoạt động nhỏ, lẻ, tiêu hao địch, hạn chế sự lùng sục của địch đóng ở các chốt, tạo thế đứng xen kẽ với địch, mở hành lang cho ta tiến sâu về đồng bằng.

Vùng giải phóng: Ngay sau ngày Hiệp định Pari có hiệu lực, khắp nơi trong tỉnh, nhất là các xã tiếp giáp với địch, cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được cắm dày đặc, xác lập chủ quyền lãnh thổ của nhân dân ta. Cán bộ, chiến sĩ và quần chúng cách mạng ở các vùng tiếp giáp với địch đã dùng loa kêu gọi, tiếp xúc trực tiếp với binh lính, sĩ quan ngụy trên tuyến tiếp giáp, ở các chốt, ở các “nhà hòa hợp”, hoặc tổ chức các đợt gặp gỡ đối phương để đón nhận những người con kiên cường, bất khuất bị kẻ thù giam cầm ở các nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc trở về. Bất kỳ ở đâu và làm việc gì, cán bộ, chiến sĩ và quần chúng yêu nước, cách mạng luôn tuyên truyền, phổ biến nội dung Hiệp định Pari, chính sách 10 điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đối với binh lính, sĩ quan quân đội Sài Gòn, nhất là nói rõ chính sách hòa hợp dân tộc, làm cho họ nhận rõ thắng lợi to lớn của cách mạng, thất bại thảm hại của đế quốc Mỹ, đồng thời, kêu gọi họ nghiêm chỉnh thực hiện Hiệp định Pari, khuyên họ tìm gặp cán bộ, bộ đội giải phóng để bàn việc hoà hợp, thực hiện hòa giải dân tộc.

Với bản chất ngoan cố, sau thất bại Cửa việt Mỹ - ngụy tập trung lực lượng lấn đất, xóa “thế da báo” ở đồng bằng Triệu - Hải và phía tây - bắc Hải Lăng; dùng pháo cối ở các căn cứ trên đất liền (Hải Lăng, Thừa Thiên - Huế) và ở Hạm đội 7 bắn vào vùng giải phóng. Chúng cho máy bay có người lái, không người lái vi phạm vùng trời của ta, tung bạc giả, rải truyền đơn mua chuộc, lừa bịp  nhân dân với luận điệu “Mỹ chưa thua”, “chiến tranh sẽ trở lại”… nhằm gây hoang mang, lo lắng trong một bộ phận nhân dân. Thừa cơ đó, bọn phản động nội địa lén lút treo cờ, xé ảnh lãnh tụ, xóa các khẩu hiệu cách mạng, cắt dây điện thoại của cơ quan, đơn vị quân đội đóng ở vùng giải phóng.

Trước tình hình đó, tháng 4-1973 Tỉnh ủy họp và đã đề ra nhiệm vụ: “Tích cực xây dựng lực lượng cách mạng, xây dựng vùng giải phóng vững mạnh về quân sự, chính trị, kinh tế, tiến bộ về văn hóa để đủ sức đập tan mọi âm mưu, hành động phá hoại, kể cả những vụ khiêu khích bằng quân sự của địch; chủ động ngăn ngừa chiến tranh trở lại, giữ vững hòa bình, độc lập, góp phần cùng toàn miền Nam đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên”.

Thực hiện nhiệm vụ, các Huyện ủy, Thị ủy động viên nhân dân khôi phục và phát triển kinh tế, chú trọng phát triển cây lương thực. Huyện ủy Bắc Hướng Hóa, Nam Hướng Hóa kiểm điểm tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; chú trọng phát triển nông nghiệp, giải quyết từng bước vấn đề lương thực, thực phẩm cho nhân dân và các lực lượng vũ trang đứng trên địa bàn.

Ngày 6-5-1973, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị vui mừng tham gia lễ khởi công xây dựng trụ sở Chính quyền Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ. 45 đoàn khách quốc tế, 109 đoàn khách Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước, báo chí trong và ngoài nước đã đến thăm Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và vùng giải phóng Quảng Trị, đặc biệt là đoàn đại biểu Đảng Cộng sản và Chính phủ cách mạng Cu Ba do đồng chí Phi đen Catxtrô dẫn đầu (tháng 9-1973), đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp do đồng chí Tổng Bí thư Gioócgio Mácse dẫn đầu đã đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam vào sáng ngày 14-11-1973 và ông Ybít alêô, Chủ tịch phong trào dân tộc tự trị Tây Nguyên, Phó chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã đến vùng giải phóng Quảng Trị.

Kết quả sau 2 năm phấn đấu, vùng giải phóng Quảng Trị có nhiều đổi thay. Cuộc sống của 13 vạn dân dần dần đi vào ổn định. Đó là những thuận lợi to lớn để nhân Quảng Trị tiến lên giành thắng lợi mới.

Góp phần cùng với cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Thắng lợi trên các chiến trường trong năm 1973, 1974, Bộ Chính Trị họp từ ngày 30-9 đến ngày 8-10-1974 khẳng định: mục đích của ta ký hiệp định Pari là giữ nguyên thế và lực của mình ở miền Nam, tiến lên tiếp tục tiến công địch. Quyết tâm của chúng ta là tiến lên dành thắng lợi hoàn toàn, chứ không bao giờ dừng lại.

Tháng 10-1974, Quân ủy Trung ương triệu tập Thường vụ khu ủy Trị - Thiên Huế. Phân tích tình hình trên các chiến trường miền Nam và ở Trị - Thiên, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cụ thể cho chiến trường Trị - Thiên Huế trong năm 1975 là: “Đánh bại cơ bản bình định của địch, tạo ra ở Trị - Thiên một tình thế mới có ý nghĩa quyết định để chuẩn bị giành thắng lợi trong năm 1975, giải phóng hoàn toàn Trị - Thiên”.

Từ ngày 16 đến ngày 21-12-1974, Tỉnh ủy họp, nghiên cứu Nghị quyết Bộ Chính trị và Nghị quyết của Khu uỷ Trị - Thiên Huế, ra Nghị quyết và nhấn mạnh: Quyết tâm phá vỡ từng mảng tuyến ngăn chặn, chia vùng của địch, giành và giữ dân, giải phóng đại bộ phận nông thôn đồng bằng còn bị địch kiểm soát. Để tăng cường chỉ đạo của Tỉnh ủy đối với vùng tạm bị chiếm, Hội nghị quyết định lập Đảng ủy chỉ đạo công tác vùng bị địch chiếm.

Triển khai Nghị quyết của Tỉnh ủy, từ 20-1 đến 20-2-1975, lực lượng vũ trang Quảng Trị đã đánh địch 35 trận lớn nhỏ, bằng các hình thức tập kích, phục kích, đánh mìn, bắn B40, B41. Từ ngày 5-3-1975, ta mở đợt hoạt động nhỏ phục kích trên trục đường quốc lộ I, tăng cường uy hiếp địch ở tuyến tiếp xúc. Cán bộ binh vận, chính trị tổ chức tiếp xúc với binh lính, sĩ quan ngụy, nhất là ở các chốt, các “nhà hòa hợp” trên tuyến tiếp giáp giữa ta và địch, tuyên truyền chính sách hòa hợp dân tộc, phân tích thế và lực của ta trên chiến trường, xây dựng niềm tin “ta nhất định thắng, địch nhất định thua”. Nhân dân Quảng Trị ở khu tập trung km 23 (quốc lộ I) và đồng bào ở Diên Sanh đã tiến hành các cuộc đấu tranh chống bắt lính, đòi bọn chỉ huy ở tiểu khu Quảng Trị phải giải quyết gạo và tiền phụ cấp đời sống đắt đỏ ở thị xã. Nhân dân các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô (Hướng Hóa) cùng với đông đảo nhân dân Hải Lăng (khoảng 5000 người) kéo lên quận lỵ đòi cứu đói, đòi được tự do đi lại, làm ăn sinh sống. Đồng bào các xã Hải Quy, Hải Phong nổi dậy biểu tình đả đảo Nguyễn Văn Thiệu.

Tình hình vùng tạm bị chiếm chuyển biến tích cực. Lực lượng cách mạng tại chỗ được tăng cường; các đợt hoạt động quân sự, chính trị, binh vận ở vùng giáp ranh Hải Lăng, trên “tuyến tiếp xúc” thu được kết qủa đáng phấn khởi. Địch đang bị động đối phó với phong trào nhân dân đấu tranh chống Thiệu, Kỳ ở đồng bằng và ngay cả trong các khu tập trung dân của chúng. Ở vùng giải phóng, lực lượng giao thông, thanh niên xung phong và công binh của tỉnh được huy động gấp rút mở mang, tu sửa tuyến đường vận chuyển cơ giới từ Cùa vào Ba Lòng, từ đồi 377 đến Vực Tròn (Hải Lăng) phục vụ việc chuyển quân, vũ khí, lương thực, đảm bảo hậu cần cho chiến dịch.

Đúng 0 giờ ngày 9-3-1975, tiểu đoàn 10 đặc công Quảng Trị tiến công tiêu diệt chi khu quân sự Mai Lãnh, gây tiếng vang lớn ở vùng đồng bằng Triệu - Hải, Phong - Quảng. Ngụy quân, ngụy quyền hoang mang, dao động.

Chớp thời cơ, quần chúng ở vùng đồng bằng Hải Lăng và 5 xã của Triệu Phong nằm trong vùng kìm kẹp của địch nổi dậy phá ấp chiến lược, tìm diệt ác ôn. Địch lúng túng, không phán đoán được ý đồ tiến công của quân ta ở đâu. Ngày 9-3-1975, địch phải rút bỏ 21 chốt ở phía tây Hải Lăng, huy động lực lượng đối phó với ta ở đồng bằng.

Trong thế thất bại, bị động, việc phòng thủ của địch bị xáo trộn mạnh. Dân chúng ở khu vực Quảng Trị được lệnh di tản vào các tỉnh phía Nam. Hệ thống loa phóng thanh ở Thành Cổ Quảng Trị không hoạt động. Ban đêm ở thị xã tỉnh lỵ Quảng Trị (Diên Sanh) và vùng phụ cận không có điện. Binh lính địch đóng chốt trên các địa bàn lo chuẩn bị đồ đạc, trang bị gọn nhẹ để có thể tháo chạy nhanh khi bị ta tiến công mạnh vào tuyến phòng ngự. Đến chiều ngày 19-3-1973, chúng cụm lại trên tuyến Mỹ Chánh - Thanh Hương, một số chạy thẳng vào thành phố Huế, gây rối loạn, làm bọn ngụy quân, ngụy quyền ở Huế hoang mang, hoảng sợ. Bọn chỉ huy phải ra lệnh cho lữ đoàn 147 lính thuỷ đánh bộ đóng ở khu vực bắc sông Bồ (tây Phong Điền) ra cầu An Lỗ ngăn chặn, bắt bọn lính đang tháo chạy phải quay trở lại Mỹ Chánh – thị xã Quảng Trị. Đúng 18 giờ 30 phút ngày 19-3-1975, tỉnh Quảng Trị hoàn toàn giải phóng.

Thắng lợi cuộc đấu tranh đòi địch thi hành Hiệp định Pari ở Quảng Trị là thắng lợi của tinh thần cách mạng tiến công, sử dụng bạo lực cách mạng với hai lực lượng chính trị, vũ trang và sự kết hợp chặt chẽ giữa hai hình thức đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, với ba mũi giáp công, kết hợp nông thôn với thành thị, phân hóa kẻ thù; đồng thời ra sức phát triển lực lượng chính trị, quân sự góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lợi trọn vẹn phương hướng chiến lược mà Bác Hồ kính yêu đã chỉ ra trong Thơ chúc Tết năm 1969: “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thu Hà

1166 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 559
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 559
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87235597