|
Căn nhà tránh lũ của bà Trương Thị Tình ở đội 2 Mai Xá, xã Gio Linh, huyện Gio Linh, Quảng Trị. Nguồn ảnh: NHCSXH
|
Đó là thực tế về tính hiệu quả của chương trình hỗ trợ hộ nghèo 14 tỉnh miền Trung xây nhà phòng tránh lụt bão vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp” theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Chính sách mang ý nghĩa tổng hợp về kinh tế - chính trị, xã hội, nhân văn
Tại “rốn lũ” Lệ Thủy, nơi bị ngập lụt nặng nhất cũng là nơi nước rút muộn nhất của Quảng Bình đã có rất nhiều gia đình lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất” do nhà cửa bị lũ làm hư hỏng, đổ sập... Nhưng trong hoàn cảnh khốn khó ấy, có hàng ngàn hộ gia đình vẫn an toàn, bảo vệ được tính mạng, tài sản, nhiều gia đình còn rộng cửa đón bà con lối xóm vào trú ngụ. Có được điều này là nhờ vào những ngôi nhà được xây cất từ Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg.
Và đúng như mục tiêu Chính phủ đặt ra, những ngôi nhà tránh lũ này một lần nữa bảo vệ tính mạng người nghèo và hơn thế là giúp họ có chỗ ở an toàn, góp phần giảm nghèo tránh tái nghèo vì thiên tai…
Tại Quảng Bình, gần 2.500 ngôi nhà vượt lũ đã vượt qua được trận lũ lịch sử. Điều đó cũng có nghĩa là ít nhất từng đó hộ dân sống an bình trong trận lũ lịch sử này.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Bình Trần Văn Tài cho biết kể từ khi triển khai Quyết định 48 đến nay, Chi nhánh đã chủ động tiếp cận, khuyến khích các hộ nghèo xây nhà chống lũ. Đến nay, Chi nhánh đã giải ngân cho vay được gần 68% số hộ theo đề án.
Còn tại Quảng Trị, những ngôi nhà tránh lũ cũng mang lại hiệu quả tương tự.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Trị cho biết Chi nhánh đã cho 1.439 hộ nghèo vay vốn xây nhà tránh lũ theo Quyết định số 48. Với những hộ gia đình chính sách không có trong đề án, Chi nhánh cũng đã tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ người dân xây sửa nhà mới để an cư lập nghiệp.
Nhận thức được đây là một chính sách có ý nghĩa tổng hợp về kinh tế - chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, được sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân ở khu vực miền Trung và kết quả thực hiện chính sách sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời có tác động tích cực đối với chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tổ chức và triển khai tích cực ngay từ ban đầu.
Với việc triển khai rộng và giám sát hiệu quả tại 14 tỉnh miền Trung, đến nay số hộ vay vốn xây nhà theo Quyết định 48 đang còn dư nợ là 13.148 khách hàng với tổng dư nợ 192,91 tỷ đồng. Trong đó, từ đầu năm 2020 đến 30/9/2020, các Chi nhánh NHCSXH đã giải ngân cho 453 hộ vay với doanh số 6,8 tỷ đồng.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 30/10, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết triển khai Quyết định số 48, các địa phương đã xây dựng được hàng nghìn ngôi nhà có cốt sàn trên mức đỉnh lũ nên người dân có thể cầm cự được từ 10-15 ngày. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT nghiên cứu để nhân rộng, phát triển thêm mô hình này, chủ yếu cần nguồn lực. Đây cũng là một giải pháp khả thi thực hiện được.
Để chính sách đi sâu vào đời sống hơn nữa
Trận lũ lụt vừa qua một lần nữa lại chứng minh tính hiệu quả của những căn nhà vượt lũ. Việc xây những căn nhà này không chỉ giúp các hộ nghèo kiên cố hóa nhà ở, yên tâm sản xuất, xây dựng cộng đồng an toàn, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới mà còn chủ động trong giảm nhẹ tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, thực tế khảo sát tại các địa bàn cho thấy, vẫn còn những “nút thắt” khiến NHCSXH chưa thể đẩy nhanh việc hỗ trợ xây nhà phòng, tránh lũ.
Đó là mức hỗ trợ của ngân sách cùng với mức cho vay của NHCSXH là 15 triệu đồng/hộ còn thấp so với nhu cầu vốn cần thiết để hoàn thành một ngôi nhà phòng, tránh bão, lũ, trong khi, khả năng huy động nguồn lực tự xây nhà ở của hộ nghèo còn hạn chế, hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước nên kết quả thực hiện theo kế hoạch còn chưa được như mong muốn.
Thậm chí ở một số địa phương, kể cả khi có thêm nguồn hỗ trợ 30 triệu đồng/căn nhà tránh lũ do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ, người dân vẫn không mặn mà. Vì vậy, vốn cho vay nhà tránh lũ còn nhưng việc giải ngân rất chậm. Thêm vào đó, một số hộ dân đã làm nhà, nhưng sai quy định nên UBND cấp xã không xác nhận tiến độ làm nhà nên không đủ điều kiện để NHCSXH giải ngân cho vay.
Ở góc độ địa phương, Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Bình Trần Văn Tài đề nghị Chính phủ và các bộ ngành nghiên cứu việc kéo dài chương trình này và nâng mức cho vay cũng như mức hỗ trợ ngân sách nhà nước, đồng thời xem xét việc mở rộng đối tượng hộ cận nghèo cũng có thể vay vốn chương trình này.
Về phía mình, NHCSXH đề nghị Chính phủ cấp vốn kịp thời cho NHCSXH để thực hiện cho vay đến các đối tượng thụ hưởng. UBND các cấp chỉ đạo việc rà soát, xét duyệt, xác nhận đối tượng thụ hưởng kịp thời, chính xác để NHCSXH có cơ sở triển khai cho vay theo đúng quy định và đúng thời gian.
Chính quyền cấp tỉnh, đặc biệt là cấp huyện, xã tăng cường kiểm tra giám sát để tiền hỗ trợ, tiền vay của ngân sách Nhà nước, tiền hỗ trợ của ngân sách địa phương, tiền đóng góp của cộng đồng đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Ngày 28/8/2014, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền miền Trung (gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận).
Mục tiêu của chương trình: Hỗ trợ các hộ nghèo có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp” để xây dựng được căn nhà tránh bão lũ.
Mức hỗ trợ: Từ ngân sách Trung ương 12-14-16 triệu đồng/hộ tùy theo đơn vị hành chính; vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 15 triệu đồng/hộ, lãi suất 3%/năm với thời hạn 10 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm.
Về tiêu chuẩn kỹ thuật: Nhà ở phòng tránh bão, lụt hoặc cải tạo, nâng tầng làm sàn phòng tránh bão, lụt phải bảo đảm có sàn vượt lũ cao hơn mức ngập lụt cao nhất tại vị trí xây dựng. Diện tích sàn sử dụng ít nhất 10 m2. Các kết cấu chính (móng, khung, sàn, mái) xây dựng kiên cố, móng bê-tông cốt thép, gạch/đá; cột, tường làm bằng bê-tông cốt thép, gạch/đá, sắt/thép/gỗ bền chắc; sàn làm bằng bê tông cốt thép/gỗ bền chắc. Nhà trong vùng ngập lụt, đồng thời bị ảnh hưởng của bão, mái làm bằng bê tông cốt thép hoặc vật liệu lợp có chất lượng tốt bảo đảm khả năng phòng, tránh bão.
|
Thanh Xuân