Nhà ở xã hội: Để cung “đuổi kịp” cầu 

(ĐCSVN) - Nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021-2030 vào khoảng 2.400.000 căn. Để cung “đuổi kịp” cầu cần có nhiều giải pháp để đẩy nhanh phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân...

 

Nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021-2030 vào khoảng 2.400.000 căn. 

 Ðảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách phát triển nhà ở cho các đối tượng, đặc biệt là chính sách phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân, người lao động tại khu công nghiệp với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị - kinh tế.

Theo báo cáo Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội, bao gồm cả nhà thu nhập thấp và nhà công nhân có quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2. Tính riêng năm 2021, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 17 dự án, quy mô xây dựng khoảng 27.800 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 1.390.000 m2.

Giai đoạn 2021 - 2023, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 411.250 căn. Cả nước hiện đã quy hoạch 1.316 khu đất với quy mô 8.611ha làm nhà ở xã hội, tăng 5.252ha so với năm 2020.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, việc phát triển nhà ở xã hội nhìn chung vẫn triển khai chậm, hiệu quả chưa cao, chưa đạt yêu cầu đề ra. Cụ thể, nhiều địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay. Một số địa phương trọng điểm dù có nhu cầu rất lớn nhưng việc đầu tư còn hạn chế, chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp.

Đáng chú ý, một số nơi chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm. Chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp. Hầu hết các địa phương chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí quỹ đất làm dự án nhà ở xã hội độc lập.

Chưa hết, một số địa phương có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong giai đoạn vừa qua nhưng lại chưa được tạo điều kiện trong việc lựa chọn chủ đầu tư để triển khai. Một số dự án đã khởi công nhưng doanh nghiệp không triển khai thi công hoặc thi công chậm tiến độ. Một số dự án đã đủ điều kiện vay vốn ưu đãi nhưng chưa được UBND cấp tỉnh rà soát để công bố danh mục được vay vốn ưu đãi.

Nguyên nhân của những tình trạng nêu trên được cho là do một số vướng mắc khi triển khai các quy định của pháp luật. Điển hình như thủ tục đầu tư xây dựng, mua, bán còn phức tạp và kéo dài, còn nhiều bất cập trong việc xác định giá bán. Nguồn vốn ngân sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội còn khó khăn, quỹ đất còn thiếu và bố trí chưa phù hợp, cơ chế ưu đãi thiếu hợp lý, chưa hài hòa lợi ích. Các chính sách ưu đãi cũng chưa đủ hấp dẫn, có nội dung chưa thực chất nên không thu hút, khuyến khích các chủ đầu tư tham gia. Thủ tục hành chính còn rườm rà, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư...

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác là chưa có quy định cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, trong khi những đối tượng này có nhu cầu thuê cho người lao động...

Xác định vai trò quan trọng của việc phát triển nhà ở xã hội, ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội”. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung thực tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về thủ tục đầu tư, miễn tiền sử dụng đất, quy hoạch, dành quỹ đất, phát triển nhà ở lưu trú công nhân; tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao xem xét hạ mức lãi suất cho vay gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP. Cùng với đó, các địa phương khẩn trương thực hiện công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương; quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội; đề xuất nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội....

Để đẩy nhanh phát triển nhà ở xã hội, trung tuần tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Phát biểu tại đây, Thủ tướng nêu rõ, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vừa là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội, vừa là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhà ở là một trong 3 trụ cột của an sinh xã hội, “an cư mới lạc nghiệp”, công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.

Thủ tướng yêu cầu cần làm rõ cơ chế, chính sách đã đúng, trúng chưa? Nếu cơ chế, chính sách đã đúng, trúng rồi mà chưa làm được thì nguyên nhân chủ quan, khách quan do đâu, cách tháo gỡ thế nào, mỗi chủ thể phải làm gì? Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Điều nữa là khi tổ chức thực hiện phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong vận dụng cơ chế, chính sách pháp luật. Cần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền để giảm thời gian, chi phí thực hiện. Cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc. Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp cùng làm, "góp gió thành bão", "trong tôi có anh, trong anh có tôi", đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động”.

Hiện Bộ Xây dựng đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo Nghị định quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Thông tư hướng dẫn. Dự kiến cơ quan này sẽ trình Chính phủ trong quý II/2024.

Có thể nói, để triển khai nhanh chóng việc xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 thì còn rất nhiều việc phải làm, trong đó cần có biện pháp cụ thể để giải quyết một số "trở lực" chính khiến việc phát triển nhà ở xã hội gặp “khó” như thiếu quỹ đất, nguồn vốn tín dụng từ ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, thủ tục xây dựng còn chưa đồng bộ và thời gian thực hiện kéo dài. Đồng thời tăng ưu đãi hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và các chính sách riêng về nhà ở lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, nhà ở cho lực lượng vũ trang.

Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng cần đẩy nhanh công tác phối hợp với các bộ, ngành liên quan để góp ý xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đồng thời sửa đổi pháp luật về thuế để đồng bộ với Luật Nhà ở (sửa đổi) về các cơ chế chính sách nhà ở xã hội…/.

 
Nam Khánh
138 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1245
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1245
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87172035