NHÀ MÁY TINH BỘT SẮN HƯỚNG HOÁ GẮN KẾT VỚI NHÀ NÔNG Ở VÙNG SÂU, VÙNG XA 

Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hoá là đơn vị thành viên thuộc Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị, Nhà máy được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 3 năm 2004. Khi mới thành lập, có thể nói xuất phát điểm là bằng không vì đây là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, hầu hết người dân đều ở trong diện hộ nghèo, là đồng bào dân tộc thiểu số nằm phía Nam huyện Hướng Hoá, giáp biên giới với nước bạn Lào. Trước thực trạng đó, sau khi tìm hiểu các đặc điểm của vùng Lìa, cùng với việc nghiên cứu thị trường, Nhà máy đã tìm ra được lời giải cho bài toán khó khăn ở vùng Lìa, đó là liên kết với các hộ dân để xây dựng vùng nguyên liệu sắn. Bởi vì cây sắn đã được người dân ở đây trồng từ lâu đời, loại cây dễ trồng và dễ chăm sóc, rất thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng Lìa.

Ban đầu, Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hoá đã tổ chức vận động tuyên truyền nông dân trồng sắn, làm cho người dân thấy rõ lợi ích của việc trồng sắn và triển khai thực hiện Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông). Nhà máy đã cam kết bao tiêu sản phẩm làm ra cho bà con với giá có lãi thông qua hợp đồng, đồng thời, cung cấp phân bón, cây giống, kỹ thuật trồng cho người dân, từng bước xây dựng mối quan hệ cùng tồn tại và phát triển giữa Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hoá với người dân vùng Lìa.

Từ mô hình liên kết, với kết quả bước đầu, diện tích và sản lượng sắn ở vùng Lìa tăng lên nhanh chóng qua từng năm. Năm 2004, toàn vùng có 300 ha sắn đến nay đã tăng trên 5.000 ha; sản lượng thu được năm 2006 là 36.374 tấn nguyên liệu, đến nay là 150.000 tấn, doanh thu đạt trên 300 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 30 tỷ đồng. Với một cơ sở sản xuất lúc đầu chỉ có 01 dây chuyền với công suất 50 tấn sản phẩm/ngày đêm, nhưng qua nhiều lần mở rộng, cải tiến, đến nay Nhà máy đã tăng công suất lên 4 lần với 200 tấn sản phẩm/ngày đêm (tương đương 700 tấn sắn tươi), đảm bảo đời sống việc làm cho 170 lao động, thu nhập bình quân hàng năm đạt 10 triệu đồng/tháng. Điều quan trọng trên hết, đó là đã khơi dậy được những tiềm năng nơi đây, thu hút trên 5.000 lao động tại địa phương. Mỗi năm, người dân vùng Lìa thu về trên 150 tỷ đồng từ việc bán sắn. Đến vùng Lìa hôm nay, việc tìm ra triệu phú không khó, bởi đã có nhiều triệu phú từ trồng sắn. Nhà máy đã cho ra mắt câu lạc bộ thu nhập trên 100 triệu đồng đối với người trồng sắn và đã có gần 100 hộ tham gia câu lạc bộ này. Nhà máy cũng đã tổ chức cho người sản xuất giỏi đi tham quan học tập ở Thái Lan.

 Như vậy, mục tiêu của Nhà máy đã trở thành hiện thực: giúp người dân trồng sắn tại khu vực vùng nguyên liệu trọng điểm thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ mảnh đất của mình, đồng thời, phối hợp với tổ chức phát triển Hà Lan (SNV), các cơ quan chức năng giúp người dân học tập kỹ thuật trồng sắn, kỹ thuật thâm canh, hay những giải pháp chóng xói mòn, bạc màu đất, góp phần thay đổi tập quán canh tác của người dân, hỗ trợ phân bón, cung cấp giống sắn sạch, giải quyết dứt điểm vấn đề môi trường.

Nhờ làm giàu từ cây sắn mà đời sống văn hoá tinh thần của Nhân dân vùng Lìa ngày càng được nâng lên rõ rệt. Từ chỗ không có tài sản gì đáng giá, nay hiều nhà mua được ti vi, xe máy, điện thoại, vi tính nối mạng internet. Con em đồng bào được học hành tử tế, trình độ dân trí được nâng cao, các tệ nạn xã hội đã giảm. Cơ sở hạ tầng vùng Lìa được cải thiện, nhiều con đường mới được bê tông hoá, đường dây điện đã về đến tận thôn, nhà nào cũng có điện thắp sáng. Trường học, trạm xá được xây dựng khang trang.

Thấy rõ hiệu quả của việc liên kết giữa Nhà máy với các hộ dân vùng Lìa trong lợi ích xây dựng vùng nguyên liệu sắn, nhiều hộ dân trong tỉnh và cả một số nông dân ở nước bạn Đông Timo đã đến vùng Lìa để học trồng sắn.

Để duy trì và phát triển bền vững mô hình liên kết này, trong thời gian tới Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hoá và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân nơi đây về xây dựng ổn định vùng nguyên liệu sắn.

Đối với những hộ tham gia trồng sắn lần đầu, Nhà máy cần hỗ trợ đầu tư ban đầu như: làm đất, phân bón, kinh phí thuê nhân công... Hộ có nhu cầu vay vốn thì các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được vay và phối hợp với Nhà máy để thu hồi vốn từ tiền bán sắn. Về phía chính quyền địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất để Nhà máy hợp tác với các nhà khoa học nghiên cứu đưa ra các giải pháp tăng sản lượng, chất lượng và giảm giá thành nhờ ứng dụng kỹ thuật canh tác công nghệ cao. Sử dụng nhiều hình thức tập huấn để hướng dẫn kỹ thuật trồng sắn cho nông dân như: tập huấn tại rẫy, đào tạo kỹ thuật cho các nhóm trưởng, phó thôn bản. Phối hợp với nhà trường dạy kỹ thuật trồng sắn cho học sinh vào các buổi ngoại khóa vì đa số các em sau khi đi học về đều lên nương giúp gia đình.

Với những thành công đó, Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hoá đã khẳng định được vị trí chủ đạo gắn kết với nhà nông, sự vững chắc lâu dài của doanh nghiệp tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hi vọng rằng, trong thời gian tới, Nhà máy giữ vững và phát huy hơn nữa những thành quả của mình vào xây dựng nông thôn mới ở các xã miền núi phía Tây Quảng Trị./. Nguyễn Quốc Thanh

 

1018 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 684
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 685
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76696348