Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: Thủ trưởng tài đức và giản dị của chúng tôi 

(Chinhphu.vn) - Ngày 1/10/2018, một trái tim nhân hậu đã ngừng đập sau 101 năm hoạt động sôi nổi, cần mẫn: Trái tim đồng chí Đỗ Mười. Đối với ông Trần Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, cố vấn bậc 2 của Văn phòng Chính phủ (VPCP), thì những hình ảnh về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười - một nhà lãnh đạo xuất sắc, trí tuệ, đầy bản lĩnh, một nhân cách lớn và nghĩa tình vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí ông.
Ông Trần Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, cố vấn bậc 2 của VPCP lật giở những tài liệu liên quan đến nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ảnh: VGP/Hoàng Anh

Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã gặp gỡ và ghi lại những câu chuyện của nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp VPCP Trần Hà, người có nhiều năm gắn bó với nguyên Tổng Bí thư trên cả phương diện công việc và cuộc sống.

Ông Trần Hà ra Bắc tập kết vào tháng 5/1955, được phân công về Bộ Nội thương, sau đó được điều về Phủ Thủ tướng, lúc ấy nhiệm vụ của ông là phục vụ các phiên họp thường vụ Chính phủ và trực tiếp chuẩn bị tài liệu cho những cuộc họp mà Thủ tướng triệu tập.

Gần 40 năm là khoảng thời gian ông Trần Hà may mắn được làm việc gần nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười khi nguyên Tổng Bí thư trải qua nhiều cương vị công tác từ lúc giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội thương rồi đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và sau là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Hăng say công việc, sâu sát thực tế

Trong ký ức của ông Trần Hà in đậm hình ảnh nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn làm việc hăng say quên mình, có lúc quên cả giờ giấc lẫn ngày nghỉ. Trong những ngày chủ nhật, hoặc ngày nghỉ lễ, nếu không làm việc ở cơ quan, đồng chí Đỗ Mười thường đi xuống các địa phương, các công trường trọng điểm quốc gia.

Ông Trần Hà còn nhớ, nhiều lần, đồng chí Đỗ Mười sang phòng ông Hà để nhắc nhở, dặn dò một số công việc. Có hôm đã quá 12h trưa mà đồng chí Đỗ Mười vẫn còn say sưa bàn bạc, trao đổi công việc. Để giữ gìn sức khỏe cho đồng chí Đỗ Mười, ông Hà đành báo cáo: "Bác Tô dặn tôi phải bảo đảm sức khỏe cho anh". Nghe ông Hà báo cáo thế, ông Đỗ Mười mới đồng ý ra về.

Ông Hà nhớ lại, trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ, ngày đêm đồng chí Đỗ Mười (lúc bấy giờ đang là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) đã tập trung chỉ đạo việc tiếp viện cho chiến trường miền Nam về các mặt hậu cần, nhất là phương tiện xăng dầu…

“Tại cuộc họp do đồng chí Đỗ Mười chủ trì về việc tiếp viện xăng dầu cho chiến trường miền Nam đang căng thẳng, đã quá 11h đêm, đồng chí bảo tôi gọi điện thoại cho Đại sứ nước ta ở Liên Xô để đồng chí nói chuyện về việc cung cấp xăng dầu. Thực hiện ngay chỉ thị của đồng chí, tôi gọi điện sang Đại sứ quán ta ở Liên Xô. Đại sứ đi vắng, may gặp được Phó Đại sứ, tôi mời đồng chí Đỗ Mười nói chuyện. Tôi mừng là đã hoàn thành được nhiệm vụ tuy nhỏ nhưng không dễ dàng”, ông Hà kể.

Theo ông Trần Hà, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là người có công lớn trong việc phát triển ngành xây dựng và công nghiệp, ngay từ những buổi ban đầu. Thời còn làm ở Chính phủ, đồng chí Đỗ Mười luôn tập trung trí tuệ, thời gian, thường xuyên đi sâu đi sát, kiểm tra, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn tại chỗ từ công trình thủy điện Hoà Bình ở miền Bắc, công trình thủy lợi Thạch Nham - Quảng Ngãi ở miền Trung đến công trình dầu khí Vũng Tàu - Nam Bộ, đặc biệt là công trình xây dựng Lăng Bác Hồ và Bảo tàng Hồ Chí Minh…

Không những thế, đồng chí Đỗ Mười thường xuyên quan tâm đến các địa phương, nhất là những địa phương xa xôi ở miền Nam.

Một kỷ niệm không bao giờ quên đối với ông Hà là vào khoảng năm 1977-1978, lãnh đạo một số huyện của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng ra Hà Nội. Hôm đó, đoàn cán bộ huyện Tam Kỳ trực tiếp đến Văn phòng Chính phủ xin được gặp đồng chí Đỗ Mười để báo cáo cũng như xin vật tư về phục vụ nông nghiệp.

Là người con của quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng, ông Hà rất lo lắng và sốt sắng tìm cách giúp đỡ. Ông Hà nghĩ rằng, xin gặp đồng chí Đỗ Mười vào ban ngày sẽ rất khó vì lịch làm việc đã kín hết nên đã nhờ thư ký báo cáo đồng chí Đỗ Mười cho phép các lãnh đạo huyện được gặp ngoài giờ. Đồng chí Đỗ Mười đồng ý.

Sau khi nghe các lãnh đạo ở huyện báo cáo tình hình, đồng chí Đỗ Mười thân tình nói: "Các chú ở xa Trung ương, là tỉnh bị thiệt hại trong chiến tranh do giặc Mỹ gây ra rất nặng nề, các chú ra đây là các chú biết lo cho dân. Theo thủ tục hành chính thì huyện phải qua tỉnh, nhưng vì bức bách quá, các chú đã ra đây rồi, thì tôi sẽ giải quyết một số vấn đề mà huyện đề nghị, nhưng nhớ lần sau có đề nghị gì phải qua Ủy ban nhân dân tỉnh".

Sau khi giải quyết xong cho huyện Tam Kỳ, đồng chí Đỗ Mười còn nói riêng với ông Hà: "Quảng Nam là mảnh đất cách mạng, trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ. Trong thực tế huyện có khó khăn mới phải ra Trung ương, Chính phủ, chú nhớ chú ý giúp đỡ một số huyện khác có khó khăn, các tỉnh Khu 5 đều là anh hùng cần giúp đỡ cho công bằng".

Ông Hà nhớ rõ từng lời nói, hành động của đồng chí Đỗ Mười lúc bấy giờ bởi nó đã in dấu sâu đậm trong lòng ông hình ảnh về một người lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ luôn chí tình, chí nghĩa.

Một phong cách giản dị, nghĩa tình

Say mê, sâu sát với công việc như thế, cuộc sống thường ngày của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng là một tấm gương sáng về sự giản dị, gần gũi.

Ông Trần Hà kể, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là người ham đọc sách, nhất là những sách có giá trị tham khảo về hoạch định đường lối, chính sách và quản lý Nhà nước. Cứ đến mỗi phiên họp Hội đồng Chính phủ, đồng chí Đỗ Mười lại giới thiệu một cuốn sách mới cho mọi người về đọc. Ngay cả khi tuổi đã cao, nhiều lần đến thăm nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tại nhà riêng, ông Hà bắt gặp hình ảnh một ông lão 80, 90 tuổi giơ kính lúp ra đọc sách báo.

Ngôi nhà đồng chí Đỗ Mười sống từ trước đến nay trên phố Phạm Đình Hổ vốn chật hẹp và mỗi khi mưa to thì nước ngập tận cửa nhà. Nhiều lần cơ quan báo cáo xin đồng chí Đỗ Mười bố trí đổi chỗ ở khác thuận tiện hơn, nhưng đều bị từ chối.

Có lần Cục Quản trị nhờ ông Hà báo cáo mời đồng chí Đỗ Mười đến xem một căn nhà lớn hơn trên phố Nguyễn Du đang còn để trống. Mời mãi đồng chí Đỗ Mười mới đồng ý đi xem nhưng xem xong đồng chí nói ngay: "Căn nhà này to quá nên dành bố trí cho đồng chí khác có nhu cầu ở, còn tôi ở chỗ cũ là được rồi", ông Hà nhớ lại.

Tiếp nối câu chuyện bị lãnh đạo “từ chối”, ông Hà kể, mùa hè năm ấy nhiệt độ cao, trời nóng, đồng chí Đỗ Mười thường xuyên làm việc ban đêm, nên lãnh đạo cơ quan xin phép được lắp máy điều hòa nhiệt độ tại nhà đồng chí. Ngay lập tức đồng chí Đỗ Mười không đồng ý và nói: "Nên dành cho công sở và những cán bộ lãnh đạo có tuổi, tôi còn khỏe mạnh, không có vấn đề gì".

Câu chuyện về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cứ thế được kể lại với lòng ngưỡng mộ và sự tiếc thương như không thể dứt…

Khi đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, trước khi sang công tác cơ quan Trung ương Đảng, đồng chí còn ân cần dặn dò nhắc nhở cán bộ VPCP: "VPCP là cơ quan tham mưu giúp việc, phục vụ trực tiếp của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đảng viên, cán bộ phải luôn luôn tu dưỡng về đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ trí tuệ và bản lĩnh, đổi mới phong cách làm việc để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình".

“Chúng tôi mãi mãi biết ơn về tình cảm sâu đậm của đồng chí Đỗ Mười, người Thủ trưởng tài đức và giản dị của chúng tôi”, ông Trần Hà nghẹn ngào…

Hoàng Anh

441 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 845
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 845
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87027130