Tuyến đê bao ven sông vùng trũng Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị dài 56km với chức năng ngăn lũ tiểu mãn và lũ sớm, bảo vệ hơn 4000ha lúa và nuôi trồng thủy sản thuộc 12 xã vùng trũng của huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Sau hơn 8 đưa năm sử dụng, tuyến đê bao bị xói lở nghiêm trọng.
|
Địa phương huy động người dân đóng cọc tre bảo vệ đê nhưng sau mỗi cơn lũ lại bị sạt lở. |
Sau cơn bão số 10 vừa qua, tuyến đê bao ngăn lũ dọc sông Mai Lĩnh thuộc xã Hải Thành, huyện Hải Lăng tiếp tục sạt lở một đoạn dài hơn nửa cây số. Một số điểm, nước lũ xói lở vào tận chân đê, tạo thành hàm ếch.
Mái taluy dương dọc đê được lát bằng tấm bê tông bị nứt và tuột xuống lòng sông.
Chính quyền địa phương phải huy động lực lượng cùng người dân dùng cọc tre, tấm tôn, thả bao tải đựng cát bảo vệ chân đê.
Ông Nguyễn Văn Tạo ở xã Hải Thành lo lắng, đợt lũ mới đây, toàn bộ bao tải cát hộ đê đã bị dòng nước cuốn phăng.
|
Tuyến đê bao dài 56 km ở vùng trũng Hải Lăng có nguy cơ bị xóa sổ. |
Địa hình 12 xã vùng trũng của huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị thấp hơn mực nước biển từ nửa mét đến gần 1m. Vào mùa mưa lũ, nước ngập kéo dài, ảnh hưởng lịch gieo sạ.
Vụ hè thu thường xuyên ngập úng, hư hại, cá tôm nuôi bị cuốn trôi do lũ tiểu mãn đổ về.
Từ ngày có tuyến đê bao ven sông đã ngăn được lũ, bảo vệ vùng sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản của nông dân. Thế nhưng, người dân và chính quyền địa phương các xã vùng trũng Hải Lăng cho rằng, chính tuyến đê bao này đã ngăn dòng lũ không kịp thoát, tạo áp lực dòng chảy mạnh, phá vỡ bờ sông ngày càng mạnh.
|
Nhiều đoạn đê bao bị nước lũ xói hỏng chân tạo thành hàm ếch rất nguy hiểm. |
Ông Hoàng Xuân Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh cho biết, nhiều đoạn đê gấp khúc, uốn cong lại quá sát bờ sông dễ xói lở. Đã vậy, việc mở và thiết kế các cửa xả, tiêu úng có nhiều điểm bất hợp lý.
Đơn cử như cống xả ở vùng chống lũ và tiêu úng cho đồng ruộng 3 xã Hải Thành, Hải Thọ và Hải Thiện thiết kế 3 cửa và dùng ván để ngăn.
Mỗi lần đóng mở cửa phải huy động lực lượng khiêng hàng chục tấm ván từ trong kho ra, mất nhiều thời gian và không đảm bảo an toàn khi lũ về.
|
Hệ thống cửa xả ở vùng càng (Cống Càng) trên tuyến đê bao
thuộc xã Hải Thành thiết kế 3 cửa xả, dùng ván ngăn. |
Ông Hoàng Xuân Hùng lo ngại nếu không có phương pháp hiệu quả, nguy cơ cao tuyến đê này sẽ không còn nữa.
Hiện nay, trong số 56 km đê bao vùng trũng Hải Lăng đã có 12 km đê bị xói lở. Nhiều đoạn sạt lở nặng vào thân đê, nguy cơ bị vỡ, cần có phương án bảo vệ khẩn cấp. Chính quyền địa phương một số xã gia cố tạm bằng rọ đá bọc thép, đóng cọc tre hộ đê nhưng sau mỗi cơn lũ lại bị cuốn trôi.
Ông Lê Đa Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Trị cho biết, hầu hết các con sông ở vùng trũng Hải Lăng ngắn và dốc, nhiều đoạn quanh co, tình trạng bồi lắng và thay đổi dòng chảy ngày càng mạnh khiến bờ sông bị xói lở nặng.
Theo ông Lê Đa Sơn, ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã xây dựng đề án tổng thể khắc phục tình trạng sạt lở, trong đó có tính đến việc nạo vét bãi bồi, thông luồng tạo dòng để đảm bảo tiêu úng thoát lũ: "Cần sớm đầu tư xây dựng dự án nạo nét toàn bộ hệ thống sông ở vùng này để vừa thoát lũ, vừa tiêu úng, đồng thời chỉnh trị lại dòng chảy từng con sông, đưa dòng chảy về vị trí giữa dòng để tránh sạt lở gần bờ".
Hệ thống đê bao vùng trũng Hải Lăng là công trình đa mục đích nhằm ngăn lũ, tiêu úng, bảo vệ vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh Quảng Trị.
Đây còn là tuyến giao thông liên xã, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản.
Người dân vùng trũng Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị lo ngại, với tốc độ xói lở ngày càng nhanh nếu không được xử lý dứt điểm, tuyến đê bao quan trọng này có nguy cơ xóa sổ trong nay mai./.