Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu trên diện rộng từ Quảng Trị đến Bình Định 

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, không khí lạnh tăng cường đã ảnh hưởng đến hầu hết khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ.

Từ hôm nay (21-11), không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung Trung Bộ và một số nơi ở Nam Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở phía đông Bắc Bộ có mưa rải rác; Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, riêng các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam có mưa rất to. Gió đông bắc trong đất liền cấp 2, cấp 3, vùng ven biển cấp 3, cấp 4. Ở Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế trời rét; riêng vùng núi và trung du phía bắc có nơi rét đậm, nhiệt độ thấp nhất phổ biến ở mức 15 đến 180C, vùng núi 13 đến 150C, vùng núi cao dưới 90C. Hà Nội trời rét với nhiệt độ thấp nhất vào sáng sớm và đêm phổ biến ở mức 16 đến 180C. Ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi Trung Bộ và khu vực giữa Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8; biển động. Khu vực Bắc Biển Đông tiếp tục có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; biển động mạnh. Sóng biển cao từ 2 đến 3m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường và dòng xiết trong đới gió Tây trên cao, trong các ngày 23 đến 24-11 ở Bắc Bộ trời rét, vùng núi và trung du rét đậm, có nơi rét hại.

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng -Thủy văn T.Ư, từ đêm 20-11, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Phú Yên lên lại. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu trên diện rộng ở vùng trũng thấp, khu đô thị các tỉnh, nhất là các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định. Lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông có nguy cơ xảy ra ở hầu khắp các tỉnh, thành phố nêu trên, đặc biệt khu vực vùng núi các tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Hiện, ở khu vực Trung Bộ có nhiều hồ chứa xung yếu, nhiều hồ đã đầy nước, lưu lượng về các hồ vẫn tiếp tục được bổ sung, nguy cơ cao mất an toàn đối với các hồ chứa ở khu vực này.

* Chiều 20-11, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, từ ngày 19-11 đến 20-11, tại Thừa Thiên - Huế có mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 100 đến 300mm, xuất hiện một đợt lũ lớn trên các sông và gây ngập nặng nhiều vùng thấp trũng. Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh phát lệnh vận hành điều tiết hai hồ thủy điện Hương Điền và Bình Điền, đồng thời yêu cầu hai nhà máy thủy điện này vận hành điều tiết lượng nước khoảng 1.500m3/giây để đưa mực nước các hồ về mức cao nhất trước lũ.

Ngày 20-11, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động cho gần 250 nghìn học sinh từ bậc mầm non đến THPT trên địa bàn nghỉ học để đề phòng xảy ra tai nạn đáng tiếc.

* Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai tiếp tục phối hợp các đơn vị tư vấn tính toán kịch bản xả lũ các liên hồ chứa, trong đó đặc biệt bám sát diễn biến thực tế đối với các hồ chứa lưu vực sông Hương, Vu Gia - Thu Bồn và gửi kết quả đến Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam để tham khảo, chỉ đạo vận hành.

* Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Bộ Công thương, đến 6 giờ ngày 20-11, có 21 hồ chứa thủy điện thuộc quy trình liên hồ chứa khu vực miền trung và Tây Nguyên xả tràn, bao gồm: A Lưới, Bình Điền, Hương Điền, Vĩnh Sơn C, Vĩnh Sơn B, Ka Nak, An Khê, Krong H’năng, Sông Hinh, A Vương, Sông Tranh 2, Đak Mi 4a, Đakđrinh, Vĩnh Sơn 5, Buôn Kuốp, Srêpok 3, Đa Nhim, Đại Ninh, Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4. Trước đó, lưu lượng xả lớn nhất trong ngày 19-11 là 1.188 m3/giây của hồ Sông Tranh 2, tỉnh Quảng Nam; sau đó lưu lượng xả đã giảm.

* Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, An Giang: thiệt hại do mưa, dông, lốc xoáy trong ngày 18-11 đã làm năm nhà bị sập (Tiền Giang: một nhà; Bình Dương: ba nhà; An Giang: một nhà); 203 nhà tốc mái (TP Hồ Chí Minh: 78 nhà; Tiền Giang: tám nhà; Bình Dương: 108 nhà, An Giang: chín nhà); 141 phòng trọ bị tốc mái (TP Hồ Chí Minh: 88 phòng; Bình Dương: 53 phòng). Hoa màu bị thiệt hại 106,2 ha (An Giang: 105 ha, Tiền Giang: 1,2 ha).

* Tại tỉnh Đồng Tháp, mưa to kèm theo dông lốc đã khiến hơn 100 nhà dân ở nhiều xã của huyện Châu Thành bị sập và tốc mái. Chỉ riêng xã Tân Phú Trung đã có năm căn nhà và một trụ sở UBND bị sập hoàn toàn, tốc mái 110 căn nhà, nhiều cây xanh, vườn cây ăn trái bị ngã, đổ. Chính quyền địa phương hỗ trợ năm triệu đồng cho một gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn có nhà bị sập hoàn toàn ở ấp Tân Hòa, xã Tân Phú Trung.

* Ngày 20-11, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Yên tổ chức tiếp nhận hàng hóa do Chính phủ Lào hỗ trợ nhằm giúp người dân khắc phục hậu quả bão số 12. Theo đó, Chính phủ Lào hỗ trợ 20 tấn gạo và một tấn thịt lợn, bò khô, giúp nhân dân tỉnh Phú Yên vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Ngay sau khi tiếp nhận, toàn bộ số hàng hóa đã được phân bổ về các huyện miền núi Đồng Xuân, Sông Hinh và Sơn Hòa để cấp phát kịp thời cho người dân.

* Ngày 20-11, Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phê duyệt hỗ trợ kinh phí 55 tỷ đồng cho các địa phương, đơn vị trong tỉnh để khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị thiệt hại do mưa lũ gây ra.

* Nhằm hỗ trợ đồng bào vùng lũ xã Chiềng Muôn, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, Đoàn Cục Thông tin liên lạc, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an phối hợp Công an tỉnh Sơn La đã trao tặng 200 chiếc áo khoác ấm, 200 chiếc chăn, 200 bộ đồ dùng học tập và bánh kẹo cho các cháu Trường mầm non Ban Mai, xã Chiềng Muôn với tổng số tiền hơn 30 triệu đồng; tặng 12 suất quà, mỗi suất quà trị giá 500 nghìn đồng cho các thầy cô giáo Trường mầm non Ban Mai. Đồng thời, đoàn cũng đã đến thăm và trao 100 suất quà cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn thuộc xã Chiềng Muôn với tổng trị giá hơn 50 triệu đồng.

* Theo lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng, 100% số cán bộ chiến sĩ công an trên địa bàn tỉnh đã hưởng ứng, trực tiếp quyên góp ủng hộ đồng bào miền trung bị thiệt hại trong cơn bão số 12 vừa qua. Tổng số tiền thu được là 100 triệu đồng.

* Ngày 20-11, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh đã quyên góp mỗi người ít nhất một ngày lương để ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai. Cùng ngày, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận số tiền đóng góp của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Đây là đợt quyên góp thứ ba trong năm 2017 do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai phát động, nhằm giúp đỡ đồng bào các tỉnh miền trung, Tây Bắc bị thiệt hại nặng nề do các đợt bão, lụt vừa qua. Tổng số tiền sau ba đợt quyên góp được hơn 3,9 tỷ đồng.

 

ĐÈO HẢI VÂN SẠT LỞ GÂY ÁCH TẮC ĐƯỜNG SẮT BẮC - NAM

Khoảng 12 giờ 20 phút ngày 20-11, trên tuyến đường sắt bắc - nam tại km 758+400 qua địa bàn huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) thuộc khu gian Lăng Cô - Hải Vân Bắc đã bị sạt lở ta-luy dương, nhiều khối đá tảng lớn vùi lấp đường sắt. Đoàn tàu SE3 kéo theo 15 toa đang trên đường từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh đi đến gần, rất may lái tàu phát hiện ra, kịp thời dừng tàu. Tàu SE3 bị mắc kẹt, buộc phải lui về phía Lăng Cô chờ thông đường. Tất cả hành khách trên các chuyến tàu SE3, SE4, SE2 bị ảnh hưởng do sạt lở đã được thông báo kịp thời.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, ngành đường sắt đã huy động hàng trăm công nhân cùng thiết bị, máy móc tập trung giải phóng đất đá sạt lở trên đèo Hải Vân, phấn đấu thông tuyến trong thời gian sớm nhất. Đến 21 giờ 17 phút, ngành đường sắt đã hoàn thành giải phóng điểm sạt lở.

PV

 

Sạt lở trên tuyến đường sắt đoạn Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: TRẦN NHUNG

PV và CTV
629 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 558
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 558
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78083694