Tham dự có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Đối tượng dự thi là cán bộ, giảng viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và 05 học viện trực thuộc; các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường cán bộ của bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; cán bộ, đảng viên, cộng tác viên của Ban Tuyên giáo cấp tỉnh/huyện, Trung tâm chính trị cấp huyện; sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. 

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng trao giải A cho các tác giả  

Tham gia cuộc thi, mỗi cá nhân hoặc nhóm tác giả được gửi tối đa 02 bài viết, trong đó có 01 bài viết chính luận thể loại tạp chí khoa học và 01 bài viết thể loại báo điện tử. Các bài viết chưa được công bố trên các tạp chí khoa học, sách, báo, bản tin, cổng thông tin điện tử của Học viện, trường chính trị cấp tỉnh và các cơ quan báo chí, các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị.

Sau gần 3 tháng phát động (từ ngày 19/5 đến 15/8), Ban Tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên và sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong đó có 5.691 bài viết ở thể loại tạp chí khoa học và 2.438 bài viết thể loại báo điện tử qua đó, lựa chọn được 202 bài vào vòng chung khảo. Trên cơ sở kết quả chấm vòng chung khảo, Ban Tổ chức đã lựa chọn 65 cá nhân và 10 tập thể để trao giải. 

Cụ thể, giải cá nhân có 35 giải dành cho bài viết theo thể loại tạp chí khoa học (05 giải A, 05 giải B, 10 giải C và 15 giải Khuyến khích); 30 giải dành cho bài viết theo thể loại báo điện tử (03 giải A, 05 giải B, 07 giải C, 15 giải Khuyến khích). Giải tập thể được trao cho 10 cơ quan, đơn vị phát động cuộc thi một cách sâu rộng, có số lượng cán bộ, công chức, viên chức tham gia đông đảo, có nhiều bài lọt vào vòng chung khảo và có ít nhất 01 bài đạt từ giải C trở lên.

Ngoài ra, Ban Tổ chức cuộc thi còn lựa chọn 10 cá nhân là đoàn viên, thanh niên trong hệ thống Học viện và sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền có bài viết chất lượng tốt lọt vào vòng chung khảo để trao giải Triển vọng cùng phần thưởng ghi nhận sự tham gia tích cực dành cho tác giả cao tuổi nhất (87 tuổi) và tác giả nhỏ tuổi nhất (16 tuổi).

 Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lâm Thị Phương Thanh trao giải B cho các tác giả

Phát biểu tổng kết, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết, cuộc thi viết chính luận khoa học “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” là một sáng kiến, lần đầu tiên trong toàn hệ thống tổ chức một cuộc thi viết chính luận nhằm góp phần xây dựng mạng lưới, phát hiện và đào tạo đội ngũ những “cây viết" chính luận khoa học về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. 

Mặc dù được phát động trong thời gian không dài, tiến hành trong bối cảnh dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp nhưng cuộc thi đã có sức lan tỏa rộng rãi, nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân, thực sự trở thành diễn đàn để cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội thể hiện nhận thức tình cảm, tâm huyết, bản lĩnh và trách nhiệm trước việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

GS TS Nguyễn Xuân Thắng đánh giá, nội dung các bài viết dự thi tập trung khẳng định giá trị khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, tập trung vào những nội dung cốt lõi, nội dung mới của văn kiện Đại hội XIII của Đảng; phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên tất cả các lĩnh vực; tổng kết những kinh nghiệm hay, mô hình, cách làm hiệu quả và đề xuất giải pháp, kiến nghị để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới… 

 Các tác giả nhận giải C

Việc tổ chức đánh giá các bài thi được tiến hành một cách khách quan, khoa học. Ban Tổ chức đã tiến hành quét trùng lặp toàn bộ các bài dự thi bằng phần mềm công nghệ. Các bài viết đáp ứng đầy đủ các điều kiện về nội dung và hình thức được đưa vào chấm sơ khảo. Ban Giám khảo của vòng sơ khảo có 6 Tiểu ban gồm 36 nhà khoa học có uy tín, kinh nghiệm, am tường về lý luận và thực tiễn, mỗi tiểu ban có 06 thành viên, chia thành 03 cặp tiến hành chấm chéo, điểm bài thi là điểm trung bình của 02 giám khảo. Ban Giám khảo vòng chung khảo gồm 15 nhà khoa học có kinh nghiệm của các cơ quan nghiên cứu lớn và của Học viện, là các nhà báo có uy tín của các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương được tổ chức thành 03 Tiểu ban, mỗi Tiểu ban có 05 thành viên chấm độc lập, điểm cuối cùng của bài thi là điểm trung bình của 05 giám khảo.

"Từ kết quả cuộc thi, có thể khẳng định chúng ta có nguồn lực rất dồi dào, có thể tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nhiều phương diện khác nhau. Vấn đề là, nguồn lực cần phải được phát hiện, huy động; phải tiếp tục được bồi dưỡng, định hướng, phát huy, khai thác nhằm thực hiện thật hiệu quả nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng này", đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nói.

Dịp này, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đã phát động cuộc thi viết chính luận khoa học “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” lần thứ hai với quy mô rộng lớn hơn, có sự phối hợp với Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương và một số cơ quan nghiên cứu, cơ quan thông tấn, báo chí lớn của Trung ương để tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bối cảnh mới.

8 giải A (mỗi giải gồm chứng nhận kèm phần thưởng 10 triệu đồng) được trao cho các tác phẩm:

  1. Mối quan hệ giữa "xây" và "chống" trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch hiện nay của tác giả Lương Hoàng Nghĩa, Chuyên viên chính, Tổ trưởng Tổ thư ký Ban chỉ đạo 35 tỉnh Hà Giang
  2. Luận chứng phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái hiện nay về hình ảnh và tư tưởng Hồ Chí Minh của TS Lê Trung Kiên, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
  3. Đấu tranh phòng, chống lợi dụng quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí để chống phá cách mạng Việt Nam của TS Ngô Thị Phương Liên, Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
  4. Nhận diện và kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái về động cơ, mục đích, khát vọng tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh của PGS TS Đỗ Xuân Tuất, Phó Viện trưởng, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh
  5. Con tàu của chúng ta chỉ có một bánh lái chứ không cần đến bánh lái thứ hai của Nghiên cứu viên Phạm Thị Mai, Viện Thông tin khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
  6. Định hướng và kiểm soát thông tin góp phần bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng của tác giả Nguyễn Anh Tuấn, giảng viên chính, Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
  7. Đau khổ cho những kẻ mơ hồ rêu rao chống phá quỹ vắcxin COVID-19 của Nhà nước và dân tộc Việt Nam của tác giả Nguyễn Lê Thạch, giảng viên khoa Triết học, Học viện Chính trị khu vực I
  8. Ai là con ghẻ của Đảng của tác giả Nguyễn Thanh Vân, nguyên Tổng biên tập Báo Yên Bái, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái 
 
Minh Châu