Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng yếu tố con người, coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của xã hội. Trong các văn kiện các Đại hội của Đảng đã khẳng định: “Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội”, “Lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh chóng và bền vững”. Các quan điểm trên đặt ra cho vấn đề phát triển nguồn lực con người ở nước ta những nhiệm vụ to lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực cơ bản, có tính quyết định đối với việc nâng cao chất lượng con người như: Giáo dục và đào tạo,chăm sóc sức khỏe, dân số và môi trường sống của con người. Phát triển giáo dục và đào tạo - nhiệm vụ chủ yếu để phát triển nguồn lực con người.
Nhân lực lại càng là yếu tố số một, là nguồn cội, động lực chính tạo nên lực lượng sản xuất - nhân tố quyết định tốc độ và sự phát triển bền vững của phương thức sản xuất mới ở nước ta trong điều kiện hội nhập quốc tế. Vì thế, muốn đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa một cách bền vững không thể không chăm lo phát triển con người.
Nguồn nhân lực quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia, trong đó giáo dục và đào tạo là phương tiện chủ yếu quyết định chất lượng con người. Giáo dục và đào tạo chuẩn bị con người cho sự phát triển bền vững, vì lợi ích hiện tại và vì tương lai của đất nước, của dân tộc. Ở nước ta, truyền thống hiếu học, trọng hiền tài, coi “hiền tài là nguyên khí quốc gia” đã được hình thành và phát triển từ hàng ngàn năm trước. Đến Hồ Chí Minh, tư tưởng của Người về “trồng người” vì “lợi ích trăm năm” của dân tộc đã được Đảng ta nhận thức, quán triệt sâu sắc.
Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay, đặc biệt, văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác đinh giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Giáo dục và đào tạo được coi là con đường cơ bản để phát triển nguồn lực con người, tăng cường năng lực nội sinh để công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công.
Mặt khác, để phát triển nguồn lực con người đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cùng với việc phát triển giáo dục và đào tạo, Nhà nước ta rất quan tâm đến các vấn đề y tế, chăm sóc sức khỏe, vấn đề dân số và nâng cao chất lượng dân số.... những năm qua đã đem lại những kết quả thiết thực, nâng cao một bước chất lượng dân số nước ta.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tầm vóc và thể lực của người Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn nhiều hạn chế. Do vậy, việc chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể lực cho người lao động vẫn là vấn đề cấp thiết, vừa cơ bản, vừa lâu dài với hướng ưu tiên và quan tâm hàng đầu là chăm sóc sức khỏe trẻ em. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển toàn diện người lao động, là sự chuẩn bị cần thiết nguồn lực con người cho những bước phát triển tiếp theo. Ngoài ra, cần chú ý các chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả nhiều nguồn lực khác nhau, đầu tư cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân, trong đó đầu tư của Nhà nước phải giữ vai trò chính....
Bên cạnh chính sách về y tế, cần quan tâm hơn nữa đến chính sách dân số vì đây cũng đang là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của con người. Hiện tỷ lệ tăng dân số ở Việt Nam còn khá cao, có thể dẫn đến làm triệt tiêu những thành quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, làm gay gắt thêm những vấn đề xã hội và là vật cản đối với việc cải thiện chất lượng dân số. Kinh nghiệm cho thấy, những người có mức sống khá và trình độ học vấn cao trong xã hội thường không có nhu cầu sinh nhiều con mà quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sống. Vì vậy, trong chính sách dân số cần chú ý kết hợp việc hạn chế số dân với việc cải thiện, nâng cao chất lượng dân số. Mặt khác, cần chú trọng đưa nội dung giáo dục, bảo vệ môi trường vào chương trình giáo dục quốc dân.Cùng với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội cũng có ảnh hưởng nhiều mặt đến sự phát triển của con người về thể lực, chiều cao, trí tuệ, tâm sinh lý... Do đó, cần quan tâm xây dựng một cơ chế mới bảo đảm thực hiện giải phóng người lao động về mọi mặt để phát huy tối đa sức mạnh của trí tuệ, tài năng, phẩm giá con người. Cũng cần nhận thức rõ rằng, sức khỏe của con người không chỉ là thể lực mà còn là sức khỏe tinh thần, chịu ảnh hưởng trực tiếp của cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng được một chiến lược tổng thể đảm bảo sự trong sạch của các loại môi trường để con người phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Từ đó cho thấy, để phát triển nguồn lực con người, toàn Đảng, toàn dân, các cấp, các ngành cần đặc biệt coi trọng các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nâng cao chất lượng dân số, cải thiện môi trường sống của con người.
Trong điều kiện ngày nay, nguồn lực con người là yếu tố nội sinh quan trọng nhất quyết định sự phát triển của một đất nước. Hơn lúc nào hết, Đảng và Nhà nước ta cần quan tâm chăm lo hơn nữa vấn đề phát triển toàn diện con người, đồng thời phải có những chính sách thể hiện sự quan tâm đặc biệt và khai thác tốt nhất tiềm năng trí tuệ của đội ngũ lao động chất xám để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hải Đăng