Cụ thể, trong quý III/2018 hầu hết các vùng phát triển mạnh về BĐS nghỉ dưỡng đều không có nguồn cung mới chào hàng, ngoại trừ ở Nha Trang có dự án Lanuna mở bán lần đầu ra thị trường.
Theo thống kê, lượng giao dịch cả nước về sản phẩm Condotel từ đầu năm đến nay chỉ đạt khoảng 1.000 sản phẩm.
Lý giải về tình trạng này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng: Hiện dòng vốn về BĐS nghỉ dưỡng bị siết chặt dẫn đến việc tiếp cận nguồn vốn vay mua đối với các dự án này rất hạn chế.
Cùng với đó những vướng mắc về tính pháp lý cho các sản phẩm Condotel vẫn chưa được tháo gỡ gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư.
Đại điện Hội Môi giới BĐS Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ rõ năng lực phát triển dự án loại hình BĐS nghỉ dưỡng, đặc biệt là năng lực khai thác kinh doanh sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng của các chủ đầu tư Việt Nam còn yếu và hạn chế trong khi một số dự án condotel vẫn đang trong quá trình đầu tư xây dựng kéo dài không bảo đảm cho hiệu quả đầu tư.
Thực tế thị trường cũng cho thấy, giá bán sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng đã được các chủ đầu tư đẩy lên cao bình quân từ 35-70 triệu đồng/m2, thậm chí có những dự án có giá trên 70 triệu đồng/m2. Ở mức giá này, nhà đầu tư rất khó tạo thanh khoản khi có nhu cầu chuyển nhượng dự án.
Hội Môi giới BĐS Việt Nam khuyến nghị đã đến thời điểm nên tạm dừng phát triển mới các dự án BĐS nghỉ dưỡng. Đối với các dự án đã và đang triển khai cần tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án để đưa các dự án này vào khai thác, kinh doanh đáp ứng các mục tiêu của Nhà nước và doanh nghiệp là tạo các cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú phục vụ cho phát triển kinh tế du lịch Việt Nam.
Toàn Thắng