Chúng tôi là những người chưa quen nhau nhưng cùng sở thích du lịch, không chỉ đến với những vùng đất lạ xa xôi ngoài biên giới mà ngay cả tại Việt Nam, chỗ nào chưa đến là muốn đến bằng được.
Hôm đó tình cờ gặp nhau ở một địa điểm, sau ăn trưa mỗi người quay một hướng làm việc riêng. Tôi thì nằm ở hiên sau nhìn ra vườn, thích thú với cây mít nho nhỏ mà đã có 3 quả. Tính tôi hay viển vông, may mà không biết làm thơ, từ 3 quả mít, tôi nghĩ ra đủ chuyện, bạo hơn, tôi còn nghĩ “Thiên chúa có 3 ngôi”, có rất nhiều cái xảy ra xung quanh con số 3...
Địa điểm 4 người chúng tôi gặp nhau là một ngôi nhà gỗ, rất đẹp của một nữ chủ nhân còn trẻ, tốt bụng, nằm giữa ngôi vườn rộng chừng một mẫu hơn, chỉ cách chục bước chân khỏi vườn là sông Hiếu, mùa này sông cạn.
Hôm trước, tôi đã tắm ở đó, nước trong xanh, soi bóng xanh lơ bầu trời Quảng Trị. Cỏ trong vườn vừa được cắt, mùi cỏ ngai ngái, nồng nồng. Một bông tử đinh hương màu tím vươn sát vào bậu cửa sổ ngay chỗ tôi nằm.
Cây cối rậm rạp, um tùm nhưng không có rắn rết mà nếu có thì tôi cũng không ngại, chỉ lắm côn trùng và muỗi. Tôi nói không ngại vì tin rằng người có tu luyện thì côn trùng rắn rết không cắn. Và trên thực tế, tôi không bị muỗi, ong, rắn rết cắn từ mấy năm nay...
Bỗng gặp nạn
Đang miên man thế thì chủ nhà bảo, sẽ giúp chúng tôi có một xe ô tô 7 chỗ, rồi chỉ cho chúng tôi địa điểm tuyệt vời “Trên đỉnh Trường Sơn” nơi có những cột điện gió sản xuất điện sạch (tiêu chuẩn thế giới) đã hòa lưới điện quốc gia từ 2017, làm đổi thay khá nhiều gương mặt kinh tế khu vực này.
Được giúp đỡ đến thế, chúng tôi bảo nhau nhập đoàn, họ có 3 người, một người tên là Thu, một người tên Quang, cậu trẻ nhất tên Đạo là dân chuyên nghiệp quay phim, có mang theo một số máy chuyên dụng hạng khủng...
Chúng tôi bảo nhau: “Đi ngay, chứ còn đợi gì nữa, những người Âu, Mỹ cũng còn phải ước mới có chuyến đi như thế đấy, sẽ được chiêm ngưỡng một địa danh quan trọng của Đông Dương, sẽ biết thế nào là đại ngàn, sẽ gặp cả hoàng hôn trên non cao rừng thẳm”. Thế là lên đường.
Chừng hơn nửa giờ chiếc xe mới, gầm cao, xóc nảy đom đóm mắt khi đi vào đường tắt, lái xe (người địa phương) bảo chúng tôi phải tắt thế mới kịp chụp hoàng hôn ở nơi cao nhất, anh còn đùa: “Có đi đoạn kinh hoàng này thì mới gọi là phượt chứ”. Cả đoàn 5 người cười hì hì. Nhất trí: “Hoàng hôn là quan trọng, tính mạng là cái đinh”.
Đến đoạn chỉ còn cách chân những cột điện gió, tức là chưa đến đỉnh dãy Trường Sơn thì thấy mặt trời nhô ra sau núi. Chúng tôi xin cho xe dừng ngay tắp lự. “Ai có Samsung thì Samsung, ai có iPhone thì dùng iPhone, ai có chuyên dụng thì chuyên dụng”.
Đạo quá say nghề, lại có sở thích “săn” vẻ đẹp của hoàng hôn, lại từng bị nhiều lần mặt trời nhanh chóng biến mất nên cho phát luôn flycam. Không ai kịp ngăn. Flycam bay trên cao, bảng điều khiển kêu ro ro nghe thật thích. Tất cả đều hình dung khi flycam quay trở về sẽ mang theo những thước phim quý giá. Song, ai ngờ, trời bỗng nổi gió, cộng với sức quay của những cánh quạt tua-bin, flycam không quay trở về được...
Nhìn thấy tai họa từ từ xảy ra, rồi quan sát cậu em một cách tế nhị, tôi thương cậu vô cùng, cậu nghệ sĩ quá, xúc cảm tuyệt vời quá, không một chút đắn đo nghĩ đến hiểm nguy khi thấy cái đẹp xuất hiện... Và trong nghề, từ lóng gọi chuyện này là hựu. “Hựu ngay, trong hoang mang”.
Tôi an ủi cả đoàn, đừng hoang mang, bình tĩnh tìm giải pháp. Song, làm gì có giải pháp nào. Đang ở vùng “lõm” sóng. “Lõm” cả người qua lại trên đường, đường tắt trên núi mà... An ủi mọi người nhưng lòng tôi vô cùng ngổn ngang. Tôi nhiều tuổi nhất, tự nhiên cứ nghĩ, mình nên có trách nhiệm nhất. Mặt trời lại còn đi trốn.
Lái xe cho biết đây đang là vị trí khe gió (tên địa phương gọi). Mình nhìn quanh, rừng trập trùng, non cao, thung xanh, thăm thẳm, hun hút, làm thế nào để tìm ra cái flycam lạc trong đó...
Trời chiều như có lửa, bỏng rát như xát muối vào lòng. Tôi liếc Đạo và nghĩ, không sao em ơi, trả giá luôn là bài học của nghệ sĩ, đừng quá lo lắng... Người tên Quang ước, nếu gặp được thổ dân, may ra. Vừa ước xong thì xa xa thấy có bóng áo đỏ ngược dốc đi lên. Khác gì trời hiện?
Đó là một gia đình người Vân Kiều đi bắt cá về. Người chồng mặc áo đỏ nghe được một chút tiếng Kinh nên phải nói thật chậm cùng với làm ám hiệu. Chúng tôi xin được giúp đỡ. Người vợ gật đầu trước, nói lại cho chồng nghe lại bằng tiếng Vân Kiều. Chồng nghe vợ thì hiểu rõ hơn “cái bọn Kinh này nó muốn gì”... Thế là cả ba bỏ xe và cá, lao ngay vào “thăm thẳm thung sâu cách giời ba thước” (lời bài hát Trên đỉnh phù vân) dẫn theo cậu Đạo...
Họ đi rồi, tưởng đã mừng nhưng hai tiếng sau họ không quay ra... 2 tiếng dài cả trăm năm. Tôi thầm thì cầu nguyện: “Lạy Chúa, lúc này thì con kêu tên Ngài thực sự...”. Mặt trời hiện ra yếu ớt nhưng đủ cho mình hy vọng là bóng tối sẽ không nuốt chửng họ... Những người còn lại đăm chiêu nhìn vào trong tâm, ngồi rải rác để ngẫm ngợi riêng. (Sau này mới cùng kể cho nhau nghe là đã đều nghĩ điều tệ hại nhất)
Chờ càng lúc càng thắt ruột. Không có cách nào để liên hệ với chủ nhà ở dưới thành phố. Nhìn lái xe người địa phương lúc này cũng thấy đã bồn chồn lo lắng. Giả sử, bóng đêm đổ xuống, người Vân Kiều có thể biết đường quay lên nhưng còn Đạo thì sao? Lúc này tôi tiếc, lẽ ra, chịu mất flycam còn hơn là có thể mất người. Cái lãng mạn ban đầu “hoàng hôn là nhất, tính mạng là cái đinh” biến đâu mất tiêu. Chúng tôi bắt đầu sợ hãi.
Nghe tiếng suối róc rách chảy, biết là rừng sâu lắm. Lại nghĩ, giá có nhìn thấy flycam thì làm sao để trèo lên mà mang xuống...
|
Tác giả cùng gia đình người Vân Kiều tốt bụng. |
Đang thất vọng muốn chết thì tôi nghe thấy có tiếng nói gì đó vẳng lại từ xa. Và tôi hỏi to: “Phải Đạo không?”. “Vâng ah... ah”. Tiếng của rừng nhái theo. Tốt rồi, còn người là còn tất cả. Nhưng mình hỏi tiếp, vì vẫn chưa nhìn thấy họ, “chỉ nghe tiếng nói mà lòng đã rưng rưng”: “Có tìm được không em?”. “Có ạ”. Mình gọi 3 người kia nhưng họ cũng đã nghe nói “có ạ” rồi. Thế là tất cả chúng tôi gào lên, gào lên, vì sung sướng.
Tôi ôm lấy cả 3 người Vân Kiều, khóc thực sự. Và câu hát bỗng vang lên “người Vân Kiều trong lòng trong trắng, như bông hoa lạc giữa rừng...”. Tôi thầm nghĩ, tạ ơn Chúa nhưng trước hết con xin tạ ơn 3 con người có Chúa/Phật/Giời ở trong lòng. Vâng, 3 người Vân Kiều.
Chúng tôi xem lại hình ảnh trên flycam cộng với lời kể của Đạo thì thấy: chiếc flycam rơi trên ngọn cây, cao chừng 15 mét. Nhưng cây to, người ôm không xuể, thung rất sâu, dốc dựng đứng, hun hút trong màu xanh sẫm của chiều.
Bám từng bước xuống thung sâu, theo chỉ dẫn của bảng đều khiển thì Đạo nhìn ra cái flycam màu trắng nằm ở ngọn cây nhưng người Vân Kiều chưa nhìn thấy flycam bao giờ, người vợ cũng không thể dịch cho chồng hiểu nó là cái gì. May sao, flycam chưa hết pin, nó còn nhấp nháy, đỏ đỏ. Đạo chỉ cho họ thấy cái chấm đỏ đỏ ấy.
Người vợ bảo chồng: “Leo lên đi, giúp họ đi”. Người chồng nhìn quanh, thấy có những chùm dây leo ở cách đó vài mét. Anh chồng bảo ừ, rồi túm vào búi dây, đu người leo lên. Đến chỗ cây đại thụ có cành vươn ra thì túm lấy nhảy sang. Cẩn thận, vừa cầm flycam vừa giữ dây đu xuống. An toàn tuyệt đối cả người và máy.
Chúng tôi sung sướng trào nước mắt. Không chỉ vì tìm lại được tài sản mà vì sự vô cảm bấy lâu (lâu đến mức, cứ nghĩ trên đời này làm gì còn người tốt) đã được thay đổi. Nhìn giỏ cá của họ, cả ngày đi bắt chỉ đáng vài chục ngàn nhưng họ vô tư giúp đỡ chúng tôi, không vì đợi trả ơn, không mảy may suy tính, trong một việc có thể hiểm nguy...
Nếu vô cảm sẽ không nhìn thấy họ
Sau đó, chúng tôi chia tay người Vân Kiều đi tiếp lên đỉnh Trường Sơn, đem theo nỗi sung sướng tột bậc vào những thước phim, khuôn hình... Khi quay lại Đông Hà, chúng tôi đi theo đường nhựa quay về (xa hơn rất nhiều so với lúc ngược dốc đi lên).
Qua sân bay Tà Cơn, tôi nhìn thấy những ngôi nhà của người Vân Kiều, trong lòng dấy lên một niềm vui sướng khôn tả... Một chuyến phượt tuyệt vời, gian nan là thử thách và có thế mới có được giọt nước mắt sung sướng vì thấy vẫn có CON NGƯỜI, viết hoa.
Khi tới đồng bằng, thành phố, sóng có trở lại, tôi vào Facebook và thấy ngay một bức tranh đẹp của bạn tôi, ngắm nó một hồi, tôi thấy nỗi lo lắng kinh hoàng lúc trước đã biến mất. Tôi nhớ mùi cỏ ngai ngái, tiếng róc rách của suối và cây mít có 3 quả nho nhỏ. Tôi lại chìm vào cái ý nghĩ, Thiên Chúa sinh ra con số 3, người Vân Kiều giúp chúng tôi hôm nay là gia đình có 3 người.
Nhà văn Trần Thị Trường