Từng cống hiến tuổi thanh xuân để bảo vệ đất nước, trở về với cuộc sống đời thường, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng người cựu chiến binh trên quê hương Quảng Trị này vẫn khắc sâu lời dạy của Bác Hồ, tích cực phát triển sản xuất kinh doanh, nêu cao tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ đồng đội vượt qua khó khăn, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Cựu chiến binh Trần Xuân Quý với niềm vui lúc nhàn rỗi
Không chỉ là người “khai sinh” ra bãi biển Nhật Tân, ông Quý còn là người tiên phong nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở Triệu Lăng. Năm 2007 qua phương tiện thông tin đại chúng, ông Quý thấy ở miền Nam có mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát rất hiệu quả nên đã khăn gói lên đường học hỏi kinh nghiệm và về bắt tay xây dựng mô hình. Đến nay, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đã được nhân rộng trên địa bàn xã Triệu Lăng và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương với sản lượng toàn xã đạt trên 600 tấn/năm.
Nhiều hộ gia đình chỉ một vụ nuôi tôm lãi ròng từ 800 – 900 triệu đồng. Riêng gia đình ông Quý, vụ tôm đầu năm 2017 lãi ròng 700 triệu đồng. Bây giờ, khi kinh tế gia đình đã ổn định, ông Quý dành phần lớn thời gian chăm lo cho đồng chí, đồng đội bằng cách hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm làm ăn cho các CCB trên địa bàn.
Không chỉ là người đầu tiên có sáng kiến khai thác bãi biển Triệu Lăng vào hoạt động dịch vụ du lịch hay đưa mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đến với người dân địa phương, ông Trần Xuân Quý (sinh năm 1954) ở thôn 6, xã Triệu Lăng (huyện Triệu Phong) còn được biết đến là CCB nghĩa tình, hết lòng vì đồng chí, đồng đội. Căn nhà xây kiên cố theo kiến trúc biệt thự vườn của gia đình ông Quý là thành quả công sức lao động không mệt mỏi của người CCB, thương binh hạng 4/4, mang trong mình chất độc hóa học tỷ lệ 61%.
Dù cơ thể nhiều thương tích, sức khỏe không đảm bảo nhưng ông Quý cảm thấy bản thân đã rất may mắn khi được sống sót trở về quê hương sau ngày đất nước thống nhất. Lửa đạn chiến tranh đã tôi luyện cho ông bản lĩnh kiên cường, vượt qua các thử thách nghiệt ngã của cuộc sống.
Năm 1976 trở về quê hương sau ngày giải phóng, ông Quý đã làm rất nhiều nghề, kể cả việc chạy chợ buôn cá kiếm sống qua ngày. Đến năm 2000 ông nhận thấy tiềm năng nguồn hải sản tươi sống của vùng biển bãi ngang Triệu Lăng cùng với lợi thế bãi cát dài trải dọc chân biển nên đã tập hợp thêm 12 CCB khác trong thôn trình bày về ý tưởng thu mua hải sản do bà con đánh bắt và mở dịch vụ ăn uống phục vụ khách tắm biển.
Được đồng đội hưởng ứng, ông Quý viết đơn trình bày nguyện vọng của mình và các CCB địa phương để thành lập bãi tắm Nhật Tân. Nhờ lợi thế nguồn hải sản dồi dào, tươi ngon, bãi biển rộng rãi, nước sạch nên vào mùa hè khách đổ về bãi tắm ngày một đông.
Từ những hàng quán nhỏ ban đầu của các CCB, nay đã có hàng chục hộ gia đình ở Triệu Lăng tham gia kinh doanh trên bãi biển, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Hiện tỉnh đang đầu tư 28 tỉ đồng để xây dựng một số hạng mục hạ tầng ban đầu như mặt bằng, kè, điện chiếu sáng… Từ ý tưởng ban đầu của ông Quý, nay bãi biển Nhật Tân đã được tỉnh quy hoạch xây dựng thành một khu du lịch dịch vụ ven biển hiện đại trải dài dọc theo 4 km bờ biển xã Triệu Lăng.
Với vai trò Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị huyện Triệu Phong, ông tích cực tham gia vận động, kêu gọi xây dựng nhà tình nghĩa cho CCB có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp các đơn vị tìm kiếm hài cốt liệt sĩ…