Lý giải cho việc dự tính giá điện phải điều chỉnh tăng trong 2019, Thứ trưởng Hải cho hay, do tổng chi phí bị tăng lên năm 2018 và 2019 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khoảng 20.735 tỷ đồng. Việc tăng ngần đấy tiền sẽ dẫn đến có thể phải xem xét điều chỉnh giá điện bán lẻ điện trong năm 2019 theo quy định tại Quyết định số 34/2017.
Ảnh minh họa (Ảnh: A.N)
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, tổng chi phí phát sinh nêu trên gồm cả năm 2018 và 2019. Trong đó, năm 2018 chi phí tăng thêm trong cơ cấu tính giá điện khoảng 5.483 tỷ đồng, gồm chênh lệch tỷ giá năm 2017 là 3.071 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 502 tỷ và giá khí trong bao tiêu theo thị trường tăng thêm 1.910 tỷ. Trong khi đó, dự kiến trong 2019, ngành điện ước tính phát sinh chênh lệch tỷ giá năm 2018 là 3.516 tỷ, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 502 tỷ, giá khí bao tiêu thực hiện theo thị trường năm 2019 tăng thêm khoảng 10.500 tỷ đồng... Tổng chi phí đội lên năm 2019 sẽ là 15.252 tỷ đồng. Cùng với đó là khoản chênh lệch tỷ giá treo lại từ năm 2015 dự kiến phân bổ cho năm 2019 khoảng 734 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Cục Quản lý giá và Cục Tài chính doanh nghiệp... kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của EVN. Sau khi kết thúc, nếu có biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu như phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện… so với thông số sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành, sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo việc điều chỉnh giá điện năm 2019.
Hiện giá điện bán lẻ bình quân đang là 1.720,65 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT). Lần tăng giá điện gần nhất là đầu tháng 12/2017 với mức tăng 6,08%.
Cũng liên quan đến giá điện mới áp dụng cho người thuê nhà, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho hay, vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 25/2018/TT-BCT ngày 12/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 về thực hiện giá bán điện, trong đó có quy định chi tiết hơn về áp giá bán điện cho người thuê nhà.
Cụ thể, đối với người thuê nhà là hộ gia đình, trong Thông thư 16 trước đây quy định rõ, các hộ thuê nhà được giao mức sử dụng điện như hộ gia đình thông thường. Thông tư 25 bổ sung thêm trong trường hợp các cá thể không phải hộ gia đình, chủ nhà cho thuê chưa xác định số người thì áp dụng biểu giá mức điện bậc 3. Nếu xác định được số người trong nhà thuê, căn cứ vào số người, bên cung cấp điện sẽ căn cứ vào đó cấp mức sử dụng điện. Quy định mới này sẽ tạo điều kiện khắc phục được nhiều khó khăn trước đây.
Trong thời gian đầu, khi bên chủ nhà cho thuê chưa xác định được số người cho thuê, chưa xác định mức sử dụng điện, quy định này khắc phục được tình trạng số chủ thuê nhà đã thu tiền điện của người thuê nhà ở mức giá cao. Với quy định mới này, người thuê nhà sẽ được hưởng mức giá điện theo đúng quy định.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã tuyên truyền, đăng tải Thông tư trên các thông tin đại chúng, gửi các Sở Công Thương để thông báo rộng rãi đến các đơn vị điện lực trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra các công ty điện lực các tỉnh, thành phố, phối hợp các đơn vị bán lẻ điện của các thành phần kinh tế, tổ chức phổ biến rộng rãi, ký cam kết của các gia đình, chủ hộ cho thuê nhà.
“Ví dụ ở Hà Nội, trên 95% các chủ hộ thuê nhà đã ký cam kết với ngành điện sẽ áp giá bán điện theo đúng giá Nhà nước quy định. Tương tự, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố khác từ nay đến khi thông tư mới có hiệu lực, sẽ ký cam kết này với ngành điện để thông qua đó người thuê nhà sẽ được mua điện với giá điện theo nhà nước quy định” - ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin.
An Nguyên