Người thiết kế địa đạo Vịnh Mốc - Một Di tích Quốc gia đặc biệt 

(tintuc.vn)- Ngày nay, đến thăm địa đạo Vịnh Mốc, một trong những địa đạo nổi tiếng nhất của tuyến lửa Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, người ta được xem cuốn phim tài liệu 'Vịnh Mốc một huyền thoại' có nói đến ông Lê Xuân Vi, người đã thiết kế và xây dựng địa đạo Vịnh Mốc.

Thật kì lạ, dù chỉ học cấp 3 trường làng, người con của đất đầu sóng ngọn gió nơi chiến tranh khốc liệt trong năm tháng chống Mỹ đã thiết kế đầy sáng tạo hệ thống các căn hầm mà cho đến hôm nay từng đoàn du khách trong nước và quốc tế đến đây vẫn không khỏi trầm trồ, thán phục trước sự kiên cường, bất khuất, ý chí, nghị lực và sức sống phi thường, mãnh liệt của những con người trong thời kì lịch sử đầy hào hùng và bi tráng.

Theo miền kí ức, một thời để nhớ

Chúng tôi lần theo địa chỉ khu phố 4, phường 5, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị để đến nhà người thiết kế hầm địa đạo năm xưa, ông Lê Xuân Vi. Giờ thì người thương binh già ấy đã không còn, do tuổi cao sức yếu ông mất cách đây hai năm, xa lìa cõi thế ở tuổi 87. Ông đã đi xa nhưng những người con của ông vẫn trân trọng lưu giữ những kỉ vật về cha mình. Hàng chục bằng khen, giấy khen, huân, huy chương các loại.

Từng bức ảnh đã úa màu theo năm tháng. Những trang lưu bút của người cha khi ông còn tinh mắt. Và cả những bức thư vẫn còn tươi nét mực của giáo viên, học sinh, sinh viên từ khắp các tỉnh thành trên cả nước gửi tới ông lòng biết ơn và sự ngượng mộ sâu sắc cách đây 4 năm khi ông đang còn sống trong gian nhà với anh Lê Xuân An, người con thứ ba của ông.

Anh Lê Xuân An đang công tác tại Viện Kiểm sát tỉnh Quảng Trị, anh chính là một trong 18 đứa trẻ được sinh ra ở hầm địa đạo Vịnh Mốc. Nhắc kỉ niệm về bố, miền kí ức xưa dội về, rõ mồn một như mới ngày hôm qua.

Năm 1967 sau khi cất tiếng khóc chào đời ở căn hầm trong địa đạo Vịnh Mốc, mẹ bồng anh cùng hai người chị gái sơ tán ra Nghệ An để tránh bom. Năm 1973, lúc này An 6 tuổi, được mẹ đưa vào Vĩnh Linh thăm cha. Đây cũng là lần đầu tiên anh nhìn thấy cha mình. Ông mặc bộ quân phục bộ đội, xanh màu của lá.

Sau hồi lạ lẫm, anh ngã vào lòng cha như giữa hai cha con như chưa từng có cuộc phân li, chia cắt. Những năm tháng sau này anh chị em trong gia đình thường được nghe ông kể về cách xây hầm địa đạo Vịnh Mốc. Trong cuộc hành quân của người lính cha anh từng đến nhiều nơi, nhưng quãng thời gian xây dựng hầm địa đạo Vịnh Mốc là dạt dào kỉ niệm, thương nhớ hơn cả.

Ông Lê Xuân Vi thời trẻ trong quãng thời gian xây địa đạo.

Ông Lê Xuân Vi thời trẻ trong quãng thời gian xây địa đạo.

Năm 1965, Mỹ ném bom miền Bắc rất ác liệt. Ở bờ Nam, Hạm đội 7 của Mỹ nã pháo từ ngoài biển vào, đất Vĩnh Linh bị cày nát bởi bom rơi, đạn trút trước sự hùng hậu của quân đội được cho là bất khả chiến bại, với những phương tiện quân sự hiện đại, tối tân nhất.

Trong thời gian ấy, cuộc họp quan trọng của huyện đội Vĩnh Linh xoay quanh vấn đề làm sao bảo đảm được an toàn cho bộ đội và dân quân du kích, cùng nhân dân địa phương có một số ở lại không đi sơ tán? Lúc đấy, tuyến lửa Vĩnh Linh có nhiều hầm chữ A, hầm chữ U bị bom Mỹ dội sập và khả năng bị sát thương rất lớn.

Ông Lê Xuân Vi lúc đấy là Đồn trưởng Công an Vũ trang 140, Tỉnh đội Quảng Trị, hằng ngày đi khảo sát nhiều nơi để xây địa đạo. Đến thôn Vịnh Mốc, ông thấy đất ở đây có độ kết dính cao, có thể đào sâu xuống được nên đã ra phương án chọn nơi này. Ông đã huy động những anh em trong đồn ra để đào giếng. Từ ba cái giếng đào được nối với nhau thành địa đạo.

Cách nối với nhau không bị chênh là cần phải thẳng, để làm được được điều đó người ta cắm 3 cái đèn thẳng nhau thì đó sẽ là đường thẳng. Nếu ba cái đèn không thẳng sẽ bị lệch, khuất đi.

Ở trong hầm địa đạo không chỉ là nơi tránh mưa bom, đạn lạc mà còn là nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng, có phòng chiếu phim, phòng họp, phòng ăn, nhà bếp, phòng tắm, nhà hộ sinh... Công dụng của địa đạo không chỉ là nơi sinh hoạt, bảo đảm an toàn cho cán bộ, quân và dân ta mà còn là nơi chứa vũ khí và lương thực ra đảo Cồn Cỏ, cách địa đạo Vịnh Mốc 30km.

Địa đạo bắt đầu được xây dựng từ đầu năm 1966 đến cuối năm 1967. Để khích lệ tinh thần chiến sĩ và dân quân ông mở cuộc thi: Ai đào được 3m một ngày thì gọi là kiện tướng, ai đào 4m một ngày thì gọi là đại kiện tướng. Vì đường hầm rất bé nên thường mỗi tổ chỉ từ 2 đến 3 người.

Một góc của Địa đạo Vịnh Mốc.

Một góc của Địa đạo Vịnh Mốc.

Ở địa đạo có nơi sâu nhất, so với mặt đất lên đến gần 30m. Chia ra nhiều tổ đào và những đường đào đấy sẽ được nối với nhau. Đất đào được ở địa đạo sẽ được cho lên xe cút kít đổ ra biển.

Nếu đổ đất một lần tại một chỗ, sẽ làm quân địch nghi ngờ. Để che mắt máy bay của địch, người dân của đất Vĩnh Linh đã đổ đất đỏ ấy ra nhiều nơi gần sát với biển, rồi lấy cát lấp lên trên, khi thuỷ triều dâng, sóng biển xô vào và mỗi lần như vậy sẽ cuốn đất từ từ ra biển, quân địch không thể phát hiện. Công việc nấu nướng phải nghĩ cách, ở phía trên bếp ông cho trải lớp lá dầy, khói mỗi lần toả lên qua những kẽ hở li ti của lá, toả dần từng tí một ra ngoài. Ở hầm địa đạo gian bếp là nơi nấu ăn cho rất nhiều người.

Làm thế nào để gạo không bị mốc, vì cho gạo xuống hầm không khí ẩm ướt sẽ làm gạo bị hôi. Ông cho đục những thân tre khoét rỗng ruột ở trong. Những thân tre được nối lại với nhau với độ dài 15 m thông từ phía trên ở bên ngoài xuống căn bếp.

Sau khi dùng xong sẽ có nắp đậy và dùng khoá khoá lại, như vậy vừa bảo đảm an toàn và tiết kiệm thời gian không phải mỗi lần lấy gạo lại phải chạy lên, chạy xuống nhất là trong lúc giặc ngày nào cũng điên cuồng trút bom dội đạn xuống vùng đất này.

Vĩnh Linh có rất nhiều địa đạo, sau này người ta thống kê, chỉ riêng vùng đặc khu Vĩnh Linh đã có tất cả 114 địa đạo, nhưng chỉ duy nhất địa đạo Vịnh Mốc là được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, có lẽ vì quy mô và tầm cỡ của nó.

Vợ chồng ông Lê Xuân Vi.

Vợ chồng ông Lê Xuân Vi.

Trong thời gian đào hầm thì ở địa phương, máy bay địch bắn phá rồi đất văng tung toé, núi lở, cây ngã, nhiều cửa hầm bị bịt kín. Riêng địa đạo Vịnh Mốc ông cho xây 13 cửa hầm, 7 cửa hầm thông ra biển, 5 cửa hầm thông lên đồi, đề phòng nếu chẳng may cửa hầm này sập còn có cửa hầm khác.

Cửa hầm thông ra biển, tiện lợi cho việc vận chuyển vũ khí và lương thực ra đảo Cồn Cỏ. Ngày nay, một số cửa hầm theo thời gian đã bị lấp, nhưng vẫn còn đó chứng tích về điều huyền diệu, mầu nhiệm đã làm nên một địa đạo ăn sâu vào lòng đất như bản anh hùng ca bất tử và vô tận. 

Vững tay súng, chắc tay chèo đi về nơi có ánh sáng

Cả cuộc đời ông gắn bó với vùng đất oằn mình hứng chịu bom rơi đạn trút của quân thù. Vùng đất thấm đẫm máu xương của những người con kiên cường bám trụ, gan dạ đất Vĩnh Linh, nơi địa đầu tuyến lửa.

Năm 1972, là thời kì mảnh đất này chịu hàng vạn tấn bom lớn nhỏ các loại, chất độc diocin trải thảm xuống chiến trường Quảng Trị. Trong một lần làm việc tại giới tuyến sông Bến Hải, dòng sông ngăn cách Nam -  Bắc, ông bị hai mảnh đạn văng vào đầu.
Cũng trong cùng năm ấy, chiến trường ngày một dữ dội và khốc liệt, phía Nam là huyện Gio Linh, quân đội Mỹ và quân đội Việt Nam cộng hoà chiếm đóng, phía bắc là huyện Vĩnh Linh xây dựng đất nước theo XHCN, đơn vị của ông phối hợp với đơn vị bộ đội đi Gio Linh đánh chiếm Dốc Miếu, không may ông đã bị thương ở mạn sườn. 

Năm 1973 ông được phân công công tác Đồn trưởng đồn Công an Vũ trang giới tuyến Cửa Tùng. Năm 1974 ông chuyển về làm Tham mưu trưởng Công an Vũ trang tỉnh Quảng trị. 

Năm 1976, sau khi thống nhất đất nước và hoà bình lập lại trên quê hương, 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế sáp nhập thành Bình Trị Thiên, ông về làm Tham mưu trưởng công an Vũ trang Bình Trị Thiên. Năm 1979 ông giữ chức Huyện đội trưởng huyện Hương Hoá và công tác cho đến năm 1984 thì về hưu.  

Năm 1986 ông được bầu là Chủ tịch Mặt trận Phường 5, thành phố Đông Hà. Lúc này đây mắt ông bắt đầu mờ và yếu dần do di chứng vết thương, trúng viên đạn trên đầu vào mùa hè năm 1972 khi xưa. Năm 1988, mắt ông đã gần như không còn nhìn thấy gì và sau này ông đã đứng ra thành lập Hội người mù tỉnh Quảng Trị. Năm 1995 ông được bầu làm Chủ tịch Hội người mù của tỉnh Quảng Trị.

Anh Lê Xuân An đang lần giở những bằng khen, giấy khen về chiến công của cha mình.

Anh Lê Xuân An đang lần giở những bằng khen, giấy khen về chiến công của cha mình.

Tuy sức khoẻ có yếu đi, song tinh thần lạc quan, ý chí mạnh mẽ được tôi luyện như thép trong chiến trường khói lửa năm xưa, khiến cho ông vui sống trong suốt những năm tháng sau này.

Ông vẫn nhớ da diết cái thời khói lửa ngày xưa đào hầm địa đạo. Nhiều nhà báo đã tìm đến căn nhà nhỏ ở phường 5 để nghe ông kể về một thời kì hào hùng đó. Sau khi những bài báo đó in ra, ông nhận biết bao lá thư chan chứa yêu thương của bạn đọc trên mọi miền của Tổ quốc gửi về với sự ngưỡng vọng sâu sắc. Cuộc đời ông là một nốt nhạc đẹp thánh thót, ngân vang nhưng cũng đã có những lúc rất trầm lắng.

Đó là năm 1951, sau khi lấy vợ, người lính trẻ Lê Xuân Vi phải tạm xa vợ mới cưới lên đường đi chiến đấu. Từ năm 1951-1953 ông là chiến sĩ thi đua giết giặc lập công của Quân khu IV, ông được cử ra Nghệ An để học lớp đặc công.

Trong thời gian này người vợ và đứa trẻ mới chào đời bị cơn sốt rét ác tính cướp đi sinh mạng. Đau đớn khôn nguôi, 10 năm sau ông mới nên duyên vợ chồng với người con gái thôn nữ Vĩnh Linh, Nguyễn Thị Thiệp. Họ đã cùng nhau đi suốt cả quãng đường dài. Bà lần lượt sinh cho ông 5 người con, 2 gái và 3 trai.

Trong nhiều lá thư gửi cho ông, tôi vô tình rút ra, đọc lá thư nắn nót viết tay của một học sinh từ TP Hồ Chí Minh gửi cho người thương binh già có đoạn viết: "Chúng con may mắn là thế hệ được sinh ra và lớn lên trong thời bình, chúng con vô cùng biết ơn những người lính đã chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước. Chúng con không được phép quên và sống lãng quên một thời oanh liệt hào hùng như thế. Con rất kính phục bác với điều bác nói rằng sự khen thưởng lớn nhất là địa đạo Vịnh Mốc đã cứu được hàng ngàn người...".

Giờ thì ông và bà vi vu về một nơi xa lắm. Nhưng, những gì ông để lại cho đời là một kí ức đẹp, một trang sử với chiến công của người lính khi xưa trong trận mạc. Họ đã kề vai sát cánh trong cuộc chiến tranh sinh tử nơi mảnh đất thấm đẫm huyền thoại thời chống Mỹ cứu nước đầy gian khó.

Trần Mỹ Hiền / cand.com.vn

593 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1040
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1040
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87089312