Trong một lần trò chuyện cùng tôi, thầy Trí đã nói: “Quá trình công tác giảng dạy của tôi nơi vùng cao biên giới là những chuỗi ngày ở lẻ”. Chuỗi ngày ở lẻ. Một câu nói khiến lòng tôi có cảm giác bùi ngùi. Những người làm nghề “trồng người” ở thành phố, đồng bằng vốn đã gian nan, vất vả thì trên các ngôi trường nơi núi cao, rừng thẳm, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, sự nghiệp gieo chữ càng gian nan, vất vả, khó khăn hơn bội phần.
Sinh ra và lớn lên ở làng Trà My, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Huế năm 2002, từ đó đến nay, thấy Trí ngày ngày bền bỉ bước chân trên những nẻo đường bản làng xa xôi để dạy chữ cho các em học sinh người Vân Kiều, Pa Kô nơi vùng cao biên giới, từ điểm trường bản Trỉa (xã Hướng Sơn), bản A Điêng (xã Tà Rụt) đến toàn bộ các điểm trường của xã Hướng Lập. 21 năm làm nghề thầy giáo dạy học ở vùng cao, duy nhất niên học 2013-2014 là thầy Trí được dạy tại điểm trường chính, trường Tiểu học xã Hướng Lập (nay là trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Hướng Lập), khoảng thời gian còn lại, thầy đều gắn bó với các em học sinh ở những bản xa.
Bắt đầu từ khóa học 2004-2005, thầy Trí nhận quyết định làm giáo viên hợp đồng tại trường Tiểu học xã Hướng Lập. Ngày đó, tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đang trong thời điểm thi công nên cung đường như dài thêm bởi đá núi gập ghềnh, bởi suối sâu, bùn nhão và cả bởi nỗi nhớ cứ phải ở lại phía sau. Vừa đặt chân đến nơi công tác mới, sau vài ngày ngắn ngủi nắm tình hình chung, nhận thấy khu vực bản Cựp hiện đang là bản “trắng” về giáo dục, thầy Trí đã tình nguyện vào gây dựng lớp học cho các em nhỏ của bản.
Phải mất cả tháng trời đến từng nhà vận động, rồi cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cù Bai (nay là Đồn Biên phòng Hướng Lập) vào rừng chặt cây, tre, nứa về dựng lớp học, làm bàn, ghế, cuối cùng, lớp học ở bản Cựp cũng được khai giảng với 24 em học sinh ở nhiều lứa tuổi, có em đã 13-14 tuổi, nhưng cũng có em chỉ mới 6-7 tuổi ngồi cùng nhau trong lớp 1C.
Ngày đầu tiên tiếp xúc, các em chưa nói rõ tiếng phổ thông nên cả thầy lẫn trò như đánh vật ngôn ngữ với nhau. Buổi sáng dạy chính khóa, buổi chiều phụ đạo thêm cho các em về những kiến thức đã học và dạy thêm tiếng phổ thông. Để giúp các em nhanh hiểu bài, hàng ngày, ăn cơm tối xong, thầy lại mò mẫm trong đêm trên những con đường mòn gập ghềnh dốc núi, đến từng nhà hướng dẫn thêm các em học bài. Lương hợp đồng chỉ vẻn vẹn 500 nghìn đồng/tháng, nhưng phải 3 tháng mới nhận một lần, cho nên tranh thủ ngày thứ 7, chủ nhật, thầy Trí phải theo phụ huynh đi tìm nhặt phế liệu về bán kiếm tiền, trang trải cho cuộc sống bản thân. Năm học kết thúc, niềm vui dâng tràn trong lòng cả thầy và trò khi trong số 24 học sinh của bản Cựp đã có 8 em đạt loại giỏi, 7 em đạt loại khá và 9 em đạt trung bình, không có em nào xếp loại yếu.
Ngoài giờ dạy trên lớp, thầy Trí còn thường xuyên đến tận nhà học sinh để kèm cặp thêm cho các em. Ảnh: Nguyễn Thành Phú
Tháng 9 năm 2007, trải qua 5 năm là giáo viên hợp đồng, thầy Trí đã được vào biên chế của ngành giáo dục rồi bám trụ nơi miền biên viễn Hướng Lập, dạy luân phiên tại các điểm trường khác nhau. Hơn 19 năm gieo chữ bên dòng Sê Băng Hiêng trên địa bàn xã Hướng Lập, thầy Trí đã đến tất cả các điểm trường để “trồng người” cho bản làng, nhưng với thầy, nơi lưu lại lâu nhất và cũng nhiều kỷ niệm nhất là những năm tháng dạy tại điểm trường bản Tà Păng.
Năm 2017, trong lần đi vận động học sinh đến lớp, thầy gặp trường hợp cậu bé Hồ Văn Sỹ, con ông Hồ Văn Trực (Pả Vẽ) không chịu đến trường. Cậu bé Sỹ có hoàn cảnh rất đáng thương, mẹ mất vì bị bệnh ung thư, bố thì suốt ngày say rượu nên chẳng có ai quan tâm đến Sỹ, dần dần, trong em hình thành tính tự ti, đến nỗi hễ cứ thấy người lạ là em bỏ trốn, ai hỏi cũng không nói. Cuộc sống của Sỹ là chuỗi ngày buồn lặng và chẳng bao giờ em nở nụ cười hồn nhiên như các bạn cùng trang lứa.
Biết rõ về em nên ngày nào, thầy Trí cũng rủ thêm mấy em học sinh trong lớp đến nói chuyện, dần dần rồi em Sỹ đã bớt sợ hơn, song, vẫn không chịu đến lớp. Sau nhiều lần động viên, thầy đã xin phép gia đình, đến tận nhà để đưa em đi học. Những buổi đầu, em phản ứng rất mạnh, gào khóc, cắn, cào cấu, la hét... và luôn miệng đòi về nhà. Để giúp em nhanh chóng hòa nhập với bạn bè, thầy Trí luôn bày những trò chơi, chỉ bảo em vẽ tranh, tô màu, tạo cảm giác thân thiện cho em. Sau một thời gian ngắn, em Sỹ đã tự giác đến lớp, đi học rất chuyên cần, chịu khó và đã đạt được kết quả rất đáng mừng. Năm nay, em Sỹ đang là học sinh lớp 5 của trường.
Vậy là đã tròn 21 năm, thầy Trí đi gieo chữ khắp các bản làng vùng cao biên giới và có hơn 19 năm bám trụ trên vùng biên cương Hướng Lập, bên dòng sông Sê Băng Hiêng chở nặng tình nghĩa Việt-Lào. Thế nhưng, thầy giáo Phan Trí vẫn nói với tôi rằng: “Tôi sẽ vẫn tiếp tục đi nhặt từng hạt nắng để gom lại rồi chia cho các em nhỏ ở vùng cao khi mùa đông đến”.
Nguyễn Thành Phú