Nhà báo Trần Đăng Mậu trong chuyến làm phim “Sắc màu ký ức” Ảnh: NTT.
Phóng viên tỉnh lẻ
Anh vẫn luôn nhận mình là phóng viên của một đài tỉnh lẻ, khiêm nhường. Cũng có phần đúng, vì anh thuộc biên chế của Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị, một tỉnh nhỏ của khúc ruột miền Trung, mảnh đất giới tuyến từng chịu nhiều đau thương chia cắt trong chiến tranh, thiên tai khắc nghiệt và cái nghèo cái khó luôn đeo đẳng. Nhưng có lẽ, chính sự nghiệt ngã dành cho mảnh đất kiên cường này lại là một “phim trường sống động” cho các nhà báo, nhà làm phim, nhất là với người đã từng sinh ra và lớn lên ở đây, như đạo diễn Trần Đăng Mậu.
Anh sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Như cùng chung số phận với quê hương, đất nước, trong những năm tháng chiến tranh của mùa hè 1972, gia đình anh cũng “chia hai”, như chính chiếc cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải “bên nhớ bên thương” một thời vậy; lớn lên cùng quê hương, anh tự học, tự làm để theo đuổi nghề báo mà anh hằng mơ ước. Năm 1990, anh về công tác ở Đài Phát thanh Quảng Trị, năm 1993 trở thành Đài Phát thanh - Truyền hình cho đến bây giờ. Điều đáng ghi nhận ở anh là chưa qua một trường lớp hay khóa bồi dưỡng nghiệp vụ nào về quay phim, đạo diễn hình hay làm phim tài liệu, mà anh chỉ “học nghề” qua đồng nghiệp hay qua chiếc tivi…, thế mà trong những năm đầu thập niên 2000, anh sản xuất những phim tài liệu đầu tay phát trên VTV, như: Người sinh cùng năm tháng; Nhọc nhằn bước chữ; Khoảng trời xanh… Anh cũng được mời đạo diễn hình cho các chương trình Người đương thời tổ chức ở Quảng Trị, vinh dự được VTV giao đạo diễn hình bộ môn Pencak Silat trong khuôn khổ SEA Games 22 tổ chức tại Hà Nội năm 2002. Có lần anh bộc bạch với tôi rằng: “Làm báo, đặc biệt là làm truyền hình, cái cần thiết nhất là tư duy hình ảnh để sáng tạo tác phẩm của mình, vì hình ảnh là “chính văn”, nên không thể bị động vào bài viết có sẵn được”. Khả năng “tư duy hình ảnh” của đạo diễn Trần Đăng Mậu đã được các đồng nghiệp ở VTV ghi nhận, mặc dù, đúng như anh tự nhận, anh chỉ là một phóng viên tỉnh lẻ.
Người thắp nến tri ân
Hẳn khán giả truyền hình còn nhớ chương trình truyền hình trực tiếp “Huyền thoại Trường Sơn” được phát trên VTV3 vào đêm 27/7/2004. Hình ảnh hơn một vạn ngọn nến được thắp sáng trên từng phần mộ liệt sĩ gợi lên một không gian tưởng niệm ấm áp, linh thiêng. Nhà báo Đặng Diễm Quỳnh từng viết về những ngọn nến này: “Mỗi ngọn nến là một vầng sáng tượng trưng cho một trái tim đang đập, một sự sống đang cháy rạng, một linh hồn đang thức. Và khi nến đã thắp lên, người dưới mộ như được truyền mối giao cảm từ chúng ta, được hỏi thăm, được mời về để trò chuyện. Họ không đơn côi. Họ được nhớ tới, một lần nữa tỏa sáng lung linh. Hơn 10.000 ngọn nến làm cho không gian u tịch của nghĩa trang mênh mông trở nên gần gũi, ấm áp và thân thiết…Những hình ảnh trong bộ phim tài liệu “Che mát hồn anh” của đạo diễn Trần Đăng Mậu đã gợi ý cho chúng tôi dàn dựng màn dâng hương và thắp nến trong Huyền thoại Trường Sơn”.
Tôi tìm gặp nhà báo Trần Đăng Mậu để hỏi kỹ hơn về việc này. Anh kể: Năm 1997, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, tôi được phân công thực hiện một chương trình truyền hình theo “đơn đặt hàng” của VTV. Tôi phóng xe lên nghĩa trang Trường Sơn và ở lại đó một đêm để tìm cảm hứng ghi hình. Đang lang thang, tôi gặp một gia đình liệt sĩ người Nghệ An đang lên hương đèn để vọng người thiên thu. Hình ảnh ngọn nến sáng lung linh huyền diệu trên mộ liệt sĩ gợi lên một không gian huyền ảo. Phóng sự truyền hình “Nghĩa tình Quảng Trị” cuối cùng cũng hoàn thành và phát trên VTV, mặc dù hình ảnh ngọn nến trong đêm không hiện lên được do máy quay lúc đó chưa đủ để bắt sáng, nhưng tôi cứ ám ảnh về ngọn nến trong đêm đó.
Cho đến năm 2002, tôi trở lại Nghĩa trang Trường Sơn để làm phim tài liệu “Che mát hồn anh” nói về cây bồ đề thiêng ở đây. Điều tôi mong mỏi đã được thực hiện cho cảnh quay phim này: mua hơn 1.000 cây nến và mời 10 nữ thanh niên mặc áo dài cùng các sư thầy ở chùa Cam Lộ và các Phật tử thực hiện nghi thức dâng hương và thắp nến trong buổi lễ cầu siêu. Khi Diễm Quỳnh trao đổi với tôi về chương trình Huyền thoại Trường Sơn, tôi đã đưa chị xem một số tư liệu băng hình, trong đó có bộ phim “Che mát hồn anh” để tham khảo. Xem đến đoạn hình ảnh ngọn nến, Diễm Quỳnh gọi điện cho tôi và reo lên: “Ý tưởng đây rồi anh Mậu ơi”. Và màn dâng hương thắp nến đã trở thành điểm nhấn không chỉ trong “Huyền thoại Trường Sơn”, mà trong nhiều chương trình truyền hình khác như “Bản hùng ca bất diệt”, “Khúc tráng ca về một dòng sông”, “Một thời hoa lửa”… Và nó cũng trở thành nghi thức trong các đại lễ tri ân, cầu siêu ở gần 2.500 nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước.
Có thể coi nhà báo - đạo diễn Trần Đăng Mậu chính là người đầu tiên có ý tưởng cho điểm nhấn ấy, cho nghi thức tri ân ấy. Và tôi muốn gọi anh là “Người thắp nến tri ân”.
Nhà báo Trần Đăng Mậu Ảnh: Xuân An.
Thao thức với nghề
Dịp này năm ngoái, gặp nhau ở Quảng Trị như đã hẹn thường niên, nhà báo Trần Đăng Mậu nói nhỏ với tôi: Tôi đã tập hợp xong “chuyện nghề”, in xong tôi sẽ gửi biếu chị.
Tôi cứ mong mãi, vì biết rằng, những câu chuyện nghề của một người đam mê sâu sắc như anh, chắc chắn sẽ gây được nhiều ấn tượng. Vậy mà, đến tận tháng 7 năm nay, trong chuyến “về nguồn” này, tôi mới được anh trân trọng trao. Cái tiêu đề “Thao thức chuyện nghề” cùng với niềm mong mỏi được “khám phá hậu cảnh” những tác phẩm báo viết, báo hình của anh đã cuốn hút tôi xem một mạch. Đọc những trang viết mà anh trải lòng mình qua gần 30 năm lăn xả với nghề báo, thì mới thấy những điều tôi nghe về anh, rằng đó là một người Quảng Trị yêu quê hương nhất, đam mê nghề báo nhất, quả không quá lời.
Vốn là nhà báo chuyên mảng thời sự, nhưng Trần Đăng Mậu không chỉ “lo” những việc nóng hổi đang diễn ra, phát “ăn ngay” trong ngày, mà còn đầu tư tâm lực cho những tác phẩm dài hơi, nổi bật nhất là phim tài liệu vốn không phải là thế mạnh của các đài truyền hình tỉnh. Anh bảo, một năm không làm được hai phim tài liệu là anh cảm thấy bứt rứt như mắc nợ cuộc đời. Cũng không bất ngờ khi đề tài chiến tranh cách mạng luôn là niềm thao thức của nhà báo ở vùng đất giới tuyến một thời, nơi mà mỗi người dân phải gánh chịu đến 7 tấn bom đạn trong cuộc chiến 20 năm đằng đẵng. Anh đã từng là tác giả của gần 10 cuốn phim tài liệu, trong đó có 4 tác phẩm về đề tài chiến tranh.
Anh tâm sự: “Trong những phim tài liệu đã làm, bộ phim “Sắc màu ký ức” gây cho tôi nhiều xúc động hơn cả. Phim thể hiện cuộc tìm về Quảng Trị của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu, để họa sĩ cúi đầu tri ân trước Hiền Lương - Bến Hải, trước lũy thép Vĩnh Linh, trước đất thiêng Quảng Trị, trả ơn nghĩa sâu dày với đồng bào, đồng đội nơi chiến trường một thời máu lửa mà anh đã từng có thời gian gắn bó, thể hiện trong hơn 300 bức ký họa thời chiến. Họa sĩ cũng dự định sẽ tiếp tục vẽ những tác phẩm về Quảng Trị đang hồi sinh từng ngày trên con đường phát triển. Rất tiếc là anh chưa kịp thực hiện những ấp ủ đó cho Quảng Trị, đã vội đi xa”.
Lý giải cho lựa chọn “sinh tử” của mình đối với mảnh đất thiêng quê anh, đối với nghề báo và với đề tài chiến tranh cách mạng, nhà báo Trần Đăng Mậu như được “kích hoạt” niềm đam mê: “Ở Quảng Trị, mỗi tên đất, tên làng, tên núi, tên sông đều gắn với những chiến công bất tử. Vì thế, cũng không ngoa khi nói rằng: Quảng Trị là phim trường sống động cho những ai muốn khám phá, thử thách mình qua mỗi thước phim tài liệu, là đất thiêng cho những đề tài về chiến tranh cách mạng. Cho đến nay vẫn còn đó những nhân vật, câu chuyện bi hùng, in đậm kỳ tích chiến công. Hiện thực phong phú ấy là “đất dụng võ” cho các nhà báo thể hiện mình”.
Cho đến bây giờ, khi đã chuẩn bị rời vị trí Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Quảng Trị, Tổng biên tập đặc san “Nhà báo và Quê hương” để về với “Trần Đăng gia viên” của mình, và vừa trúng cử Phó Chi hội trưởng Chi hội Điện ảnh Quảng Trị, nhà báo Trần Đăng Mậu lại có cơ hội để tiếp tục “thao thức” với nền điện ảnh. Anh vẫn đang ấp ủ những bộ phim tài liệu, trong đó những thước phim về đề tài hậu chiến, về tinh thần hòa bình, hòa hợp dân tộc.
Chia tay anh sau chuyến về nguồn Quảng Trị năm nay, tôi cứ nghĩ: Không chỉ là người thắp nến tri ân, nhà báo Trần Đăng Mậu chính là một người thắp lên ngọn lửa yêu thương và đam mê cho nhiều thế hệ đồng nghiệp của anh, ở Quảng Trị cũng như khắp mọi miền đất nước. Thật đáng trân trọng.
NGUYỄN THỊ TRÂM