Từ cuộc sống, chiến đấu sôi động và thấm đẫm chất anh hùng ca, Xuân Ðức trở thành nhà văn, nhà viết kịch, biên kịch nổi tiếng. Và chất tài hoa càng mặn mà, thăng hoa hơn trong suốt những năm ông đảm trách cương vị người đứng đầu ngành văn hóa - thông tin tỉnh Quảng Trị. Ngay cả khi về hưu, chọn một góc nhỏ nơi miền chân sóng quê nhà để thư thái sớm hôm trồng vườn, nhớ lại, suy nghĩ và sáng tạo, ông vẫn tiếp tục cho ra đời những tác phẩm ngày càng đi vào độ chín.
Nhà văn Xuân Ðức tên thật là Nguyễn Xuân Ðức, sinh năm 1947 tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Hơn nửa thế kỷ trước, vào năm 1965, chàng trai trẻ Xuân Ðức trong đội hình những học sinh cuối khóa của Trường cấp III Vĩnh Linh bổ sung vào Tiểu đoàn 47 bộ đội địa phương Vĩnh Linh, vượt vĩ tuyến 17 chi viện cho chiến trường Quảng Trị. Sống và chiến đấu ngay trên quê hương đầy gian khổ, hy sinh, ông tự cảm nhận để vượt lên tất cả, đồng đội luôn phải giữ được sự lạc quan và niềm tin sắt son vào thắng lợi cuối cùng. Với năng khiếu và sự sắc nhạy của một tư duy văn chương, những món ăn tinh thần đậm chất lính như tấu, vè được sáng tác ngay nơi trận địa, trên đường hành quân đưa Xuân Ðức dần đến với nghề văn, nghiệp văn. Phong trào "Tiếng hát át tiếng bom" ra đời, ông tham gia đội Tuyên truyền văn hóa; sau ra làm cán bộ sáng tác cho Ðoàn Văn công Quân khu 4,
rồi lại được Tổng cục Chính trị điều ra Hà Nội phối hợp tác giả Ðào Hồng Cẩm viết vở "Tổ quốc" cho Ðoàn kịch Tổng cục Chính trị biểu diễn phục vụ Ðại hội IV của Ðảng. Sau, ông chuyển về Trại sáng tác Vân Hồ, học khóa I Trường viết văn Nguyễn Du. Tốt nghiệp, lại trở về Ban sáng tác Nhà hát Nghệ thuật quân đội. Cuối năm 1989, ông chuyển ngành về Quảng Trị, giữ các cương vị: Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, Tổng Thư ký Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị, Tổng Biên tập Tạp chí Cửa Việt...
Nhà văn Xuân Ðức là người con luôn nặng lòng với quê hương. Ðọc tác phẩm của ông, mỗi người dân Quảng Trị đều thấy bóng dáng quê hương, thân phận mình trong đó. Ông sáng tác và đóng góp chủ yếu ở lĩnh vực tiểu thuyết, tiếp đó là kịch nói; từng giành nhiều giải thưởng văn học có giá trị. Năm 1982, cuốn tiểu thuyết đầu tay hai tập mang tên "Cửa gió" của ông viết về con người và mảnh đất đôi bờ Hiền Lương được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng. 22 năm sau, với "Bến đò xưa lặng lẽ", ông cũng lấy bối cảnh ấy, cuộc sống ấy làm đề tài và lại được giải A tại cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1983, tiểu thuyết "Người không mang họ" đoạt Giải thưởng Vì an ninh Tổ quốc của Bộ Nội vụ, được dựng thành tác phẩm điện ảnh cùng tên… Sau vở "Tổ quốc" viết chung với Ðào Hồng Cẩm, giới sân khấu biết đến Xuân Ðức với những tác phẩm đoạt giải "đúp", như: "Người mất tích" - Giải A Bộ Quốc phòng, năm 1990; "Cái chết chẳng dễ dàng gì" - Giải A Bộ Quốc phòng, năm 1995, Giải thưởng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Huy chương vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1995; "Chứng chỉ thời gian" - Giải A Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam; "Ám ảnh" - Huy chương vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995, Giải thưởng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam năm 1995; "Chuyện đời thường vớ vẩn" - Giải thưởng kịch bản sân khấu nhỏ Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Huy chương vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990;… Năm 2007, ông vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật cho ba tác phẩm: "Cửa gió", "Người không mang họ" và "Tượng đồng đen một chân".
Những đóng góp của nhà văn Xuân Ðức cho quê hương, đất nước không chỉ có gia tài đồ sộ là các tác phẩm văn học, kịch bản có giá trị. Với cương vị Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Trị, ông đã để lại những dấu ấn trong công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực mà ông rất rành rẽ và tâm huyết. Năm 2000, ông chỉ đạo tổ chức Lễ hội Thống nhất non sông (lần đầu tiên) của tỉnh tại Khu di tích Ðôi bờ Hiền Lương - Bến Hải thành công tốt đẹp. Ðược sự cho phép của Chính phủ, từ năm 2010, lễ hội được nâng lên quy mô lễ hội quốc gia. Bên cạnh đó, là các chương trình, lễ hội hoành tráng như Nhịp cầu xuyên Á, Huyền thoại Trường Sơn, Liên hoan Tiếng hát Ðường 9 xanh… được công chúng ghi nhận. Tuy đã nghỉ quản lý, mới đây, nhà văn Xuân Ðức vẫn tâm huyết căn dặn lãnh đạo Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh chú trọng xét Giải thưởng Chế Lan Viên về văn học, nghệ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ hai cho chu đáo, chất lượng…
Từ buổi đầu đến với văn chương cho đến khi từ giã cõi đời, nhà văn tài hoa của miền đất lửa vẫn sáng tác với tận cùng niềm đam mê. Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Trị cho biết, mấy tháng gần đây, nhà văn Xuân Ðức vẫn dồn tâm huyết hoàn thành cuốn tiểu thuyết "Cõi rừng rú" mà ông ấp ủ đã 10 năm nay và vừa mới hoàn thành vở kịch "Những đứa con thời loạn", vở ca kịch "Những cô gái sông Bồ" do Ðoàn Ca kịch Huế và Ðoàn kịch Tổng cục Chính trị đang dàn dựng công diễn…
Khi tôi ngồi viết những dòng này thì nhà văn Xuân Ðức đã ra đi vào cõi thiên thu sau một tai nạn bất ngờ, ở lứa tuổi 75. Nhưng với những người hằng yêu mến, ngưỡng mộ ông và với mảnh đất Quảng Trị ruột thịt, ông vẫn còn mãi cùng những trang viết chất chứa, sâu nặng tình yêu thương.