NGƯỜI PHỤ NỮ MỘT LÒNG VÌ ĐẢNG, CÁCH MẠNG VÀ TẤM LÒNG NẶNG NGHĨA ÂN TÌNH VỚI CÁC ANH HÙNG LIỆT SỸ 

Hàng năm, cứ vào dịp ngày 27/7, tôi thường về thăm bà và thành kính thắp nén hương thơm cho các anh hùng liệt sỹ, năm nay khác với mọi năm, tôi đến sớm hơn, ngoài mục đích trên còn một việc khá quan trọng mà tôi đã thầm hứa với bản thân mình đó là gom góp những câu chuyện bà kể để phác họa lên một bức tranh sống động nhất về ký ức một thời đạn bom và phẩm chất kiên trung, gan dạ, anh hùng của người phụ nữ Việt Nam trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt đầy máu, nước mắt nhưng rất đỗi vinh quang và tự hào, người tôi muốn nói đến đó là bà Nguyễn Thị Bốn, ở khu phố Đại Áng, phường Đông Lương, thành phố Đông Hà.

Năm 16 tuổi, ở độ tuổi trăng tròn, thôn nữ chân chất làng quê được gia đình mai mối cho một thanh niên cùng làng, cuộc hôn nhân gán ghép chỉ tồn tại vỏn vẹn trong vòng hai năm sau khi bà nhận thức được rằng nếu đến với nhau không vì tình yêu thì chẳng bao giờ có hạnh phúc, vậy nên bà đã quyết định chia tay, nhưng mục đích lớn hơn cả là để bà được tự do đi làm cách mạng. Từ đây, bà dấn thân vào con đường mà mình đã lựa chọn, ban đầu bà móc nối cơ sở cách mạng để xin gia nhập vào tổ chức Đảng (vài năm sau kể từ ngày tham gia cách mạng bà đã kết hôn lại với ông Bùi Hữu Trình và hai người có với nhau một người con trai cho đến ngày ông hy sinh tại chiến trường Trị Thiên). Sau khi gia nhập tổ chức Đảng, bà được giao nhiệm vụ nắm và cung cấp tin hoạt động của địch tại cơ sở, bất kể trong thời điểm nào bà đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được đánh giá cao về khả năng và năng lực, tinh thần gan dạ, mưu trí, dũng cảm. Không dừng lại ở nhiệm vụ đó, bà còn bí mật nuôi giấu cán bộ, bảo vệ an toàn tính mạng cho nhiều bộ đội, cán bộ cao cấp của cách mạng qua các cuộc vây ráp điên cuồng của kẻ thù. Suốt thời gian hoạt động trong lòng địch biết bao nhiêu phen bà bị địch bắt, tra tấn thừa chết thiếu sống, có lần khi chúng bắt được, với hình thức tra tấn dã man như thời trung cổ là sử dụng búa đóng đinh vào 10 đầu ngón tay nhưng bà không hé răng khai báo nửa lời, với suy nghĩ "thà mình hy sinh còn hơn nhiều đồng chí đồng đội phải hy sinh", kẻ địch đã từng ra kế hoạch "bắt được bà xem như bắt và tiêu diệt được 5 thằng cộng sản", vì vậy, chúng sử dụng tất cả mọi thủ đoạn để mua chuộc, đấu tố, đánh đập nhưng vẫn không khuất phục được bà. Đặc biệt, trong qúa trình hoạt động cách mạng, được tổ chức động viên bà chấp nhận hy sinh danh dự bản thân lấy kẻ thù để có điều kiện đi sâu nắm tình hình trong lòng địch, nhưng khi biết được chồng bà là bộ đội, chúng đã bắt và giam cầm bà lúc đang còn bụng mang dạ chửa, cuộc đời của bà là thân phận của hai người phụ nữ (vừa là vợ bộ đội, vừa là vợ lính nguỵ) chịu nhiều mất mát đau thương chỉ vì một mục đích cao cả hy sinh cho Đảng và cách mạng.

Năm 1970 đến 1972, nhận thấy việc hoạt động có nguy cơ bị lộ, không an toàn, tổ chức Đảng phân công bà thực hiện nhiệm vụ mới: Chăm sóc thương bệnh binh trên chiến trường Cổ Thành, theo bà lúc bấy giờ, Cổ Thành là những trận chiến đầy cam go trước kẻ thù hung bạo, là sự mất mát hy sinh của chiến sĩ ta, là bản trường ca bất tử về những con người xếp bút nghiên lên đường tòng quân đánh giặc, với họ, tuổi đời chỉ mười tám đôi mươi thôi nhưng đã chiến đấu mà khi hy sinh vẫn nắm chắc tay súng, trong ba lô là những dòng nhật ký thấm đẫm nước mắt về lời hẹn hò với người con gái quê nhà, trong số đó có không ít người mới lập gia đình, vợ vừa sinh chưa biết được mặt con...   Ký ức sâu thẳm để lại nhiều nỗi ám ảnh nhất với bà là lần nhận được lệnh đưa trên 80 chiến sĩ bị thương lùi về tuyến sau chữa trị, bà cùng đồng đội sắp xếp chọn 40 chiến sĩ bị thương nặng nhất ưu tiên đưa lên thuyền trên sông Thạch Hãn để di chuyển, khi thuyền chở thương binh vừa rời bến thì vướng vào thủy lôi của địch phát nổ, phần lớn trong số đó đã hy sinh, máu, xương, hình hài của các anh đã hòa vào sông nước Thạch Hãn, dù thoát chết nhưng theo bà xem ra thà chết còn hơn, hình ảnh thực tại là nỗi đau dày xé tận tâm can còn hơn đinh đóng vào mười đầu ngón tay mà cho đến bây giờ vẫn day dứt mãi khôn nguôi.

Hòa bình lập lại, trở về đời thường, như bao người khác, bà tích cực tham gia lao động sản xuất, là thành viên HTX, vẫn con người đó, vẫn tính cách đó, hăng say nhiệt tình cách mạng, bà sẵn sàng chỉ ra những việc làm sai trái không có lợi cho xã viên, hay việc tư lợi của công, bớt xén vật tư nông nghiệp... bởi vậy, bà cho hay, cứ mỗi lần họp chưa thấy bà là xã viên nháo nhác còn Ban quản lý HTX bà ví von là "lo xanh mặt"... 

Bây giờ, quá cái tuổi thất thập, tuy mắt đã mờ, tay run, chân chậm nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn, những năm tháng cuối cuộc đời với sức tàn lực kiệt nhưng tâm trí bà chỉ luôn hướng về những công việc thiện nguyện thờ cúng, tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sỹ, bà đã làm những việc rất đỗi bình thường như mọi người khác từng làm, nhưng với tôi, những việc mà một bà lão già yếu, nghèo xác xơ trực tiếp thực hiện là điều lớn lao không tưởng: Định kỳ đến ngày 25 âm lịch hàng năm, với số tiền dành dụm được, bà mua lễ, làm một mâm cơm đặt trang trọng trong nhà để thắp hương cho các anh hùng liệt sỹ, với bà trần sao âm vậy, lễ cúng đó thật nhiều áo binh, vì theo bà ở thế giới bên kia các anh lạnh lắm, đặc biệt gần đây nhất bà đã bỏ ra số tiền trên trăm triệu đồng, mời các sư nhà chùa về trên bến sông Thạch Hãn (đoạn đi qua Đại Áng, Đông Lương) làm lễ cầu siêu suốt một tuần liền cho linh hồn các anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu hy sinh ở mặt trận Quảng Trị trên sông Thạch Hãn được siêu thoát, nhiều người ngạc nhiên về việc làm này, không ít người cho rằng tính khí bà gàn dở muốn sao làm vậy, ăn chưa no thân lo chưa tới mà bày đặt, nghèo mà sĩ... Vẫn biết những lời xì xào bàn tán vào ra, nhưng mặc họ, bà nói: Ai trải qua chiến tranh, chứng kiến những mất mát đau thương mới hiểu được giá trị cuộc sống hòa bình và hạnh phúc nên không thể thờ ơ vô cảm với mất mát hy sinh đó, còn tiền ư? (bà chỉ tay ra con đường thảm nhựa đi qua trước nhà) tiền đền bù đất đai lấy ra mà làm, vật chất có được nhờ công lao của các anh hùng liệt sỹ, mồ hôi, xương máu của họ đổ ra thì họ là người được thụ hưởng đầu tiên. Cái tình bà đối đãi với anh hùng liệt sỹ không chỉ là lễ nghĩa, mà còn là tinh thần ý thức tâm linh hiếm gặp, tại ngôi nhà đang sinh sống, bà lập trang thờ để thờ cúng hội đồng liệt sỹ, trước hiên có ghế để anh hùng liệt sỹ nghỉ ngơi, và nơi đây, cờ Tổ quốc là báu vật thiêng liêng được bà treo 365 ngày không thiếu.

Bà Nguyễn Thị Bốn và chiếc ghế trước hiên nhà cho liệt sĩ nghỉ ngơi

Nói, kể về bà Nguyễn Thị Bốn còn dài và nhiều nhiều lắm, nhưng xin được kết thúc câu chuyện với lời nhắn nhủ của bà rằng: "Thế hệ cha ông đã vất vả hy sinh giành lấy độc lập, tự do, vì vậy họ không bao giờ muốn con cháu mình phải tiếp tục chịu đựng gian khổ, tiếp tục đổ máu và hy sinh, điều họ mong muốn là các thế hệ con cháu về sau phải biết trân trọng quá khứ, quay lưng với quá khứ là có tội với dân tộc".

Trần Phú Hải-Công an TP Đông Hà

1261 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 831
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 831
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87036339