Người Phát ngôn BNG làm rõ một số vấn đề dư luận quan tâm 

(Chinhphu.vn) - Chiều 25/10, tại Hà Nôi, tại cuộc Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời những vấn đề dư luận quan tâm trong thời gian qua.

Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam về cuộc tập trận bắn đạn thật của Đài Loan vào tháng 11 tới tại đảo Ba Bình, Trường Sa, Người Phát ngôn cho biết:

“Chúng tôi luôn luôn theo sát tình hình diễn biến trên Biển Đông và sẽ kiểm tra thông tin trên. Tôi xin khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Mọi hoạt động của các bên mà không có sự cho phép của Việt Nam đều xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, an ninh hàng hải, hàng không cho khu vực, gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình trên Biển Đông”. 

Khi được hỏi về ý nghĩa chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis từ 16-17/10/2018 tới Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết:

Trong chuyến thăm tới Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã gặp Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch; chào Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và đến thăm Khu xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển phù hợp với khuôn khổ Đối tác toàn diện, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Hai bên đã khẳng định quan hệ hợp tác quốc phòng song phương trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, các hoạt động gìn giữ hòa bình, tiếp tục khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có hợp tác tẩy độc môi trường nhiễm dioxin đặc biệt là trong khu vực nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa.

Khắc phục hậu quả chiến tranh là lĩnh vực hợp tác quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Chúng tôi đánh giá cao đóng góp của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này và hoan ngênh Hoa Kỳ cam kết tiếp tục đóng góp để tẩy độc dioxin tại sân bay Biên Hòa.

Liên quan tới tiến trình ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) ngày 17/10/2018, Người Phát ngôn cho biết: Ủy ban châu Âu đã thông qua quyết định trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức EVFTA.

Đây là bước phát triển quan trọng thể hiện quyết tâm của cả hai bên thúc đẩy EVFTA, đóng góp cho quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện; là sự ủng hộ đối với thương mại tự do cùng có lợi và hệ thống thương mại đa phương mở.

Trên tinh thần đó, hai bên đang cùng nỗ lực thúc đẩy để hoàn tất các thủ tục để sớm ký kết chính thức, phê chuẩn và đưa vào thực thi Hiệp định này.

Trước thông tin chiến hạm Việt Nam bắt đầu tham gia diễn tập ASEAN - Trung Quốc, bà Hằng nhấn mạnh: “Đây là hoạt động hợp pháp nhằm trao đổi học hỏi kinh nghiệm cũng như nâng cao năng lực hải quân giữa các nước ASEAN và Trung Quốc”.

Trả lời câu hỏi liên quan tới thông tin 31 phụ nữ Việt Nam bị cảnh sát Malaysia bắt giữ tại Kuala Lumpur, Người Phát ngôn cho biết thêm:

Theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Kuala Lumpur, Malaysia, Đại sứ quán đã trao đổi, làm việc với cảnh sát của Cục Nhập cư Malaysia và các cơ quan này cho biết:

Thực hiện các hoạt động truy quét người nhập cư bất hợp pháp ngày 6/10/2018 vừa qua, Cục Nhập cư Malaysia đã kiểm tra một số trung tâm giải trí tại quận Cheras, Kuala Lumpur và tạm giữ nhiều người địa phương cũng như người nước ngoài.

Trong số những người nước ngoài bị bắt giữ thì có 31 phụ nữ Việt Nam. Theo thông tin ban đầu của cơ quan chức năng Malaysia, những phụ nữ Việt Nam bị bắt trong đợt truy quét vừa qua đã vi phạm quy định luật nhập của Malaysia, như là ở lại quá hạn cho phép, thiếu giấy tờ.

Hiện nay, các cơ quan chức năng sở tại đang điều tra và xử lý vụ việc.

Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng của sở tại về vụ việc này và sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.

Liên quan tới những nỗ lực của Việt Nam để EU sẽ rút thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam, bà Hằng thông tin thêm:

Các cơ quan chức năng của Việt Nam duy trì trao đổi chặt chẽ với phía EU, cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của EU nhằm sớm để EU rút thẻ vàng với thủy hải sản Việt Nam.

Theo thông tin mới nhất, EU ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam và Việt Nam hết sức mong muốn EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng này nhằm bảo đảm quyền lợi cũng như lợi ích chính đáng của người Việt Nam.

Thùy Dung

355 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 871
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 871
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87055995