Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, ước tính có trên 2.100 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú, ngao bên ngoài đê bị vỡ bờ bao và ngập hoàn toàn gây thiệt hại lớn. Trong đó, huyện Giao Thủy có 1.755ha, Hải Hậu 101ha, Nghĩa Hưng 249ha và Xuân Trường 28ha.
Ở các huyện Hải Hậu, Xuân Trường có 66 ha hoa màu bị dập nát, ngập úng; 25 trang trại chăn nuôi bị ngập, sập, tốc mái, thiệt hại trên 400 con gia súc, gia cầm. Tại huyện Hải Hậu có 10 nhà dân bị tốc mái, sập; gần 150 lều, chòi canh tôm, ngao và lán kinh doanh của người dân ở xã Hải Lý, thị trấn Thịnh Long bị đổ sập, tốc mái. Các huyện Hải Hậu, Giao Thủy có 231 mủng, mảng công suất dưới 20CV neo đậu ở khuc vực bãi ngang bị va đập gây hư hỏng, sóng đánh chìm.
Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, hơn 2.000m đê biển ở các huyện Hải Hậu, Giao Thủy (Nam Định) đã bị sạt lở chân đê, mái đê phía trong đồng. Nhiều đoạn trên các tuyến đê sông ở các địa phương trong tỉnh cũng bị tràn, sạt. Hiện các vị trí sạt lở trên các tuyến đê sông, đê biển đã được các địa phương và lực lượng chức năng gia cố giờ đầu.
Kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau bão, lãnh đạo tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục theo dõi chặt chẽ hệ thống đê điều trên địa bàn, đặc biệt là tại các vị trí xung yếu, những công trình đang thi công, sửa chữa để xử lý kịp thời các sự cố đảm bảo an toàn. Cùng với đó, tiến hành khảo sát chi tiết, đánh giá mức độ thiệt hại để đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài đảm bảo an toàn cho tuyến đê biển../.
Nam Thành/TTXVN