Nơi ngự của hai vị thần
Thế giới quan của tộc người Vân Kiều: Thần Đất (Ku Tẻ), Thần Lửa (Ku Đéc) là hai vị thần rất gần gũi trong đời sống của họ. Thần Đất giúp con người có nơi ăn chốn ở, sinh ra cây trái, giống vật…; Thần Lửa giúp nấu chín thức ăn, tạo ra hơi ấm, là nguồn năng lượng giúp họ sinh tồn. Chính vì sự gần gũi và thiết thực ấy, tổ tiên của người Vân Kiều đã giao sứ mệnh chăm sóc hai vị thần này cho người phụ nữ.
Vì sứ mệnh thiêng liêng đó, người phụ nữ Vân Kiều đã nghĩ ra và làm nên chiếc tẩu thuốc bằng đất nung để tiện cho việc chăm sóc Thần Đất và Thần Lửa. Họ dùng đất sét, một loại đất vừa dẻo, vừa tinh khiết để nặn nên những chiếc tẩu với nhiều hình dáng, hoa văn khác nhau, sau đó dùng lửa nung chín.
“Chiếc tẩu được xem là nơi ngự của Thần Đất và Thần Lửa, nên việc hút thuốc bằng tẩu đất nung là “đặc quyền” của phụ nữ Vân Kiều. Nếu là con gái chưa chồng, hoặc đàn ông, con trai người Vân Kiều có hút thuốc thì chỉ có thể dùng lá thuốc để cuốn, không được dùng tẩu. Đó là quy ước từ ngàn đời nay của người Vân Kiều chúng tôi” - già làng Hồ Mây nói.
Điều đặc biệt, chiếc tẩu thuốc bằng đất nung ấy phải được chính bàn tay của người phụ nữ Vân Kiều làm ra. Theo già làng Hồ Mây, ngày xưa gần như người phụ nữ nào cũng có thể làm cho mình những chiếc tẩu để dùng.Ngoài kỹ năng biết dệt vải thì việc nặn tẩu cũng là một trong những yêu cầu tối thượng đối với con gái Vân Kiều trước khi về nhà chồng.
Bà Con nói, người phải có tâm, kiên nhẫn và khéo tay mới làm ra được chiếc tẩu hoàn hảo
Vật dụng ấy theo tiếng Vân Kiều là Ku Tẻ, mang chính tên vị thần đã cho một phần xác thịt của mình để tạo ra nó. Người phụ nữ Vân Kiều luôn mang Ku Tẻ bên mình, dùng lá thuốc rừng hay lá thuốc trồng được để giữ lửa trong ống tẩu. Họ dùng ống tre nhỏ, tra thuốc vào ống tẩu, châm lửa, ngậm vào miệng cho khói lưu thông để duy trì lửa. Dù vào rừng hái lượm hay đang ở nhà, mỗi lúc nhóm bếp họ đều lấy lửa từ ống tẩu, như cách tri ân hai vị thần mà mình có sứ mệnh chăm sóc. Cuộc sống hiện đại đã làm mai một dần, không mấy người phụ nữ Vân Kiều ngày nay còn biết nặn tẩu và nhóm bếp từ tẩu.
Truyền nhân cuối cùng
Ông Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch MTTQ xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) dẫn chúng tôi trèo qua mấy con dốc mới tới được nhà bà Hồ Thị Con, người mà ông Tráng giới thiệu là truyền nhân cuối cùng biết nặn tẩu của tộc người Vân Kiều.
Bà Con chừng 60 tuổi, khá xởi lởi với khách lạ. Bà Con cho biết, mình biết làm tẩu từ năm 16 tuổi, do mẹ truyền lại trước khi về nhà chồng. “Học làm tẩu không phải dễ, ngoài sự kiên nhẫn, khéo tay thì cần thời gian mới có thể lành nghề. Ngày xưa phụ nữ Vân Kiều ai cũng biết làm tẩu để dùng, nhưng không phải ai cũng có thể làm ra được chiếc tẩu tinh xảo và giữ lửa được lâu” - bà Con nói.
Bà Con có một độ đồ nghề nặn tẩu gia truyền từ mấy trăm năm trước để lại. Nó được tạo nên từ xương và nanh vuốt của lợn rừng gồm: Khuôn ra điếu, vật tạo hình, vật thông điếu, vuốt “cổ chim”… Chỉ duy nhất vật để tạo hoa văn trên ống tẩu là một đồng bạc cổ. Bộ đồ nghề quý giá này được bà Con cẩn thận đựng trong một chiếc hộp nhỏ đặt trên ban thờ. Mỗi vật dụng trong đó bóng láng, mòn nhẵn chất đầy dấu ấn thời gian.
Theo bà Con, để làm nên một chiếc tẩu phải mất rất nhiều công đoạn, chỉ cần lỗi một trong các công đoạn xem như chiếc tẩu không thể hoàn thành. Ngay công đoạn đầu tiên là trộn nước, ủ đất, nếu thừa nước thì khó định hình chiếc tẩu, còn thiếu nước thì tẩu bị nứt chân chim khi đưa vào nung. Riêng việc tạo nên chiếc tẩu giữ lửa được lâu, khi hút không quá nóng hay quá lạnh lại là bí quyết gia truyền. Nếu người sành tẩu, còn cảm nhận được vị ngọt của hơi thuốc từ chiếc tẩu tinh xảo của bà.
Bà Con cho biết, công đoạn cuối cùng nung tẩu, mặc dù không vất vả nhưng phải để tâm, nếu không chiếc tẩu không thể hoàn thành như ý. Sau khi nặn xong, chiếc tẩu được mang ra phơi khô nhưng phải dưới bóng râm. Khi đủ độ khô ráo mới được đưa vào lò trấu để nung. Trấu nung tẩu phải là loại trấu từ lúa rẫy của người Vân Kiều, nếu dùng vật liệu khác sẽ khó kiểm soát nhiệt độ trong lò. Chiếc tẩu được nung trong lò 24 giờ, nhưng cứ 2 tiếng là phải đảo tẩu, đảo trấu một lần để nhiệt độ luôn luôn ổn định. Chiếc tẩu được nung đúng nhiệt độ sẽ cho ra màu đồng hun.
Cầm một chiếc tẩu vừa mới hoàn thành ở công đoạn thô (chưa đưa vào nung) bà Con vừa ngắm nghía, vừa giảng giải: “Tôi mất ba năm để làm quen với đất sét và hơn nửa đời người mới hiểu hết đất sét. Nếu người nào không khéo tay, kiên nhẫn, nhập tâm thì chỉ có thể tạo ra những chiếc tẩu vô hồn. Mỗi chiếc tẩu tôi làm ra đều có đời sống riêng của nó. Ngày xưa không ít phụ nữ Vân Kiều còn biết cách luyện tẩu. Ngoài việc làm lễ nhập thần vào tẩu khi mới mang về nhà, người dùng bắt đầu luyện tẩu. Mỗi người có một bí quyết riêng về cách luyện tẩu như: tra thuốc, châm lửa, ngậm tẩu, rít hơi…, nhưng đích đến cuối cùng là tạo nên một chiếc tẩu có hồn cốt”.
Bà Con cho biết, sản phẩm của bà làm ra được hầu hết phụ nữ Vân Kiều không chỉ ở Quảng Bình, Quảng Trị mà cả Lào ưa thích. Họ đặt hàng cho bà rất nhiều, nhưng mỗi năm bà chỉ nhận làm chừng 100 chiếc tẩu.Công phu là vậy nhưng bà chỉ lấy 20.000 đồng một cái tẩu nhỏ, 30.000 đồng một cái tẩu to. “Là nghề gia truyền nên mình không thể làm ẩu được. Không ít người dưới xuôi lên đây đặt hàng với giá cao nhưng tôi không làm, vì tẩu là vật thiêng của người Vân Kiều” - bà Con nói.
Trong căn nhà sàn nằm ven suối ở bản Bến Đường, bà Con trình diễn cho chúng tôi xem cách làm tẩu. Kỳ công và tinh xảo. Bao tinh hoa của tộc người Vân Kiều như gói chặt vào Ku Tẻ. Một mỹ tục cổ xưa độc đáo, giá trị, lạ thay chỉ còn một truyền nhân cuối cùng bên thác Chàn Lụa.
Theo bà Hồ Thị Con, để làm ra được một chiếc tẩu đạt chuẩn phải mất rất nhiều công phu. Đầu tiên là việc chọn nguyên vật liệu. Đã hơn 40 năm nay, mỗi lần hết nguyên vật liệu, bà phải lội rừng hơn 70km để đến mỏ đất sét tinh khiết nhất mang về dùng. Đất sét mang về trộn với nước suối tinh khiết, ủ một thời gian, sau đó dùng tay nhào nặn cho đến khi thật nhuyễn, không vương tạp chất hay một hạt cát nào nữa mới bắt đầu đến công đoạn nặn tẩu.
HOÀNG NAM