Anh Hiếu là 1 trong số 100 người có lượt hiến máu kỷ lục cùng tụ hội tại buổi lễ tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2019. 

Chia sẻ tại chương trình gặp mặt báo chí giới thiệu các hoạt động tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc 2019 ngày 4/6, anh Hiếu vui vẻ nói: “Tôi phấn đấu sẽ hiến máu đến 100 lần, khi không còn đủ điều kiện hiến nữa. 100 đại biểu có mặt tại đây, tôi biết được các đại biểu đã hiến máu rất nhiều lần, 100 người sẽ 100 lý do bén duyên với hoạt động hiến máu và sẽ có những câu chuyện về hiến máu bạn nhớ đến cuối đời”.

Anh Nguyễn Trí Hiếu là 1 trong số 100 người được tôn vinh
người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2019. Ảnh: ĐT
 
 Anh Hiếu cho biết, năm 1994, khi phong trào hiến máu chưa phát triển, việc mua máu vẫn còn rất khó khăn do người dân vẫn chưa có nhiều thông tin, kiến thức về hiến máu tình nguyện. “Không chỉ mẹ tôi mà thời điểm đó, rất nhiều bệnh nhân lẽ ra có cơ hội được sống tiếp nhưng do thiếu máu mà đã phải rời xa thế giới này. Nhiều khi nghĩ, nếu mẹ ở trong thời đại này, có lẽ mọi thứ đã khác”- anh Hiếu chia sẻ.

Vậy nên, vài năm sau sự ra đi của người mẹ, khi thấy thông tin về hiến máu, nhớ đến mẹ, anh quyết định đi đăng ký hiến máu.

Nhưng lần đầu đi hiến máu với anh Hiếu không trơn tru gì, anh chuẩn bị kỹ, bao gồm cả việc ăn sáng no căng. Cũng vì ăn rồi nên anh không được hiến. Từ lần đó, đến nay, sau 22 năm anh đã hiến máu đến 71 lần.

Bản thân anh Hiếu cũng đã đăng ký hiến mô, hiến tạng từ nhiều năm trước. "Tôi thấy mình có thể cho đi thứ gì thì mình không giữ " - anh chia sẻ.

Cũng đến từ TP.Hồ Chí Minh, bác Lâm Văn Vinh (57 tuổi) là một trong những thành viên Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm của TP Hồ Chí Minh với 45 lần hiến máu. Do mang trong mình nhóm máu hiếm (B Rh-), với tỉ lệ khoảng 10.000 người mới có 4-7 người nên bác Vinh có tên trong danh sách hiến trực tiếp, cứ khi nào BV cần máu là gọi, dù đang ở đâu bác cũng gác hết việc để lao đến. Trong đó, bác từng hiến cho 1 em nhỏ ghép thận và bệnh nhân mổ tim tại Bệnh viện 115, TP. Hồ Chí Minh.

Dù hiến máu cứu rất nhiều người cùng nhóm máu hiếm nhưng bác Vinh chưa từng được bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nào cảm ơn. Bác bảo, chưa bao giờ quan tâm đến điều đó, cho đi không mong nhận lại điều gì. Chỉ còn 3 năm nữa là hết tuổi hiến máu, bác hy vọng những giọt máu của mình sẽ còn giúp ích được thêm nhiều người khác.

Bác Lâm Văn Vinh là một trong những thành viên tích cực trong Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm của TP Hồ Chí Minh. Ảnh: ĐT

Anh Nguyễn Đức Kiên (Hà Nội) là Trưởng CLB Nhóm máu hiếm miền Bắc đã có 15 lần hiến máu, trong đó nhiều lần hiến máu khẩn cấp. Từ khi biết mình thuộc nhóm máu hiếm Rh-, Kiên không khỏi bất ngờ và vui vì có nhóm máu đặc biệt hơn người bình thường, nhưng xen vào đó là nỗi lo lắng nếu mình có vấn đề về sức khoẻ thì nguồn máu tiếp sẽ rất ít ỏi. Từ đó, Kiên lên các mạng xã hội, vào các nhóm hiến máu tình nguyện và “gom” những người có nhóm máu hiếm về thành lập CLB chuyên sâu về nhóm máu hiếm.

Với quan niệm “Cho đi để nhận lại nhiều hơn”, Nguyễn Đức Kiên và các thành viên trong CLB của mình luôn sẵn sàng hiến máu mỗi khi có bệnh nhân cần, thậm chí sẵn sàng vượt hàng trăm cây số để kịp thời cung cấp máu, cứu sống bệnh nhân. “Khó khăn của CLB là số lượng thành viên ít, lại tản mát ở nhiều địa bàn khác nhau, trong đó chỉ có khoảng 30 - 40% người có thể hiến máu thường xuyên, do đó phải liên kết các thành viên các tỉnh từ Bắc vào Nam”, anh Nguyễn Đức Kiên cho hay.

Có "thâm niên" 31 lần hiến máu, ông Phạm Hồng Minh (55 tuổi, ở Ninh Bình) chia sẻ không chỉ cá nhân ông thường xuyên đi hiến máu mà ông đã vận động vợ con, anh em họ hàng, đồng nghiệp cùng tham gia hiến máu, với số lần hiến máu khoảng hơn 70 lần. Sau mỗi lần hiến máu, sức khoẻ ông vẫn rất tốt nên các thành viên trong gia đình đều ủng hộ. Đối với ông Minh, việc cho đi giọt máu là san sẻ sự sống cho nhiều người khác mà không mong nhận lại. Sau mỗi lần như thế, ông cảm thấy tâm hồn thanh thản, thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn./.

Đỗ Thoa