Người lao động Quảng Trị hướng đến thị trường Hàn Quốc 

QTO - Hàn Quốc vốn là thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam. Trong những năm gần đây, thị trường này tiếp tục ghi nhận nhiều người lao động Việt Nam, trong đó có lao động Quảng Trị, lựa chọn để làm việc theo hợp đồng. Theo công bố của Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, năm 2023, nước này có kế hoạch thuê khoảng 110.000 lao động nhập cư để làm việc trong các cơ sở sản xuất công nghiệp và nông nghiệp.

Nhận được kết quả kỳ thi tiếng Hàn và kiểm tra tay nghề trong ngành sản xuất chế tạo và xây dựng do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) phối hợp với Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc tổ chức, anh Nguyễn Xuân Phúc (sinh năm 1995), ở thị xã Quảng Trị không khỏi vui mừng. Khác với nhiều lao động khác, trước đó Phúc khá tự tin với kỳ thi mình vừa trải qua do anh đã từng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc.

Công việc của anh là lái xe nâng cho một công ty chuyên sản xuất về nông nghiệp ở tỉnh Gyeongsangbuk. Sau khi hết hạn hợp đồng lao động, Phúc về nước một năm và nay lại đăng ký sang Hàn Quốc làm việc.

“Thời gian đầu mới sang Hàn Quốc, nhờ được trang bị tốt các kỹ năng nên tôi bắt nhịp khá nhanh với cuộc sống và công việc nơi đây. Hơn nữa, mức thu nhập khoảng 50 triệu đồng/tháng cũng là nguồn động viên để tôi nỗ lực nhiều hơn trong công việc. Đây là lý do mà tôi tiếp tục lựa chọn thị trường Hàn Quốc để làm việc trong đợt này”, anh Phúc chia sẻ.

Nhằm giải quyết nhu cầu thiếu hụt lao động trong nước, Hàn Quốc đã cải tiến Chế độ cấp phép tuyển dụng lao động nước ngoài (Chương trình EPS). Theo đó, Hàn Quốc tích cực sửa đổi các quy định nhằm thúc đẩy nguồn nhân lực nước ngoài lành nghề phục vụ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; vận dụng đa dạng phương thức sử dụng nhân lực nước ngoài để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực tại các vùng sâu, vùng xa; tăng cường hỗ trợ cư trú nhằm đẩy nhanh sự thích ứng xã hội cho nhân lực nước ngoài.

Để hỗ trợ tốt hơn cho người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc tiếp tục phối hợp với Văn phòng Quản lý lao động EPS và các trung tâm hỗ trợ lao động nước ngoài đa dạng công tác tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ lao động bằng các hình thức phù hợp.

Kết quả, năm 2022, theo chương trình EPS, Việt Nam có gần 9.000 lao động nhập cảnh trong tổng chỉ tiêu 70.000 lao động cho 16 nước tham gia phái cử. Trong năm 2023, Hàn Quốc thông báo chỉ tiêu cấp phép 110.000 lao động cho 16 nước. Việt Nam đặt mục tiêu đưa 10.000 lao động nhập cảnh Hàn Quốc.

Người lao động Quảng Trị hướng đến thị trường Hàn QuốcNgười lao động tìm hiểu thông tin về thị trường lao động Hàn Quốc -Ảnh: M.T

Thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc hiện nay có nhiều chương trình được triển khai như: E7- diện lao động kỹ sư, kỹ thuật; du học vừa học vừa làm; chương trình thời vụ; chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc (EPS).

Trung tâm Lao động ngoài nước - Bộ LĐ, TB&XH được giao nhiệm vụ tuyển chọn và phái cử lao động sang Hàn Quốc làm việc. Ở mỗi địa phương, bộ giao nhiệm vụ cho các sở LĐ, TB&XH. Tại Quảng Trị, Sở LĐ,TB&XH đã giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị là đơn vị duy nhất tiếp nhận và hướng dẫn quy trình đăng ký đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS.

Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị Võ Văn Hoàn, với chức năng, nhiệm vụ được giao, trung tâm đã tiếp nhận và hướng dẫn quy trình đăng ký đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS từ tháng 5/2005. Thị trường Hàn Quốc được người lao động lựa chọn tham gia khá lớn vì đây là chương trình phi lợi nhuận được ký kết giữa hai nước Hàn Quốc và Việt Nam.

 

Người lao động nước ngoài được pháp luật Hàn Quốc bảo vệ và được hưởng những quyền lợi cơ bản bình đẳng như người lao động Hàn Quốc. Đây cũng là chương trình xuất khẩu lao động có chi phí tham gia rẻ nhất, dao động khoảng từ 35 - 40 triệu đồng; có những chính sách ưu đãi đối với lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các chính sách của Nhà nước liên quan khác.

Người lao động Quảng Trị hướng đến thị trường Hàn QuốcNgười lao động trước giờ xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc -Ảnh: M.T

Người lao động được hỗ trợ về chọn ngành nghề và các ưu đãi về hỗ trợ chi phí học, thủ tục xuất cảnh; chương trình tuyển dụng độ tuổi dài nhất từ 18 đến dưới 39 tuổi; không yêu cầu trình độ, bằng cấp. Để tham gia vào chương trình này, người lao động phải trải qua kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Hàn do phía Hàn Quốc phối hợp với Việt Nam tổ chức.

Sau khi đạt yêu cầu 2 vòng thi, người lao động sẽ được khám sức khỏe và làm hồ sơ dự tuyển để giới thiệu với chủ sử dụng lao động Hàn Quốc. Chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn ký hợp đồng, người lao động mới làm thủ tục đi làm việc tại Hàn Quốc.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị đã tích cực tuyên truyền, phổ biến thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động trong tỉnh tiếp cận với cơ hội việc làm theo chương trình EPS. Kết quả, từ 5/2005 đến tháng 6/2023, có hơn 4.500 lao động Quảng Trị xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS.

Riêng từ đầu năm 2023 đến nay có 330 lao động xuất cảnh; hơn 1.000 người lao động đăng ký dự thi theo chương trình EPS năm 2023 cho 4 ngành: sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp; 650 lao động đăng ký học tiếng Hàn dự nguồn cho kỳ thi tới; hơn 700 hồ sơ đang chờ chủ sử dụng lựa chọn và xuất cảnh.

Chương trình EPS có các ngành đăng ký

Ngành sản xuất chế tạo và xây dựng: Đối tượng thuộc tất cả địa phương toàn tỉnh.

Ngành nông nghiệp: Người lao động thường trú tại các huyện Đakrông, Cồn Cỏ; các xã Hải An, Hải Khê (huyện Hải Lăng) và xã Gio Hải, huyện Gio Linh (theo Quyết định số 353/ QĐ-TTG ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Ngành ngư nghiệp: Người lao động thường trú tại các xã, thị trấn ven biển và hải đảo trên địa bàn, bao gồm các xã: Hải An, Hải Khê (huyện Hải Lăng), Triệu Vân, Triệu An, Triệu Lăng, Triệu Độ (huyện Triệu Phong), thị trấn Cửa Việt, Gio Việt, Gio Hải, Trung Giang, Gio Mai (huyện Gio Linh), thị trấn Cửa Tùng, các xã: Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh) và huyện đảo Cồn Cỏ.

Để tạo điều kiện cho người lao động trên địa bàn tiếp cận với chương trình EPS, ngoài việc thông tin kịp thời tình hình thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị tăng cường các giải pháp hỗ trợ người lao động về ngoại ngữ, kiến thức, kỹ năng, giáo dục định hướng nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu lao động.

Đồng thời, thông tin, tuyên truyền rộng rãi các chính sách ưu đãi của Hàn Quốc đối với người lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng thời hạn; người lao động mẫu mực, tái nhập cảnh Hàn Quốc làm việc. Thông qua hoạt động tuyên truyền sẽ giúp người lao động tuân thủ pháp luật Hàn Quốc, chấp hành tốt hợp đồng và về nước đúng thời hạn khi kết thúc hợp đồng, góp phần giảm số lao động cư trú trái phép tại Hàn Quốc”, Phó Trưởng Phòng Thông tin thị trường lao động và giới thiệu việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nguyễn Ngọc Hà cho biết.

Minh Thảo

631 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 797
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 797
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77276007