Đây là nhận định của lãnh đạo Tổng cục Thống kê tại cuộc họp báo về tình hình lao động và việc làm quý III và 9 tháng năm 2020, được tổ chức ngày 6/10 tại Hà Nội.
Theo Tổng cục Thống kê, dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng khắp toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2020 giảm 4,5%, điều chỉnh thêm 1,5 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 6 năm 2020. Số liệu về tình hình lao động việc làm cho thấy, tình trạng thất nghiệp quý III đã có dấu hiệu giảm nhiệt so với quý II tại một số quốc gia trên thế giới, như Canada, Mỹ, Trung Quốc với tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 8 năm 2020 tương ứng là 10,2%; 8,4%; 5,9%, tuy nhiên vẫn còn cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Không nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng, ở Việt Nam tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại với diễn biến phức tạp đã làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại.
|
Đại diện các địa phương tham dự cuộc họp qua hình thức trực tuyến. Ảnh:VGP. |
Bà Vũ Thị Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cho hay, tính đến tháng 9 năm 2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ), gần 40,0% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tính đến tháng 9 năm 2020, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến người lao động đang làm việc trong hầu hết các ngành, trong đó một số ngành có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng lớn như: ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí (88,6%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (81,7%), vận tải kho bãi (79,7%), hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (72,7%), công nghiệp chế biến chế tạo (70,1%), bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô và xe máy (68,5%), giáo dục đào tạo (68,5%), hoạt động kinh doanh bất động sản (67,8%).
Tính chung 9 tháng năm 2020, lao động tại khu vực nông thôn và lao động nữ vẫn là những nhóm chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất bởi tác động của dịch COVID-19 với mức giảm của lực lượng lao động thuộc hai nhóm này so với cùng kỳ năm trước lần lượt là 3,2% và 2,3%.
Chia theo ngành, lao động trong một số ngành dịch vụ như vận tải kho bãi, lưu trú và ăn uống, nghệ thuật, vui chơi và giải trí bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch COVID-19
Theo khu vực, lao động có việc làm ở khu vực thành thị tăng 471,0 nghìn người so với quý trước và giảm 77,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; ở khu vực nông thôn, số người có việc làm tăng hơn 1,0 triệu người so với quý trước và giảm 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Lao động có việc làm tăng so với quý trước chủ yếu ở nhóm lao động phi chính thức; tốc độ tăng của lao động phi chính thức cao hơn so với tốc độ tăng của lao động chính thức.
Khi báo chí có băn khoăn về số liệu trong 9 tháng chỉ có có 7,8% lao động bị giảm lương, bà Vũ Thị Thu Thuỷ lý giải, một số ngành dịch vụ bị ảnh hưởng lớn bởi dịch thì hầu hết lao động của doanh nghiệp bị giảm lương, nhưng những ngành này có “tỷ trọng nhỏ tương đối với tổng số lao động được thống kê”.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phân tích thêm, thời gian qua, bên cạnh những ngành bị ảnh hưởng cũng có những ngành nghề phát triển hơn như thương mại điện tử, các công việc như vận chuyển hàng hoá, có số lao động tăng lên do nhu cầu giãn cách do dịch, hạn chế mua sắm trực tiếp.
Lao động phi chính thức tăng
Theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động tăng trở lại sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quý II năm 2020 cho thấy thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi, cung cấp nguồn nhân lực dồi dào cho cơ hội sản xuất kinh doanh và phục hồi kinh tế.
Lao động có việc làm tăng so với quý trước (tăng 1,5 triệu người) và tăng chủ yếu ở nhóm lao động phi chính thức, số người thiếu việc làm cũng tăng lên đáng kể.
Số lao động có việc làm phi chính thức quý III năm 2020 là 20,7 triệu người, tăng 1,2 triệu người so với quý trước và tăng 149 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, tốc độ tăng lao động có việc làm phi chính thức cao hơn so với tốc độ tăng của lao động có việc làm chính thức (tương ứng là 5,8% và 0,8%). Điều này cho thấy sự phục hồi của thị trường lao động hiện nay còn thiếu tính bền vững do lao động phi chính thức được coi là bộ phận lao động phải đối mặt với nhiều thiệt thòi và bất lợi, khó tiếp cận với các chế độ phúc lợi và bảo hiểm xã hội.
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý III năm 2020 là 57,0%, tăng 1,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,0 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở khu vực nông thôn cao hơn 13,4 điểm phần trăm so với khu vực thành thị, tương ứng là 62,9% và 49,5%.
Gần một nửa lao động thất nghiệp trong độ tuổi cho biết bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 tính đến tháng 9 năm 2020. Tỷ lệ này của nhóm lao động thất nghiệp không có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 61,7%, cao hơn 23,2 điểm phần trăm so với nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật (38,5%). Điều này cho thấy khi nền kinh tế gặp cú sốc, lao động không có trình độ dễ bị tổn thương hơn nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật.
Một phần ba doanh nghiệp tham gia khảo sát nhanh cho biết phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động; các doanh nghiệp vận tải hàng không, du lịch và dịch vụ lưu trú có tỷ lệ lao động bị cắt giảm cao nhất.
Tính đến thời điểm khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp đã được nhận hỗ trợ trên tổng số DN tham gia khảo sát là 17,9%; trong đó, 4,0% doanh nghiệp nhận được các hỗ trợ liên quan đến chính sách lao động và bảo hiểm xã hội.
|
Toàn cảnh họp báo ở Hà Nội. Ảnh:VGP. |
Bà Valentina Barcucci, Phó Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế ILO Việt Nam đánh giá: tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam dù là trước hay sau dịch luôn “thấp hơn nhiều” so với các nước trong khu vực, nhưng điều này không có nghĩa là Việt Nam chịu ít thách thức.
Tỷ lệ thất nghiệp chỉ là một tiêu chí đánh giá, cần có nhiều thông tin hơn về chất lượng thị trường lao động, đặc biệt là cả các nhóm không tham gia thị trường lao động.
“Chúng ta phải có phân tích và có thông tin nhiều hơn vào nhóm người đang có việc làm, lao động phi chính thức…công việc họ thế nào, chất lượng có đủ tốt không để phác hoạ bức tranh đầy đủ về thị trường lao động”, bà Valentina Barcucci.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, kết quả Điều tra lao động việc làm quý III năm 2020 cho thấy người lao động vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Đây là những đối tượng quan trọng góp phần vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới; do vậy, các chính sách cần tiếp tục tập trung vào các đối tượng này nhằm củng cố niềm tin, tạo động lực và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.
Trong đó, Tổng cục Thống kê khuyến nghị cần tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo chi đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả. Cần nghiên cứu để xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động phi chính thức nhằm giúp họ tìm kiếm việc làm và đóng góp sức lao động trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế; đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để phục hồi hoạt động kinh tế của tất cả các ngành, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19. Trong đó, cần thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo cho người lao động tại các doanh nghiệp.
“Đến cuối năm khi các khảo sát, điều tra đủ dài, Tổng cục Thống kê sẽ có các số liệu cụ thể hơn về các đánh giá tác động tới một số khu vực kinh tế, xu hướng dịch chuyển ngành nghề, phục vụ cho hoạt động điều hành”, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho hay.
Huy Thắng