Trong cuộc đời làm báo của mình Người đã sử dụng trên 150 bút danh, viết và trả lời phỏng vấn cho nhiều tờ báo, tạp chí bằng tiếng Việt và cả các thứ tiếng: Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc. Bác Hồ còn là người sáng lập, hoặc đồng sáng lập nên 9 tờ báo và tạp chí: Người cùng khổ, Tạp chí Quốc tế Nông dân, Thanh niên, Công Nông, Lính Cách Mệnh, Đồng Thanh, Tạp Chí Đỏ tiền thân của Tạp chí Cộng sản ngày nay, Việt Nam độc lập và Báo Cứu quốc. Với việc sáng lập tờ báo Thanh niên, số đầu tiên ra ngày 21/6/1925[1], Hồ Chí Minh là người khai sinh nền báo chí Cách mạng Việt Nam.
Với bề dày và kinh nghiệm của một người làm báo, những lời dạy của Người là bài học, kinh nghiệm quý cho mỗi người làm báo chuyên và không chuyên.
Trước hết, Người làm báo phải nêu cao trách nhiệm nghề nghiệp. Chúng ta biết rằng, nghề báo là một loại hình nghề nghiệp đặc biệt. Hoạt động của nhà báo vừa là hoạt động chính trị xã hội, vừa là hoạt động sáng tạo. Người làm báo với tư cách là chủ thể sáng tạo nên phải có đạo đức, phẩm chất chính trị và kỹ năng nghề nghiệp. Bác khẳng định: “Nói đến báo chí trước hết là nói đến cán bộ báo chí”, họ là người cán bộ cách mạng, biết đặt quyền lợi của dân tộc, của Nhân dân lên trên hết. Người làm báo phải là những chiến sĩ trên mặt trận báo chí.
Cùng với trách nhiệm nghề nghiệp, người làm báo phải nêu cao vai trò, trách nhiệm xã hội của mình. Để làm tốt trách nhiệm xã hội của một người làm báo, Bác yêu cầu nhà báo phải xác định rõ đối tượng phục vụ và nhiệm vụ của báo chí là để phục vụ nhân dân. Nhà báo phải cùng với đồng bào, đồng chí tận tâm, tận lực phấn đấu cho sự nghiệp “xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà giữ gìn hòa bình thế giới”. Nhà báo phải biết hòa mình trong niềm vui, nỗi lo lắng trước khó khăn của đất nước, đồng thời luôn luôn tìm thấy trong thực tiễn sinh động của sự nghiệp vinh quang xây dựng và bảo vệ Tổ quốc coi đó là nguồn đề tài vô tận, chất liệu phong phú để sáng tạo nên những tác phẩm báo chí có chất lượng, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển ngày càng tốt đẹp hơn. Trong việc phê phán cái xấu, cái sai, cái lạc hậu cũng phải góp phần mang tới công chúng niềm tin ở sự thật, sự nghiêm minh của pháp luật, tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, vào những truyền thống tốt đẹp, những giá trị nhân văn của dân tộc ta. Nếu người làm báo thiếu, hoặc ý thức trách nhiệm xã hội không cao thì khó có thể viết được những tác phẩm tốt có giá trị đi vào đời sống xã hội.
Với kinh nghiệm của một người viết báo lâu năm, bên cạnh những lời dạy nghiêm túc về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, Bác còn đặc biệt quân tâm tới việc bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với nhà báo. Bác nhắc nhở: Người có tài mà không có đức là người vô dụng, người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng không thành. Người đòi hỏi nhà báo “viết phải thiết thực”, “nói có sách, mách có chứng”, “từ là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào? Kết quả thế nào… “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”.
Để người làm báo ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn, tác phẩm báo chí ngày càng có hiệu ứng tích cực đối với xã hội, Bác đưa ra những lời khuyên chân thành: muốn viết báo thì cần phải gần gũi quần chúng; khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận; tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi cho những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu và cuối cùng là luôn cố gắng học hỏi, luôn cầu tiến bộ.
Đối tượng phục vụ của báo chí là công chúng, công chúng phải hiểu được nội dung bài báo sau khi đọc. Vì thế Bác lưu ý người cầm bút phải nắm được trình độ, tâm tư, nguyện vọng của công chúng. Hiểu và học tập lời ăn, tiếng nói của nhân dân. Người cũng nêu ra nhận thức biện chứng rằng, trình độ nhận thức của công chúng không phải là “nhất thành bất biến” mà ngày một nâng cao. Báo chí phục vụ công chúng phải góp phần nâng trình độ của họ ngày một cao hơn, các tác phẩm báo chí phải ngày một tăng về hàm lượng trí tuệ. Đó là cách tốt nhất để tạo nên độc giả của báo chí trong thời đại khoa học-công nghệ, kinh tế tri thức, hội nhập quốc tế hiện nay. Và cuối cùng Người dạy, người làm báo phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện.
Để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của nhà báo cách mạng, Bác yêu cầu cán bộ báo chí phải không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng mà trước hết là phải biết tự phê bình và phê bình. Bác coi đó “là vũ khí cần thiết và sắc bén nó giúp cho chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm”. Đối với nhà báo cách mạng “viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mới tiến bộ” và phải “Phê bình với một tinh thần thành khẩn, xây dựng “trị bệnh cứu người””.
Thấm nhuần những lời căn dặn của Bác, để hoàn thành trách nhiệm nặng nề, nhưng cao cả do Đảng và Nhân dân tin cậy giao phó những người làm báo cách mạng luôn khắc ghi và làm theo chỉ dẫn của Bác “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”; “Bài báo là tờ hịch cách mạng”. Trí Ánh
[1] Người đã chỉ đạo liên tục 88 số báo này