Người được dân bản tin yêu 

Ở thôn Vùng Kho, xã Đakrông, H.Đakrông, Quảng Trị, nhắc đến Hồ Ta Doóc, người đồng bào Vân Kiều nơi đây luôn tự hào về một nông dân triệu phú phóng khoáng, giàu nhân ái với những việc làm ý nghĩa lan tỏa trong cộng đồng.

Chúng tôi đến Vùng Kho khi nắng chiều sắp tắt. Gặp những người dân trên đường từ đồi rẫy về, hỏi nhà Ta Doóc, họ vui vẻ đưa đến tận nơi. Đó là ngôi nhà sàn vững chãi phía sau lưng điểm trường mầm non Đakrông 2, trước mặt là đồi núi mênh mông, trời đất rộng mở, cảm giác vô cùng thoải mái. Dù tuổi ngoài lục tuần, Ta Doóc vẫn khiến người đối diện cảm nhận rõ thần thái của một người năng động nhưng rất đỗi chân tình, gần gũi. Thấy khách lạ, con cháu Ta Doóc cũng ùa về quây quần trên nếp nhà. Câu chuyện của chúng tôi vì thế thêm phần thú vị. Ta Doóc cho biết, ông chuyển về Vùng Kho từ năm 1976, sau một thời gian trụ lại trên đỉnh Hoong Cốc (xã Hướng Linh, H.Hướng Hóa) quanh năm gió như bão. Ngày đó, chỉ khoảng 18 hộ dân, trầy trật bữa đói bữa no trên mảnh đất từng chịu nhiều bom đạn ác liệt dọc QL9 này. Những đứa con lần lượt ra đời, vợ chồng Ta Doóc càng thêm cơ cực. Năm 1984, Ta Doóc được bầu làm trưởng bản. Công việc "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" ấy không khiến ông ngại khổ, ngại khó mà còn nỗ lực tìm cách để dân bản lao động sản xuất hiệu quả, vượt qua đói nghèo. Tin tưởng về một tương lai khá hơn, nhiều hộ gia đình ở xa đã bắt đầu tìm về lại Vùng Kho định cư. Trong bối cảnh ấy, vợ chồng Ta Doóc quyết định nhường phần đất của gia đình mình để cho nhiều hộ cất nhà sinh sống trên các vị trí đẹp, đường sá thuận tiện như nhà ông Pênh, Pả Thủy, chị Hồ Thị Lù, Hồ Thị Xoang, Ngô Thị Tùng... Người ngoài trông vào cứ xuýt xoa có phần tiếc nuối, cho ông là gàn dở nhưng Ta Doóc và dân bản thì không mảy may. Bởi họ đều chung một suy nghĩ, nơi nào nghĩa tình mới là nơi đáng sống nhất.

Ta Doóc là điểm tựa vững chãi của gia đình và dân bản Vùng Kho.

Trong 5 nhiệm kỳ liên tiếp đảm trách vị trí trưởng bản và phó bản, dấu ấn của Ta Doóc còn đậm sâu ở những việc làm đầy trách nhiệm khác, khắc sâu trong tâm khảm bà con. Ta Doóc hiến đất xây nhà cộng đồng cho Vùng Kho. Không dừng lại đó, ông còn hiến đất xây hai điểm trường mầm non ngay tại thôn, trong đó điểm trường Đakrông 2 nằm gần QL9, vô cùng khang trang, đẹp đẽ. Khi được hỏi đến việc "hiến đất vàng", Ta Doóc cười hiền cho hay, mong ước lớn nhất là con trẻ được đến trường, được chăm lo, học no cái chữ... Cuộc trò chuyện của chúng tôi thi thoảng gián đoạn vì tiếng xe vào ra bản nhộn nhịp trên con đường bê tông sạch đẹp. Hỏi thêm mới biết, những công trình như đường thôn này đều mang dấu ấn của Ta Doóc trong quá trình giải phóng mặt bằng. Bằng tấm lòng, uy tín của mình, Ta Doóc vận động dân bản ủng hộ một cách nhiệt tình nhất.

Gặp gỡ dân bản Vùng Kho, chúng tôi lại được biết thêm về Ta Doóc trong lao động sản xuất. Vào năm 2005, ông động viên một số bà con cùng ngược lên miền tây Hướng Hóa để tìm hiểu đưa giống cây sắn KM 94 về phủ xanh nương rẫy. Theo tập quán sản xuất của đồng bào, nhiều người cho rằng ông liều lĩnh, tốn công sức, khó có thể thực hiện được. Tuy nhiên, khi thấy Ta Doóc cật lực thu hoạch sắn mùa đầu tiên, thu về hàng chục triệu đồng, người dân mới tự tin tìm đến. Lúc đó, Ta Doóc lại làm cầu nối hướng dẫn kỹ thuật để bà con triển khai rộng khắp loại cây chủ lực này. Hơn 10 năm qua, cây sắn chính là cây chủ lực đã đưa kinh tế Vùng Kho thay đổi thực sự. Nhiều hộ có của ăn của để. Bản thân Ta Doóc còn là Hội viên CLB 100 triệu đồng, trở thành niềm tự hào khắp bản làng dọc Đakrông.

Ngôi trường được xây trên đất do Ta Doóc hiến tặng.

Là người linh hoạt, năng động, Ta Doóc tiếp tục đi tìm hiểu, học tập nhiều nơi và nhận ra đồi núi Vùng Kho rất hợp với loại cây cho giá trị kinh tế cao là sao đen, bời lời đỏ. "Hiện gia đình đang trồng gần 3 ha, sắp cho thu hoạch. Tôi tuổi đã cao nên chừ giao cho vợ chồng con trai chăm lo đồi rẫy", ông hướng sang người con trai Hồ Văn Nia (1996). "Bố hướng dẫn hết mà, bọn em chỉ làm thôi", Nia nói về người cha bằng tất cả sự tin yêu. Đưa mắt nhìn quanh nhà người tiên phong của Vùng Kho, chúng tôi cũng ngợp mắt với giấy khen, bằng khen các cấp biểu dương khen thưởng, càng nhân lên nể phục xiết bao.

BẢO HÀ

440 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1275
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1275
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87149846